Ghìm giữ lãi suất thực sự là việc khó khăn, thách thức…
Về điều hành lãi suất tín dụng và tỷ giá, giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên họp Quốc hội chiều nay (ngày 28/10), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, bối cảnh năm 2022 có nhiều khó khăn hơn nhiều so với những đánh giá vào cuối năm 2021. Xu hướng lạm phát kéo dài hiển hiện ở khắp các nước trên thế giới. Fed đã tăng lãi suất cao và dự kiến sẽ vẫn ở mức cao. Giá USD tăng mạnh khiến nhiều đồng tiền khác suy giảm. Những diễn biến như vậy khiến ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đều gặp khó khăn.
Trong nước, diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán tác động mạnh đến hoạt động tiền tệ và ngân hàng. Trong khi đó, chính sách tiền tệ được giao nhiều nhiệm vụ, đa mục tiêu. Ngay trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng cao, Ngân hàng Nhà nước vẫn được giao nhiệm vụ ghìm giữ lãi suất. Đây thực sự là việc khó khăn, thách thức.
Về Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên thực tiễn, số lượng hỗ trợ còn ít (nguồn: quochoi.vn) |
Theo bà Hồng, trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đồng bộ với liều lượng vào các thời điểm hợp lý. Qua đó góp phần kiểm soát lạm phát ở mức bình quân 9 tháng là 2,73%, năm 2022 ước đạt dưới 4%. Đây là mức thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới, là yếu tố góp phần cho tăng trưởng kinh tế đạt mức dự kiến 8% cho cả năm nay.
Nhấn mạnh giải pháp ứng phó với những biến động trong chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ, Thống đốc cho rằng, phải đánh giá tại từng thời điểm, từng giai đoạn để xác định những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, phải cân đối giữa việc ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá tăng cao…
Về Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, bà Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành đề xuất và ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn, tuy nhiên, về thực tiễn, số lượng hỗ trợ còn ít. Những phân tích, đánh giá nguyên nhân của các đại biểu Quốc hội là hoàn toàn chính xác. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành tiến hành đánh giá, khảo sát trong thời gian tới và báo cáo tổng thể với Chính phủ và Quốc hội.
Liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho cung ứng xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công Thương phải có đánh giá chi tiết, cụ thể, phân tích những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng khan hiếm, rối cung ứng và có những giải pháp phù hợp.
“Về phía hoạt động tín dụng của ngân hàng, trong điều hành, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh doanh xăng dầu, đồng thời đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng phải đáp ứng cho lĩnh vực kinh doanh này…”, bà Hồng cho hay./.
Bình luận