Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, sáng 20/6, tại Hà Nội, Hội VASEAN, Tập đoàn Uzabase Inc Nhật Bản, Công ty Tư vấn Quản lý và Công nghệ Delta đồng tổ chức buổi Hội thảo về dữ liệu với chủ đề “Dữ liệu thông minh với sự tăng trưởng đột phá cho các tổ chức trong thời đại số”.
Dữ liệu thông minh với sự tăng trưởng đột phá cho các tổ chức  trong thời đại số
Ông Phạm Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội VASEAN phát biểu tại sự kiện Ảnh: Mekong ASEAN

Dữ liệu thông minh - nguồn tài nguyên quan trọng cho phát triển CMCN 4.0

Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu, lan tỏa trên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, thu hút sự quan tâm của tất cả các chủ thể trong nền kinh tế của các quốc gia. Nhân tố quan trọng quyết định thành công hay thất bại của quá trình chuyển đổi số chính là dữ liệu. Với vai trò là nguồn cung cấp năng lượng cho chuyển đổi số, dữ liệu có thể trở thành tài nguyên mới cho phát triển kinh tế toàn cầu.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu giúp cho các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, quản lý nắm rõ hơn về dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu thông minh, vai trò quan trọng của dữ liệu trong thời đại số đối với chiến lược phát triển của tổ chức, cũng như việc quản lý và khai thác dữ liệu thông minh, xu thế sử dụng dữ liệu thông minh trong thời đại số đối với hoạch định chiến lược và ra quyết định, học hỏi kinh nghiệm từ các nước tiên tiến trong việc sử dụng dữ liệu thông minh.

Có thể hiểu đơn giản, dữ liệu là tập hợp các thông tin; dữ liệu thông minh là tập hợp các thông tin được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Đối với các tổ chức, lượng dữ liệu ngày càng nhiều, việc xử lý dữ liệu dưới dạng dữ liệu thông minh là xu hướng tất yếu. Theo đánh giá của tổ chức Gartner (Mỹ), hiện nay, các tổ chức lớn trên thế giới đều đã nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu thông minh. Dữ liệu thông minh chính là nguồn tài nguyên cần được khai phá, quản lý, sử dụng hiệu quả, góp phần quan trọng cho phát triển CMCN 4.0.

Quản lý dữ liệu thông minh là việc thực hiện quy trình thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu một cách thông minh trên cơ sở các công nghệ của cuộc CMCN 4.0, giúp thuận tiện cho việc phân tích, xử lý dữ liệu sau giai đoạn phân tích, cụ thể là việc xây dựng, tổ chức, bảo trì, kiểm soát hệ thống, quá trình xử lý dữ liệu như thu thập, lưu trữ, chọn lọc, chuyển đổi, phân tích, kiểm soát các hoạt động có trong vòng đời dữ liệu từ xác định mục tiêu kinh doanh đến trực quan hóa dữ liệu, áp dụng kết quả phân tích vào thực tế. Việc quản lý dữ liệu thông minh có thể cung cấp cho các tổ chức những giải pháp tối ưu, phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng.

Dữ liệu thông minh với sự tăng trưởng của tổ chức: Xu thế và kinh nghiệm của Nhật Bản và Singapore

Tại Hội thảo, ông Yasunori Naito, Giám đốc điều hành Uzabase Asia Pacific Pte Ltd, Thành viên Ban điều hành – Tập đoàn Uzabase Inc Nhật Bản và ông Shafarudin Sariman, Giám đốc thị trường Đông Nam Á tại Uzabase Asia Pacific Pte Ltd, đã trao đổi về thời đại của dữ liệu và những bài học rút ra từ trường hợp của Nhật Bản và Singapore, những quốc gia nổi tiếng với những tiến bộ công nghệ và cách tiếp cận dựa trên dữ liệu. Các diễn giả đã chia sẻ thông tin và nêu bật cách các công ty Nhật Bản và Singapore tận dụng dữ liệu để thúc đẩy đổi mới và duy trì lợi thế cạnh tranh. Các thách thức và thành công mà các doanh nghiệp Nhật Bản và Singapore đã gặp phải cũng được phân tích, qua đó, cung cấp những bài học thực tiễn có thể áp dụng. Các diễn giả cũng phân tích cách Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ việc sử dụng dữ liệu, tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi cho chuyển đổi số và tăng trưởng.

Singapore được đánh giá là một quốc gia thông minh bậc nhất thế giới, khi đã khéo léo vận dụng hiệu quả công nghệ trở thành chìa khóa phát triển, Robot thay thế con người trong một số lĩnh vực, các ứng dụng di động được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ cơ sở dữ liệu và giám sát thông minh để cải thiện chất lượng dịch vụ công.

Từ cuối năm 2014, Chính phủ Singapore đã nhận định rõ về tầm quan trọng của việc thúc đẩy “quốc gia thông minh” và đã đưa ra các chương trình hành động với mục tiêu nhằm kết nối người dân với các doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ để khuyến khích và phát triển các giải pháp quản lý dữ liệu thông minh thông qua những tiến bộ công nghệ, nhằm khai thác dữ liệu tiện ích nhất. Các chương trình cụ thể như:

- Phát triển nền tảng dữ liệu thanh toán điện tử: Singapore đã phát triển nền tảng hợp nhất cho thanh toán di động PayNow. Nền tảng này cho phép chuyển khoản ngang hàng chỉ bằng số điện thoại di động hoặc số thẻ căn cước. Mã QR thống nhất, được gọi là Mã phản ứng nhanh Singapore (SGQR) được triển khai trên toàn quốc trong năm 2020, cho phép người bán chấp nhận cả thanh toán trong nước và nước ngoài, được thực hiện trên nhiều ví điện tử khác nhau.

- Phát triển hệ thống nhận dạng số quốc gia (NDI): Đây là hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất lưu giữ thông tin công dân, được tích hợp với các hệ thống của Chính phủ để cho phép dễ dàng truy cập và tương tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp và công dân. Cơ sở dữ liệu được cung cấp bởi cổng thông tin trực tuyến bảo mật SingPass và MyInfo - SingPass để truy cập các dịch vụ điện tử của Chính phủ; MyInfo là nền tảng quản lý dữ liệu công dân, người dùng sẽ chỉ phải cung cấp thông tin cá nhân cho Chính phủ một lần. Sau đó, họ có thể sử dụng thông tin đó khi làm việc với các cơ quan công quyền hay tư nhân được phê duyệt khác.

- Phát triển hệ thống dữ liệu giáo dục về trí tuệ nhân tạo (AI): Nhận định tầm quan trọng của các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0, Singapore triển khai các chương trình cung cấp kiến thức cho người dân về AI bằng việc tổ chức các dự án tuyên truyền miễn phí về tiềm năng của công nghệ AI, như: Dự án "AI cho mọi người”; dự án "AI cho ngành công nghiệp"…

Sử dụng dữ liệu trong hoạch định chiến lược và ra quyết định của tổ chức

Trong bối cảnh hiện nay, việc lập kế hoạch chiến lược hiệu quả và đưa ra quyết định thông minh là điều cần thiết để các tổ chức phát triển trong nền kinh tế dựa trên dữ liệu. Tại Hội thảo, diễn giả Ngô Quí Nhâm, Chuyên gia tư vấn về Chiến lược và Quản trị nguồn nhân lực và là giảng viên phụ trách Bộ môn quản trị Nguồn nhân lực, Trường Đại học Ngoại thương, đã có những chia sẻ về vai trò quan trọng của dữ liệu trong việc định hình tương lai của các doanh nghiệp.

Diễn giả cũng phân tích các phương pháp và thực tiễn tốt nhất để tích hợp dữ liệu vào cốt lõi của các chiến lược tổ chức. Bằng cách xem xét các ví dụ thực tế, người tham dự bước đầu đã có được những hiểu biết cơ bản về cách các công ty hàng đầu sử dụng phân tích dữ liệu để xác định cơ hội, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa hiệu suất; hiểu được một số công cụ cần thiết để tận dụng dữ liệu như một tài sản chiến lược, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và lợi thế cạnh tranh.

Hội thảo quy tụ sự tham gia của các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và các khách mời. Nội dung phiên thảo luận xoay quanh những bình luận, trao đổi về khái niệm dữ liệu thông minh, các ứng dụng của dữ liệu thông minh và tác động biến đổi của nó đối với các nền kinh tế và thị trường khu vực. Các diễn giả cũng đã chia sẻ quan điểm của họ về các cơ hội và thách thức liên quan đến dữ liệu thông minh, mang lại những góc nhìn đa dạng và những hiểu biết thực tiễn./.