Gas tăng do giá thế giới

Bắt đầu từ ngày 1/12, giá bán lẻ gas trong nước đã được điều chỉnh tăng từ 70.000-80.000 đồng/bình 12kg, tương đương mức tăng 6.600 đồng/kg. Với mức tăng như trên, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ vào khoảng 475.000-485.000 đồng/bình 12kg. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 2/2012. Việc tăng giá gas cao kỷ lục đã khiến người tiêu dùng hết sức lo lắng, nhất là trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Thừa nhận việc tăng giá gas mạnh đã gây khó khăn không chỉ cho các hộ gia đình nhỏ lẻ mà cho cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, song theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, ông Nguyễn Xuân Chiến, việc điều chỉnh này xuất phát từ giá gas thế giới biến động mạnh. Ông Chiến nhấn mạnh: “Giá thế giới tăng 267 USD mỗi tấn, cao nhất kể từ tháng 2/2011. Giá gas cao như thế này thì người tiêu dùng có thể lựa chọn mặt hàng thay thế như củi, điện”.

Hiện gas trong nước phải nhập khẩu hơn 50%. Theo Vụ Thị trường trong nước, để hạ nhiệt giá gas, Bộ Công Thương đã đồng tình với Hiệp hội Gas đề xuất giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 0%. Theo ông Chiến, bên cạnh đó cần có biện pháp hạn chế lợi dụng việc thực hiện cơ chế thị trường để thao túng giá gas. Cùng với đó là kiểm tra các yếu tố hình thành giá của các doanh nghiệp đầu mối để phát hiện vi phạm. Cơ quan quản lý thị trường phải tiếp tục tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh gas.

Ông Chiến cho biết thêm thông tin, sắp tới, Nghị định 177 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá sẽ là công cụ hữu hiệu để quản lý mặt hàng gas. “Gas do doanh nghiệp định giá và kê khai nhưng không phải muốn quyết giá thế nào cũng được, mà phải tuân theo quy định”, ông Chiến nhấn mạnh.

Giá hàng hóa cuối năm không “phi mã”

Trả lời câu hỏi về vấn đề giá gas tăng như hiện nay, liệu giá cả thị trường có tăng theo không? Ông Chiến cho rằng, giá các mặt hàng trong những tháng cuối năm vẫn tăng theo quy luật. Bởi, tiêu thụ hàng hóa cuối năm bao giờ cũng tăng mạnh hơn so với tháng đầu năm.

Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường vào dịp cuối năm, ngày 6/11/2013, Bộ Công Thương đã có Chỉ thị số 24/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Bộ Công Thương tự tin rằng, giá cả hàng hóa dịp cuối năm sẽ không tăng “phi mã”, là do nhiều địa phương đã tích cực thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu.

Chương trình bình ổn giá thực sự trở thành công cụ điều tiết giá một cách hữu hiệu, khẳng định được vai trò định hướng giá các mặt hàng thiết yếu, góp phần kiểm soát và hạn chế đầu cơ, tăng giá đột biến và bình ổn thị trường những tháng cuối năm. Điều đáng nói, nếu trước đây các địa phương, doanh nghiệp trông chờ ngân sách nhà nước rót về mới thực hiện chương trình bình ổn giá, thì nay các địa phương đã chủ động lên phương án dự trữ hàng Tết. Vụ phó Vụ Thị trường cho biết: “Đến nay đã có gần 30 tỉnh, thành phố gửi báo cáo về dự trữ hàng hóa Tết dịp cuối năm. Chắc chắn sẽ không có sự đột biến nào về giá”./.