Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý công nợ tại Công ty TNHH một thành viên BID
Phạm Hiếu
Nguyễn Thị Xuân Nghĩa
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh
Tóm tắt
Việc sử dụng và quản lý hiệu quả vốn lưu động thông qua kiểm soát công nợ là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển và tồn tại của một doanh nghiệp. Vì vậy, nghiên cứu này tập trung làm rõ hiện trạng quản lý công nợ tại Công ty TNHH một thanh viên BID (sau đây gọi tắt là Công ty BID). Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp, nhằm góp phần cải thiện hoạt động kiểm soát công nợ, qua đó giúp Công ty đảm bảo an toàn tài chính, cũng như cải thiện sức cạnh tranh trên thị trường.
Từ khóa: quản lý công nợ, phân tích tài chính, công ty TNHH, công ty BID
Summary
The efficient utilization and management of working capital through debt control are crucial for the development and survival of an organization. Therefore, this research focuses on clarifying the current status of debt management for the BID LLC (Hereinafter referred to as the Company). Based on the research findings, the authors proposes several solutions, aiming to enhance debt control operations, thereby helping Company ensure financial safety and competitiveness in the market
Keywords: debt management, financial analysis, Co. Ltd, BID LLC
GIỚI THIỆU
Việc quản lý các khoản phải thu là vấn đề quan trọng hoặc được coi là trọng tâm để nâng cao khả năng sinh lời (Jindal, D., Jain, S., và Vartika, K, 2017). Đồng quan điểm này, Munene, F. và Tibbs, C. Y. (2018) cũng đã chứng minh mối tương quan giữa mức độ các khoản phải thu và khả năng sinh lời. Do đó, việc nâng cao hiểu biết về mối quan hệ giữa các khoản phải thu và khoản phải trả đóng góp đáng kể vào việc hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách của công ty trong việc xây dựng chiến lược thương mại và vốn lưu động. Các nhà đầu tư có thể có được cái nhìn sâu sắc về tình hình tài chính của công ty bằng cách phân tích các thành phần chủ đạo trong khoản phải thu và khoản phải trả (Mittal, S, 2022).
Công ty BID là doanh nghiệp mới được thành lập, nên công tác quản lý nợ còn nhiều bất cập, chưa có quy trình cụ thể, dẫn đến hiệu quả quản lý nợ phải thu, phải trả chưa được đánh giá bài bản. Do đó, việc áp dụng các chính sách và quản lý nợ hiệu quả hơn cần được cải thiện sớm, để nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn tài chính và sức cạnh tranh cho Công ty.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Ross và cộng sự (2010) đã phân tích tình hình nợ phải thu, nợ phải trả và khả năng thanh toán, cụ thể như sau:
(i) Phân tích tình hình nợ phải thu
(iii) Phân tích khả năng thanh toán
Phương pháp nghiên cứu
Cùng với sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, để thấy được rõ hơn về hiệu quả của việc quản lý công nợ và bức tranh tài chính của đối tượng nghiên cứu, nhóm tác giả tiến hành phân tích các chỉ số tài chính phổ biến, gồm: phân tích tình hình nợ phải thu, nợ phải trả, tỷ số thanh toán và các chỉ số liên quan khác.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Hệ số nợ phải thu và phải trả tại Công ty BID trong giai đoạn 2022-2023
Kết quả nghiên cứu ở Bảng 1 và Hình 1 chỉ ra sự thay đổi giữa hệ số các khoản phải thu và phải trả ở thời điểm năm 2023 so với năm 2022. Nguyên nhân là do nhiều khách hàng đáp ứng được khả năng thu nợ của Công ty. Việc quản lý chặt chẽ chính sách thanh toán được Công ty áp dụng đã có hiệu quả hơn khi tỷ lệ các khoản phải thu năm 2023 giảm 14% so với năm 2022. Đồng thời, tổng các khoản phải trả năm 2023 tăng 16% so với năm trước và có sự thay đổi trong cơ cấu, khi tăng nợ ngắn hạn và giảm nợ dài hạn so với năm 2022.
Bảng 1: Tổng hợp tình hình công nợ các năm 2022-2023
Chỉ tiêu | Năm 2022 | Năm 2023 | Chênh lệch (%) |
Hệ số các khoản phải thu | 24,76% | 10,68% | -14% |
Hệ số các khoản phải trả | 51,76% | 67,93% | 16% |
Hệ số các khoản phải thu so với các khoản phải trả | 48% | 15% | -33% |
Nguồn: Tổng hợp từ dữ liệu nghiên cứu của nhóm tác giả
Hình 1: Hệ số phân tích nợ các năm 2022-2023
Nguồn: Tổng hợp từ dữ liệu nghiên cứu của nhóm tác giả |
So sánh hệ số nợ phải thu và phải trả của Công ty BID với trung bình ngành
Kết quả thể hiện ở Hình 2 cho thấy, Hệ số vòng quay phải thu tại Công ty BID năm 2023 cao hơn gấp 2 lần so với hệ số trung bình ngành ( 6,62 > 3,14). Điều này đồng nghĩa với việc Công ty có khả năng thu hồi nợ nhanh chóng, khi thời gian thu hồi các khoản phải thu nhanh hơn trung bình ngành 64 ngày, do Công ty áp dụng chính sách yêu cầu khách hàng thanh toán trả trước. Hệ số vòng quay khoản phải trả của Công ty khá thấp (chỉ là 1,83) so với hệ số trung bình ngành cung cấp thiết bị là 3,38.
Hình 2: Biểu đồ quay vòng phải thu, phải trả Công ty BID và trung bình ngành năm 2023
Nguồn: Tổng hợp từ dữ liệu nghiên cứu của nhóm tác giả |
Thời gian trả tiền cho nhà cung cấp tại Công ty BID kéo dài lên đến 200 ngày, trong khi thời gian trung bình ngành chỉ có 102 ngày (Hình 3). Nguyên nhân do chính sách thanh toán nợ gây ảnh hưởng đến hệ số này, bởi những mặt hàng máy móc kinh doanh của Công ty đều có giá trị lớn, nên gần như đều áp dụng dưới hình thức thanh toán trả chậm cho nhà cung cấp.
Hình 3: Biểu đồ thời gian trung bình phải thu, phải trả của Công ty BID và trung bình ngành năm 2023
Nguồn: Tổng hợp từ dữ liệu nghiên cứu của nhóm tác giả |
Phân tích hệ số khả năng thanh toán
So với tỷ lệ trung bình của các doanh nghiệp cùng ngành, Công ty BID có khoản nợ ngắn hạn bằng tổng tài sản ngắn hạn và không gặp vấn đề về việc thanh toán quá kỳ hạn hoặc vi phạm hợp đồng, khi Công ty có tỷ lệ thanh toán hiện hành cao hơn mức trung bình ngành (1,41 > 1,33) và tỷ lệ tiền mặt cũng cao hơn mức trung bình ngành là 0,29. Tuy nhiên, sau khi trừ đi hàng tồn kho khỏi hệ số thanh toán hiện hành, hệ số thanh toán nhanh của Công ty thấp hơn mức trung bình ngành. Điều này càng chứng tỏ, Công ty phụ thuộc nhiều vào hàng tồn kho khi trả nợ (Hình 4).
Hình 4: Hệ số thanh toán của Công ty BID và trung bình ngành năm 2023
Nguồn: Tổng hợp từ dữ liệu nghiên cứu của nhóm tác giả |
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Kết luận
Kết quả nghiên cứu đã phân tích rõ tình hình nợ phải thu, nợ phải trả, tỷ số thanh toán, cũng như các chỉ tiêu tài chính khác của Công ty BID. Bên cạnh những mặt khá tích cực, hiện trạng quản lý công nợ của Công ty còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, nên cần có giải pháp tháo gỡ.
Khuyến nghị
Để cải thiện hoạt động quản lý công nợ, cũng như hiệu quả kinh doanh của Công ty BID, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là, đối với một số khách hàng mới chưa có độ tin cậy cao hoặc đơn hàng giá trị lớn, Công ty cần cân nhắc và tìm hiểu về hình thức thanh toán bằng LC, để không bị giới hạn thị trường khách hàng vì phương thức thanh toán đồng thời yên tâm hơn trong việc thu hồi nợ. Bên cạnh đó, cuối tháng, Công ty nên gửi biên bản đối chiếu công nợ nhờ khách hàng xác nhận, để hai bên thuận tiện theo dõi chính xác số tiền và thúc đẩy việc thanh toán từ khách hàng, tránh rủi ro diễn ra hoặc giải quyết những chênh lệch xảy ra nếu có một cách kịp thời (Hình 5).
Hình 5: Quy trình đối chiếu công nợ
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất |
Hai là, Công ty cần áp dụng công nghệ vào quy trình thu nợ tự động (Hình 6). Quy trình này sử dụng công nghệ, thuật toán để quản lý và tự động hóa các quy trình khác nhau liên quan đến việc thu nợ.
Hình 6: Quy trình thu hồi công nợ áp dụng công nghệ tự động
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất |
Trong đó:
- Dữ liệu vào gồm: những thông tin về khách hàng, số tiền, phương thức thanh toán và liên lạc, thời hạn thanh toán theo các hợp đồng.
- Hệ thống sẽ tự động xác định các khoản nợ cần thu dựa trên phân tích dữ liệu thời gian thực về các khoản thanh toán đã nhận và đến hạn.
- Hệ thống tự động gửi email nhắc thanh toán (được cá nhân hóa).
- Cuộc gọi thu nợ tự động.
- Theo dõi thời gian thực các khoản trả nợ đã nhận và chưa thanh toán.
- Dựa vào mức độ quá hạn, số tiền nợ, ưu tiên các khoản nợ để thu hồi dựa trên thời hạn nợ, số nợ, giá trị và rủi ro của con nợ, hệ thống sẽ tiến hành phân tích và đưa ra báo cáo công nợ tổng hợp.
- Sau khi có được báo cáo phân tích tình trạng công nợ của Công ty, kế toán cùng ban lãnh đạo sẽ tiếp tục xử lý đối với một số trường hợp vẫn chưa thu hồi được nợ theo quy trình như Hình 7.
Hình 7: Quy trình thu hồi nợ phải thu
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất |
Ba là, cần phân loại đối tượng thu hồi nợ, để có những biện pháp đòi nợ khác nhau: (i) Với nhóm khách hàng trả đúng hạn, thì Công ty cần duy trì mối quan hệ tốt với họ; (ii) Với khách hàng thuộc nhóm nợ quá hạn (quá hạn dưới 180 ngày, không thanh toán và phản hồi thông tin trả nợ), thì Công ty cần: thương lượng, trao đổi trực tiếp với khách hàng bằng cách sử dụng các kỹ năng linh hoạt, vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn tuỳ theo tình huống thực tế; (iii) Với khách hàng thuộc nhóm nợ phải thu khó đòi (quá hạn trên 180 ngày hoặc trong tình trạng bỏ trốn, phá sản), thì ngoài dùng phương án thu hồi nợ cứng rắn, Công ty nên cân nhắc việc chấm dứt giao dịch mua bán hàng với khách hàng để tránh những tổn thất, đồng thời tiến hành trích dự phòng cho khoản phải thu khó đòi; nhờ sự giải quyết của pháp luật./.
Tài liệu tham khảo
1. Công ty TNHH MTV BID (2023, 2024), Báo cáo tài chính năm 2022, 2023.
2. Jindal, D., Jain, S., and Vartika, K. (2017), Effect of receivables management on profitability: A study of commercial vehicle industry in India, Management, 2(2), 246-255.
3. Mittal, S. (2022), Accounts Receivable and Payable Interrelationships: Evidence from Indian Small Cap Companies, Ramanujan International Journal of Business and Research, 7(1), 21-30
4. Munene, F., and Tibbs, C. Y. (2018), Accounts receivable management and financial performance of Embu water and sanitation Company Limited, Embu County, Kenya, International Academic Journal of Economics and Finance, 3(2), 216-240.
5. Ross, Stephen A., Westerfield, Randolph., Jaffe., and Jeffrey F. (2010), Corporate Finance, 9th Edition, McGraw-Hill and Irwin, Boston.
Ngày nhận bài: 16/4/2024; Ngày phản biện: 26/4/2024; Ngày duyệt đăng: 29/4/20204 |
Bình luận