“Trọng tâm của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là công tác lập pháp, với nhiều dự án luật khó, chuyên môn sâu, lĩnh vực tác động rộng lớn… Trong đó, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật rất khó, rất phức tạp…, đòi hỏi công tác nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu góp ý vào dự án Luật phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo khách quan, đủ luận cứ khoa học, căn cứ thực tiễn.…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, khi làm việc với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về công tác chuẩn bị đóng góp ý kiến đối với các dự án luật được trình tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, theo Văn phòng Quốc hội.

Dự án Luật Đất đai sửa đổi rất khó, phức tạp, đòi hỏi công tác chuẩn bị phải thật kỹ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Viện Nghiên cứu lập pháp tập trung nguồn lực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan triển khai tổ chức các hội thảo, nghiên cứu chuyên đề về các dự án luật (ảnh: QH)

Chủ tịch Quốc hội gợi mở, đối với dự án Luật Đất đai, việc xây dựng, đề xuất nội dung sửa đổi cần bám sát tinh thần tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; công tác tổ chức tọa đàm, hội thảo về nội dung này cần mang tính chất đào sâu nghiên cứu, làm rõ các vấn đề nổi cộm, trọng tâm cần sửa đổi, những nội dung có nhiều quan điểm khác nhau…

“Viện Nghiên cứu lập pháp tập trung nguồn lực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia uy tín, giàu kinh nghiệm cùng cơ quan soạn thảo, các Ủy ban chủ trì thẩm tra triển khai tổ chức các hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu chuyên đề về các dự án luật…”, ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Dự án Luật Đất đai sửa đổi rất khó, phức tạp, đòi hỏi công tác chuẩn bị phải thật kỹ
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, Viện sẽ tổ chức nghiên cứu chuyên đề chuyên sâu phục vụ trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội (ảnh: QH)

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, Viện sẽ nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu chuyên đề chuyên sâu phục vụ trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội.

Liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Viện Nghiên cứu lập pháp dự kiến sẽ tham mưu Hội đồng khoa học của UBTVQH và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Kinh tế, các tổ chức, cơ sở nghiên cứu như: Hội Luật gia Việt Nam, các cơ sở nghiên cứu luật, các hiệp hội liên quan tổ chức nhiều hội thảo khoa học chuyên sâu liên quan đến các chính sách lớn được thể hiện trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Trong đó, tập trung vào các nội dung hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bao gồm: đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm…

Theo chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 4 dự kiến diễn ra vào tháng 10/2022./.