Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội diễn ra chiều nay (ngày 4/11), sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ thêm một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm về lĩnh vực này, theo Văn phòng Quốc hội.

“Qua nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, các đại biểu đã thể hiện sự quan tâm và tầm nhìn dài hạn đối với chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số không chỉ là dùng máy tính, dùng thông tin, mà đã đến lúc khẳng định chuyển đổi số là thay đổi tư duy, phương pháp, mô hình quản lý nhà nước, doanh nghiệp, xã hội…”, ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Động lực cải cách hành chính là để hạn chế tham nhũng vặt...
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người đứng đầu cần ra “đầu bài” thật cụ thể để bài toán chuyển đổi số được thực thi hiệu quả.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, việc xây dựng văn bản pháp luật chưa đáp ứng kịp với sự phát triển của khoa học thông tin, chưa phù hợp với đặc tính của công nghệ hiện đại. Trong các trường hợp cụ thể, câu hỏi đặt ra là có dám triển khai kể cả khi trái với quy định hiện hành chưa phù hợp hay không? Cần tích cực thực hiện công tác xây dựng, bổ sung, chỉnh lý văn bản pháp luật phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ.

Nhấn mạnh chuyển đổi số là cơ hội, thể hiện rõ ở quyết tâm của người đứng đầu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, người đứng đầu cần ra “đầu bài” thật cụ thể để bài toán chuyển đổi số được thực thi hiệu quả. Về không gian mạng, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cần chủ động đưa thông tin chính thống một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, cần khuyến khích cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi của người dân đối với thông tin xấu độc; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành vi văn hóa của người dân

Về dịch vụ công, theo Phó Thủ tưởng, một trong những điểm sáng gần đây là vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia. Chúng ta đã đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia trên 6.000 thủ tục hành chính, xác định được những thủ tục nào nhiều người sử dụng, thủ tục nào ít người sử dụng, qua đó giảm bớt được rất nhiều thời gian, công sức và các công đoạn không cần thiết…

Chia sẻ về động lực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị xã hội, quản lý nhà nước, ông Vũ Đức Đam cho biết, động lực quan trọng chủ yếu là sự quan tâm của Chính phủ, của người dân, động lực cải cách hành chính, cải cách dịch vụ công trực tuyến để hạn chế tham nhũng vặt, thể hiện Chính phủ hoàn toàn minh bạch, đảm bảo trách nhiệm giải trình. Đây là động lực chủ yếu của các nước trên thế giới. Đặc biệt, nước ta nhấn mạnh động lực cải cách để đảm bảo Chính phủ minh bạch, qua các dữ liệu thu thập được để có mô hình sản xuất, kinh doanh mới.

Theo Phó Thủ tướng, Đề án cơ sở dữ liệu của ngành Công an là trọng điểm, được đầu tư quy mô, bởi cơ sở dữ liệu về dân cư đã được luật định, là cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý với lực lượng chính quy hóa đến cấp xã. Đây cũng là cơ sở dữ liệu đã được đầu tư nhiều thời gian, nguồn lực, cơ sở vật chất, nhân lực. Cơ sở dữ liệu này không chỉ phục vụ cho riêng Chính phủ, mà cho toàn bộ hệ thống chính trị. Đề án này khi thực hiện cũng đã bộc lộ ra nhiều khó khăn, vướng mắc, chúng ta cần giải quyết, trước hết là đả thông tư tưởng của tất cả các bộ, ngành, các cấp. Kết quả ban đầu cho thấy, chúng ta đã thực hiện đúng hướng, đạt được các mục tiêu cơ bản…/.