Dự kiến mức phạt tối đa khi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán là 3 tỷ đồng
Đó là một trong số những quy định tại Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Sẽ có quy định mới về mức xử phạt khi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán
Phạt từ 2-3 tỷ đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ chứng khoán
Cụ thể, đối với vi phạm quy định về hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam, dự thảo nêu rõ: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng khi phát hiện thông tin không chính xác hoặc bỏ sót nội dung quan trọng theo quy định phải có trong hồ sơ hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán chứng khoán hoặc khi phát sinh thông tin quan trọng liên quan đến hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.
Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có thông tin sai sự thật hoặc che giấu sự thật hoặc sai lệch nghiêm trọng.
Phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ, xác nhận trên giấy tờ giả mạo chứng minh đủ điều kiện chào bán trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chào bán chứng khoán ra công chúng khi chưa đáp ứng đủ điều kiện có thể bị phạt tới 700 triệu đồng
Theo dự thảo, phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Chào bán chứng khoán không đúng với phương án đã đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước; thực hiện phân phối chứng khoán không đúng quy định pháp luật;
b) Thay đổi mục đích hoặc phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán nhưng không thông qua Đại hội đồng cổ đông; sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán không đúng với phương án sử dụng đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Chào bán chứng khoán ra công chúng khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật;
b) Chào bán chứng khoán ra công chúng để thành lập doanh nghiệp, trừ trường hợp được pháp luật quy định;
c) Chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước hoặc khi chưa có giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng.
Bên cạnh đó còn có các hình thức xử phạt bổ sung như: Đình chỉ hoạt động bảo lãnh phát hành trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng và biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm: Thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà cá nhân, tổ chức vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán...
Phạt tới 200 triệu đồng đối với hành vi lập, xác nhận hồ sơ, tài liệu báo cáo phát hành thêm cổ phiếu có thông tin sai sự thật
Dự thảo cũng nêu rõ, đối với vi phạm quy định phát hành thêm cổ phiếu, phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không sửa đổi, bổ sung hồ sơ, tài liệu báo cáo phát hành thêm cổ phiếu khi phát hiện thông tin không chính xác hoặc bỏ sót nội dung quan trọng theo quy định phải có trong hồ sơ, tài liệu hoặc khi phát sinh thông tin quan trọng liên quan đến hồ sơ, tài liệu đã nộp;
b) Thực hiện phát hành thêm cổ phiếu không đúng với phương án đã báo cáo hoặc đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Lập, xác nhận hồ sơ, tài liệu báo cáo phát hành thêm cổ phiếu có thông tin sai sự thật, che giấu sự thật hoặc sai lệch nghiêm trọng;
b) Thực hiện phát hành thêm cổ phiếu nhưng không báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước hoặc đã báo cáo nhưng chưa có văn bản thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo về phát hành thêm cổ phiếu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước;
c) Thực hiện phát hành thêm cổ phiếu nhưng không đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước hoặc đã đăng ký nhưng chưa được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận;
d) Thực hiện phát hành thêm cổ phiếu khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật.
Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ, xác nhận trên giấy tờ giả mạo chứng minh đủ điều kiện phát hành thêm trong hồ sơ báo cáo về phát hành thêm cổ phiếu mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự./.
Bình luận