Thực tế trên đã được báo chí nêu lên trong cuộc họp báo thường kỳ quý IV/2013 (ngày 10/1) của Thanh tra Chính phủ. Về cơ bản, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh khẳng định, nội dung kết luận thanh tra về Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không đổi. Thủ tướng cũng đã có kết luận về những nội dung Thanh tra Chính phủ báo cáo.

“Nhập nhèm” lãi suất cho vay

Trước thắc mắc của báo chí về việc tài liệu kiểm toán cho thấy, có chuyện EVN cho Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại vay với lãi suất ưu đãi ODA của Nhật Bản rất thấp, nhưng sau đó vay lại của chính nhà máy này với lãi suất rất cao, gây dư luận không tốt.

Cụ thể, sau 2 lần cho vay, nhà máy này được vay tổng cộng 300 triệu USD với lãi suất 1,8%-2%/năm và được trả bằng đồng Yên Nhật. Tuy nhiên, sau đó, EVN đã vay lại của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (sau này Nhà máy được cổ phần hóa) khoản tiền khoảng 2.350 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án thủy điện Sơn La và Bản Vẽ với lãi suất thương mại khoảng 17%/năm.

Báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán của EVN và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại cho thấy năm 2012, nhà máy còn nợ EVN hơn 6.900 tỷ đồng và phải trả khoản lãi vay là hơn 206 tỷ đồng, trong khi nhà máy này lại có khoản thu nhập lãi gần 330 tỷ đồng từ việc cho EVN vay (năm 2011 là trên 210 tỷ đồng).

Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh xác định ngay, Thanh tra Chính phủ đã khẳng định việc cho vay đi vay lại giữa EVN với các đơn vị thành viên trong Tập đoàn không hề sai phạm. Còn câu chuyện lãi suất cao - thấp, ông Khánh dành lại cho đại diện EVN giải thích.

Thừa nhận phản ánh đó là có thật và đang diễn ra, Phó Tổng giám đốc EVN, ông Đinh Quang Tri cho rằng, chuyện này xuất phát từ việc Chính phủ cho phép cổ phần hóa và EVN tiến hành đánh giá lại tài sản, cổ phần hóa, chuyển Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại thành Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

“Lúc đầu, chúng tôi đề xuất Bộ Tài chính cho Phả Lại vay trực tiếp luôn nhưng Bộ Tài chính không đồng ý. Khi Phả Lại hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, một số năm họ có lãi lớn. Việc cổ phần hóa tạo ra câu chuyện có những pháp nhân mới, trong đó các cổ đông là các tổ chức tài chính quốc tế và lãi suất vay lại của họ phải theo thỏa thuận”, ông Tri nói.

Ông cũng khẳng định, Chính phủ cho phép EVN được huy động vốn của công ty con nhưng với điều kiện phải đầu tư vào các dự án điện.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Khánh, giữa hai việc đi vay ODA và EVN vay về thực hiện dự án đầu tư điện không thể gắn với nhau để so sánh, dễ gây hiểu nhầm.

EVN đầu tư ngoài ngành sai quy định 45.000 tỷ đồng

Theo kết luận thanh tra, công ty mẹ EVN đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp gần 122.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có gần 77.000 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ trên 45.000 tỷ đồng là chưa thực hiện đúng quy định.

Việc đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán gần 2.000 tỷ đồng vượt tỷ lệ quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính. Hơn nữa, Thanh tra Chính phủ nhận định việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp của EVN chưa mang lại hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã phê duyệt chi phí “Khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” nhưng thực tế là nhà biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng có các hạ tầng đi kèm như bể bơi, sân tennis… phục vụ mục đích sinh hoạt cho cán bộ nhân viên với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng vào chi phí đầu tư của 6 dự án nguồn điện” là chưa đúng quy định.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng rà soát khoản chi phí xây dựng này cũng như đối với các dự án nhà máy, khu công nghiệp khác và có hướng dẫn cụ thể, phù hợp, báo cáo Thủ tướng ngay trong tháng 2-2014.

Về vấn đề tiền lương của lãnh đạo tập đoàn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thẩm định tiền lương của Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của EVN trong năm 2010 là trên 3 tỷ đồng chưa đúng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Thông tin thêm với báo giới, Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri khẳng định, lương lãnh đạo EVN, bao gồm Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc (tổng cộng 6 người) là do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội duyệt, "không có gì sai được, chỉ là cộng trừ nhân chia".

“Hội đồng thành viên của EVN chỉ có 6 người nên rất đơn giản. Thủ tướng đã quy định không được vượt quá 36 triệu đồng/tháng, thêm phụ cấp nữa thì tối đa là 54 triệu đồng. EVN làm đúng theo quy định chung”, ông Tri khẳng định.

Thanh tra Chính phủ thu hồi hơn 25 nghìn tỷ đồng cho ngân sách

Trình bày kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng năm 2013 và kế hoạch công tác quý I/2014, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính và Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ Lê Hồng Lĩnh cho biết, năm 2013, toàn ngành đã triển khai 8.921 cuộc thanh tra hành chính và 197.690 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế và kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 25,2 nghìn tỷ đồng, 3,6 nghìn ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hơn 7,8 nghìn tỷ đồng, 428 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính hơn 3 nghìn tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.586 tập thể, 2.675 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 72 vụ việc, 75 người.

Phó Tổng Thanh Tra Chính phủ Trần Đức Lượng đánh giá, hiệu lực thanh tra tăng lên với việc xử lý sau thanh tra đạt 66,3%. Việc thanh tra bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, nhất là ở lĩnh vực “nóng” như tín dụng ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Lượng cũng cho biết, hiệu quả thanh tra chưa cao, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, vẫn còn tồn tại 62/528 vụ việc tồn đọng, kéo dài, song đã phân loại được nên đã có hướng giải quyết cụ thể vụ việc. Nguyên nhân chủ quan là do sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa tốt, số người khiếu nại đông ở 2 trụ sở tiếp dân của TW Đảng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng.

Về công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được tiến bộ tích cực, trong đó, phòng ngừa và phát hiện rất quyết liệt, đặc biệt các phương tiện đại chúng phản ánh rất đa dạng, chân thực. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, kết quả chưa cao, phát hiện xử lý tham nhũng còn hạn chế, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương chưa tốt…

Trong năm 2014, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung thanh tra vào lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai - lĩnh vực còn để xảy ra nhiều thất thoát, tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh công tác thanh tra lĩnh vực quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản; vừa qua có nhiều giấy phép cấp không đúng. Thanh tra việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, nhất là với những dự án sử dụng từ trái phiếu Chính phủ.