Còn chồng chéo, xung đột

Phát biểu khi Quốc hội thảo luận về dự án dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), diễn ra hôm nay (ngày 15/6), theo Văn phòng Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên), cho rằng, quy định tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật chưa giải quyết được xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật Dầu khí với các luật khác có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng...

“Do vậy, đề nghị xem xét, quy định rõ trong dự thảo Luật nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí theo hướng hạn chế tối đa việc dẫn chiếu các quy định pháp luật tại luật khác để bảo đảm tính khả thi, rõ ràng và thống nhất trong quá trình thực hiện...”, ông Thành đề xuất.

Dự thảo Luật Dầu khí chưa giải quyết được chồng chéo, xung đột với các luật khác
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành góp ý cho dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Cũng theo ông Thành, dự thảo cũng cần quy định rõ phải áp dụng pháp luật dầu khí để thực hiện các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí như: hoạt động dầu khí, điều tra cơ bản về dầu khí và dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ. Việc điều chỉnh áp dụng các luật khác liên quan đến hoạt động trung nguồn, hạ nguồn cũng phải được quy định rõ ràng trong dự thảo Luật, để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột với các luật, dẫn đến việc không áp dụng được trên thực tế khi triển khai dự án dầu khí…

Theo bà Cầm Thị Mẫn, cần bổ sung vào dự thảo Luật quy định cụ thể về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu để ký kết hợp đồng dầu khí. Theo đó, quy định rõ việc lựa chọn nhà thầu dầu khí áp dụng theo quy định của Luật Dầu khí, không áp dụng Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, để lựa chọn nhà thầu dầu khí, đảm bảo việc áp dụng luật một cách thống nhất.

Cùng góc nhìn trên, Đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng, về nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại khoản 2, Điều 4 chưa thực sự phù hợp, bởi quy định này vẫn chưa giải quyết được xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật Dầu khí với các luật khác có liên quan. Do đó, cần xem xét quy định rõ trong dự thảo Luật nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí theo hướng hạn chế tối đa việc dẫn chiếu đến quy định pháp luật tại luật khác…

Theo Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Hà Nội), đối chiếu với Khoản 2 Điều 13 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, thì dự án điều tra cơ bản dầu khí sẽ thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Như vậy, quy định tại Điều 4 sẽ không giải quyết được mẫu thuẫn, xung đột giữa Luật Dầu khí (sửa đổi) và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên dầu khí...

Chưa quy định cụ thể cơ chế khuyến khích điều tra cơ bản về dầu khí

Theo Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (Thái Bình), dự thảo Luật Dầu khí nêu rất rõ mục tiêu Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư, để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Tuy nhiên, dự thảo lại chưa quy định cụ thể về cơ chế khuyến khích. Thậm chí, khi đối chiếu với Chương VI của dự thảo về các chính sách ưu đãi đầu tư, thì chính sách ưu đãi đầu tư này chỉ áp dụng cho hoạt động dầu khí, mà hoạt động dầu khí thì không bao gồm hoạt động điều tra cơ bản.

“Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét có nên áp dụng các biện pháp khuyến khích ưu đãi đầu tư tại Chương VI đối với hoạt động điều tra cơ bản hay không. Trong trường hợp không áp dụng, thì nên thiết kế ngay trong Luật này những cơ chế, chính sách để áp dụng đối với hoạt động điều tra cơ bản…”, ông Hiếu đề xuất.

Dự thảo Luật Dầu khí chưa giải quyết được chồng chéo, xung đột với các luật khác

Theo Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, dự thảo Luật Dầu khí chưa quy định cụ thể cơ chế khuyến khích điều tra cơ bản về dầu khí (ảnh: Quốc hội)

Cũng theo ông Hiếu, các chính sách ưu đãi đối với hoạt động dầu khí trong dự thảo Luật hiện chỉ dừng lại ở ưu đãi hơn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế suất thuế xuất khẩu. Tuy nhiên, còn nhiều những chính sách ưu đãi khác có thể nghiên cứu để cho phép áp dụng, nhằm đa dạng hóa các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài như: cơ chế giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; hay giảm trừ thuế dựa trên chi phí…

Cũng mối quan tâm trên, ông Tạ Đình Thi cho rằng, công tác điều tra cơ bản dầu khí cần đầu tư nguồn lực rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi vào Điều 5, để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác điều tra cơ bản dầu khí, cũng như các hoạt động dầu khí khác, nhất là ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Công thương giải trình gì?

Thay mặt ban soạn thảo dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), giải trình trước Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, lý do dự án Luật không điều chỉnh hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn, bởi chỉ các hoạt động dầu khí thượng nguồn mới có những đặc thù cần thiết phải quy định trong luật chuyên ngành. Các hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn, bao gồm vận chuyển và xử lý chế biến dầu khí đang được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường... Trong quá trình triển khai cơ bản không gặp vướng mắc, nên không cần quy định trong luật chuyên ngành.

Dự thảo Luật Dầu khí chưa giải quyết được chồng chéo, xung đột với các luật khác
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An tiếp thu nội dung đại biểu Quốc hội nêu về hoàn thiện thêm những quy định về cơ chế kiểm tra, giám sát (ảnh: Quốc hội)
Ông An giải trình, việc quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí là có cơ sở. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và xin ý kiến Chính phủ về vấn đề quan trọng này…

Liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí, ông An cho biết, trước đây Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sử dụng quỹ thăm dò dầu khí, để phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí và tìm kiếm thăm dò dầu khí. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không cho phép lập quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí. Do đó, việc bố trí kinh phí phục vụ điều tra cơ bản dầu khí từ nguồn lực của Nhà nước, bao gồm kinh sách ngân sách nhà nước và nguồn lợi sau thuế và nguồn các tổ chức, cá nhân khác là cần thiết và đồng bộ với quy định của pháp luật về khoáng sản. Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra, nghiên cứu và bổ sung các quy định, nguyên tắc về cơ chế giao nhiệm vụ thực hiện điều tra cơ bản; cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, các hình thức ưu đãi đối với điều tra cơ bản…

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng tiếp thu các nội dung đại biểu Quốc hội nêu về ưu đãi trong hoạt động dầu khí; hoàn thiện thêm những quy định về quản lý nhà nước, quy định về bảo vệ môi trường, cơ chế kiểm tra, giám sát, cơ chế thanh tra.../.