Khi cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu tập trung thảo luận có nên duy trì Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm hay không. Đây là nội dung duy nhất còn có ý kiến khác nhau trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, theo Văn phòng Quốc hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của 2 Quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

Dừng Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, Bộ trưởng Tài chính nói gì?
Do còn có ý kiến khác nhau về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, nên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Bộ Tài chính báo cáo với Chính phủ và có ý kiến chính thức về vấn đề này. Ảnh: QH

Tuy nhiên, việc duy trì đồng thời cả 2 Quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm, vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm. Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với quan điểm của Chính phủ thể hiện tại Tờ trình số 307/TTr-CP ngày 26/8/2021 về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp thứ 3 (tháng 9/2021), theo đó đề nghị dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư của Quỹ đúng mục đích ban đầu khi thành lập Quỹ.

Tại Phiên họp thứ 9 mới đây của UBTVQH, đa số ý kiến trong UBTVQH nhất trí dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, tuy nhiên Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục duy trì Quỹ.

Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm. Việc duy trì cả hai loại quỹ này là không cần thiết và tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm, do số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng góp theo hợp đồng bảo hiểm. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc không nên tiếp tục quy định trong dự thảo luật về việc trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

“Nếu Bộ Tài chính đề nghị giữ lại Quỹ này, thì cần phải báo cáo, giải trình rõ hơn về những nội dung liên quan đến hoạt động của Quỹ…”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề xuất.

Dừng Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, Bộ trưởng Tài chính nói gì?
Tuy chia sẻ Bộ Tài chính muốn giữ Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, nhưng Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ chấp hành theo quyết định của Quốc hội. Ảnh: QH

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đều cùng một mục tiêu là bảo vệ người được bảo hiểm nhưng hình thành khác nhau. Quỹ dự trữ bắt buộc được trích từ 5% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bảo hiểm và do cơ quan bảo hiểm quản lý. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hiện quy định trích 0,3% và nộp vào tài khoản do Bộ Tài chính quản lý. Từ khi hình thành đến này, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hiện có hơn 1.000 tỷ đồng.

“Bộ Tài chính muốn bảo tồn, giữ Quỹ này để can thiệp khi doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản, để bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm. Doanh nghiệp mặc dù có Quỹ dự trữ và được tiền bảo vệ, nhưng có khả năng bất khả kháng sẽ xảy đến vấn đề khó khăn thì Quỹ này sẽ dùng để can thiệp. Duy trì Quỹ này sẽ đảm bảo được lợi ích và tính chủ động và là một công cụ cho cơ quan nhà nước khi can thiệp, song sẽ chấp hành theo quyết định của Quốc hội…”, ông Phớc cho hay.

Vì còn ý kiến khác nhau về vấn đề này, nên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Bộ Tài chính báo cáo với Chính phủ và có ý kiến chính thức về vấn đề này, để báo cáo UBTVQH và có cơ sở để chỉnh lý dự thảo Luật./.