Giai đoạn 2011- 2015, cổ phần hóa DNNN đạt 90% kế hoạch
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã chủ trì Hội nghị.
Hội nghị trực tuyến với các địa phương, tập đoàn, tổng công ty về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ngày 13/11
Năm 2015: cổ phần hóa xong khoảng 210 doanh nghiệp
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trong 10 tháng đầu năm 2015, cả nước có 159 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, 16 doanh nghiệp thực hiện theo các phương án khác.
Dự kiến, đến cuối năm 2015 sẽ cổ phần hóa xong khoảng 210 doanh nghiệp. Như vậy, nếu tính cả 2 năm 2014 và 2015, số doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa là 459 doanh nghiệp, đạt 90% kế hoạch của giai đoạn 2011- 2015.
Trong năm 2015, Thành phố Hà Nội đã đổi mới, giao quyền tự chủ cho 32/35 đơn vị.
Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải cũng thực hiện cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực giao thông thủy, bộ. Tổng công ty Đường sắt cổ phần hóa 24 doanh nghiệp trong khi kế hoạch là 2 doanh nghiệp. Bệnh viện Giao thông vận tải cũng được cổ phần hóa và Bộ này đang kiến nghị Chính phủ được thực hiện tiếp ở các đơn vị khác.
Tuy nhiên, cũng có nhiều đơn vị chưa làm tốt, thậm chí có một số bộ và địa phương chưa có doanh nghiệp nhà nước nào hoàn thành cổ phần hóa.
Đó là 2 bộ: Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông và một số địa phương, như: Nam Định, Tiền Giang, Bình Dương , Bình Phước, Đăk lắk, Gia Lai... chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nhà nước nào.
Ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường có đính chính về số liệu do phê duyệt phương án cổ phần hóa 5 doanh nghiệp vào ngày 11/11/2015, 1 ngày sau khi Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp tập hợp số liệu, các bộ và địa phương chậm cổ phần hóa còn lại đều kêu khó, hứa sẽ cố gắng hoàn tất sớm.
Cần tính toán cho phù hợp với nhu cầu của thị trường
Không chấp nhận những lý do được các bộ, địa phương chậm tiến độ đưa ra, như: khó khăn xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý đất đai, phức tạp trong xử lý tài sản…, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, ngay từ thời điểm này, các bộ, ngành, địa phương vẫn phải quyết tâm thực hiện cổ phần hóa thành công với các doanh nghiệp đã được xác định có thể hoàn thành trong năm nay. Còn với các doanh nghiệp khác cũng phải tính toán cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Khi trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: tái cơ cấu DNNN chưa đạt mục tiêu đề ra. Dự kiến, năm 2015, cổ phần hoá được 200/289 DN. Có nghĩa là, 89 DN sẽ không cán đích kế hoạch cổ phần hoá giai đoạn 2014 2015. |
“Đưa lên thị trường phải bán được, đưa nhiều quá thì cung vượt cầu lại khó”, Phó Thủ tướng nói.
Trưởng Ban chỉ đạo cũng yêu cầu với khoảng 80 DNNN, lẽ ra phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015, nhưng hiện nay mới đang xác định giá trị doanh nghiệp, thì vẫn phải tiếp tục thực hiện để tiến hành cổ phần hóa vào đầu năm 2016.
Nhìn lại việc thực hiện kế hoạch cổ phần hóa DNNN từ 2011-2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá: “Trên dưới 90% DNNN được cổ phần hóa cũng có thể chấp nhận được”.
Phó Thủ tướng đề nghị các DNNN thoái vốn ngoài ngành, thoái vốn có lộ trình không làm mất vốn nhà nước bên cạnh đó tiếp tục xây dựng, hoàn thiện lộ trình thoái vốn sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao một số bộ ngành, địa phương hết sức tích cực trong đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập và đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm tới đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với Bộ Giao thông vận tải, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ này tổng kết việc cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công, đảm bảo việc cung cấp ra xã hội dịch vụ công có chất lượng cao hơn trước và bền vững.
Với các trường hợp tập đoàn, tổng công ty cổ phần hóa mà có đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, thì hầu hết các đơn vị sự nghiệp công lập được chuyển giao về bộ hoặc UBND các tỉnh, thành.
Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ, địa phương tập trung thực hiện ngay cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16 của Chính phủ hoặc chuyển thành công ty cổ phần theo Quyết định số 22 của Thủ tướng trên tinh thần Nhà nước không bổ sung vốn.
Về xử lý tiền bán cổ phần vốn nhà nước, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp trực thuộc phải nộp về Tập đoàn hoặc Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước SCIC.
Chính phủ sẽ tiếp tục bổ sung vốn cho địa phương sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, nhưng địa phương phải lập phương án cụ thể để các bộ thẩm định và tiếp tục cấp vốn.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm sửa đổi Quyết định 37 của Thủ tướng về tỷ lệ nắm giữ vốn của nhà nước tại các lĩnh vực để làm căn cứ cho các địa phương, Bộ ngành triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước./.
Bình luận