ThS. Du Quốc Đạo

Trường Đại học Văn Hiến

Email: daodq@vhu.edu.vn

Tóm tắt

Huyện Cần Giờ thuộc TP. Hồ Chí Minh, được xem là “lá phổi xanh”, là huyện duy nhất của thành phố giáp biển. Cần Giờ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, tuy nhiên, thực trạng phát triển du lịch Cần Giờ chưa thật sự khởi sắc, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của mình. Do đó, nhằm xây dựng chiến lược phát triển bền vững ngành du lịch ở Cần Giờ với phương châm khai thác hợp lý nguồn lực sẵn có ở địa phương sao cho đạt hiệu quả kinh tế - xã hội - văn hóa cao nhất, tác giả sử dụng mô hình SWOT để phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức toàn cảnh du lịch Cần Giờ. Từ đó, đề xuất giải pháp cho việc phát triển bền vững ngành du lịch ở huyện Cần Giờ.

Từ khóa: Cần Giờ, du lịch, phát triển bền vững

Summary

Can Gio District, belonging to Ho Chi Minh City, is known as the "green lung", being the only coastal district of the city. Can Gio has many favorable conditions for tourism development; however, the current situation of Can Gio's tourism development has not truly flourished, not commensurate with its inherent potential. Therefore, in order to build a sustainable tourism development strategy in Can Gio with the principle of rational exploitation of local resources to achieve the highest economic, social, and cultural efficiency, the author uses the SWOT model to analyze the strengths, weaknesses, opportunities, and challenges of Can Gio tourism as a whole. From there, proposed solutions for sustainable tourism development in Can Gio district.

Keywords: Can Gio, tourism, sustainable development

ĐẶT VẤN ĐỀ

Nền kinh tế TP. Hồ Chí Minh nói chung và của huyện Cần Giờ nói riêng cũng ảnh hưởng rất nhiều vào ngành dịch vụ du lịch vì thế nếu du lịch không phát triển tốt thì các ngành khác cũng sẽ bị thiệt hại nhiều. Mặc dù du lịch phát triển sẽ thúc đẩy kinh tế Cần Giờ phát triển, nhưng hiện tại doanh thu và lợi nhuận của người kinh doanh du lịch tại đây chưa cao so với các doanh nghiệp và đơn vị đưa khách đến tham quan.

Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch cũng làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, văn hóa của địa phương. Hiện trạng khai thác các nguồn lực sẵn có để phục vụ du lịch ở Cần Giờ hiện đang gặp phải nhiều thử thách khác nhau. Do vậy, việc đầu tư khai thác các nguồn lực sinh thái - văn hóa phát triển du lịch phải vì sự phát triền bền vững của sinh thái và văn hóa địa phương, chứ không phải coi chúng là nguyên liệu đầu vào cho phát triển du lịch bằng mọi giá. Chính vì vậy, việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững du lịch sinh thái - văn hóa tại khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ với phương châm khai thác hợp lý nguồn lực sẵn có ở địa phương được xem là quan trọng và cấp thiết.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nhằm xây dựng chiến lược phát triển bền vững du lịch sinh thái - văn hóa tại khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ với phương châm khai thác hợp lý nguồn lực sẵn có ở địa phương sao cho hiệu quả kinh tế - xã hội - văn hóa cao nhất, tác giả sử dụng mô hình SWOT để phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức toàn cảnh du lịch Cần Giờ.

Trên nền tảng những kết luận rút ra từ ma trận và các chiến lược phát triển du lịch đã được đề xuất, tác giả vạch ra các giải pháp dưới các góc nhìn (như trình bày bên dưới) nhằm khai thác các nguồn lực tại khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ để phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; bên cạnh đó giúp cộng đồng địa phương phát triển du lịch bền vững. Các giải pháp chiến lược được sử dụng để phân tích:

(1) Chiến lược S-O: Phát huy điểm mạnh để tận dụng thời cơ và ngược lại, tranh thủ thời cơ để phát huy điểm mạnh vốn có.

(2) Chiến lược W-O: Không để điểm yếu làm mất đi cơ hội tốt để phát triển và tận dụng cơ hội để khắc phục điểm yếu.

(3) Chiến lược S-T: Phát huy điểm mạnh để vượt qua thử thách.

(4) Chiến lược W-T: Không để thách thức tạo ra những điểm yếu

PHÂN TÍCH MÔ HÌNH SWOT CHO KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN CẦN GIỜ

Điểm mạnh (S)

Điểm yếu (W)

SWOT

- Được UNSECO công nhận.

- Thu hút giáo dục, nghiên cứu qua nguồn lực tự nhiên và hệ sinh thái độc đáo.

- Đời sống tinh thần phong phú qua các nguồn lực văn hóa.

- Thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản.

- Có nhiều tiềm năng khai thác du lịch.

- Đang được quy hoạch thành đô thị du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng của khu vực.

- Có cảnh quan đẹp để thu hút khách du lịch.

- Ý thức người dân chưa cao trong bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.

- Ô nhiễm môi trường do hoạt động đời sống con người, do sử dụng hóa chất trong nuôi trồng, do hoạt động du lịch.

- Trình độ văn hóa, thu nhập theo đầu người còn thấp.

- Chưa qui hoạch các ngành nghề, cơ sở hạ tầng chưa phát triển.

- Hệ thống giao thông tiếp cận vùng còn khó khăn.

Cơ hội (O)

S - O

W - O

- Được sự quan tâm của thành phố đầu tư phát triển du lịch.

- Nhiều thành phần kinh tế sẵn sàng đầu tư.

- Gần trung tâm TP. Hồ Chí Minh nên có tiềm lực đầu tư.

- Được nhà nước bảo vệ về nguồn tài nguyên thiên nhiên.

- Là khu dự trữ sinh quyển nổi tiếng nên thu hút sự quan tâm của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ.

- Lập dự án để kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ vốn, tranh thủ cơ hội từ các thành phần kinh tế.

- Xây dựng nội quy bảo tồn và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn.

- Xây dựng chương trình duy trì và bảo vệ khu dự trữ sinh quyển theo hướng dẫn và kinh nghiệm từ các tổ chức phi chính phủ.

- Xây dựng chương trình hỗ trợ giáo dục, nghiên cứu cho các đối tượng du khách có nhu cầu.

- Xây dựng chính sách thuế, tài chính tạo điều kiện thu hút đầu tư.

- Huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.

- Đầu tư phát triển du lịch sinh thái - văn hóa theo hướng lâu dài theo chủ trương của nhà nước.

- Xây dựng các chương trình giáo dục và phát triển cộng đồng bền vững.

- Khuyến khích các nguồn tài trợ vốn cho người lao động, phát triển các ngành nghề tạo việc làm cho người dân.

- Nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên của địa phương.

Thách thức (T)

ST

W – T

- Thiếu kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng.

- Thiếu kinh nghiệm và năng lực quản lý trong việc phát triển du lịch.

- Thay đổi thói quen và ý thức cộng đồng.

- Thiếu các qui định chính sách phù hợp.

- Tăng dân số vùng, gây áp lực cho môi trường, tệ nạn xã hội gia tăng.

- Điều kiện vệ sinh môi trường còn thấp kém.

- Kêu gọi dự án đầu tư từ các tổ chức chính phủ và phi chính phủ cho mục tiêu bền vững.

- Tập huấn cán bộ quản lý để có sự đồng bộ, hiệu quả trong công tác.

- Xây dựng các chính sách phù hợp để vừa bảo tồn khu dự trữ sinh quyển và vừa khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ du lịch.

- Quy hoạch cơ sở hạ tầng, dân cư.

- Xây dựng trung tâm y tế, văn hóa, xã hội cộng đồng.

- Có cơ chế hổ trợ về chính sách thuế, tài chính, tạo điều kiện thu hút đầu tư.

- Có quy hoạch tổng thể về chiến lược phát triển kinh tế lâu dài.

- Đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm về khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi.

- Có quy hoạch tổng thể về khu bảo tồn và khu du lịch sinh thái.

- Tăng cường củng cố an ninh, vệ sinh môi trường và an toàn sức khỏe cộng đồng.

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

Qua kết quả phân tích SWOT, tác giả đưa ra bốn giải pháp chính cho phát triển bền vững du lịch Cần Giờ trong thời gian tới:

Giải pháp sản phẩm: Tổ chức các chương trình nghiên cứu thị trường để cải tiến chất lượng, đa dang hóa các loại hình du lịch cho phù hợp với thị hiếu của khách du lịch trong nước và quốc tế nhất là thị trường châu Á, châu Âu. Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để tạo ra những nét văn hóa đặc sắc trong sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách tới Cần Giờ nhiều hơn.

Giải pháp xây dựng thương hiệu: Chương trình thương hiệu cần được coi như một giải pháp lớn để phát triển du lịch Cần Giờ. Trong các hoạt động xây dựng thương hiệu, phải tạo ra sự khác biệt hóa sản phẩm trên nền chất liệu địa phương, đặc trưng văn hóa vùng miền.

Giải pháp phát triển thị trường: Thúc đẩy hoạt động marketing để quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm du lịch của huyện. Tổ chức hoặc tích cực tham gia các hội chợ và triển lãm và xây dựng trang web giới thiệu, quảng bá về các tiềm năng du lịch của huyện.

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực: Coi đầu tư cho đào tạo nghề là chìa khóa cho phát triển du lịch. Mở rộng các dạng liên kết trong đào tạo: giữa các đơn vị trong huyện với thành phố, với các tỉnh khác. Có chính sách khuyến khích các viên chức làm việc trong các cơ quan liên quan đến du lịch tham gia các lớp đào tạo, trao đổi kinh nghiệm. Hỗ trợ học bổng, liên kết để đưa các nguồn nhân lực địa phương tiếp cận và nâng cao trình độ ngoại ngữ để có thể giao tiếp với du khách hoặc các nhà nghiên cứu nước ngoài.

Các giải pháp trên phải được triển khai dưới những góc nhìn cụ thể như sau:

Góc nhìn kinh tế:

Phải có những cơ chế chính sách đồng bộ để khuyến khích việc khai thác các tiềm năng du lịch sinh thái - văn hóa tại huyện Cần Giờ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để mọi thành phần kinh tế có thể đầu tư phát triển các khu du lịch, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đến những khu vực có tiềm năng, gấp rút đào tạo một cách có hệ thống đối với các nhà quản lý và lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch sinh thái - văn hóa. Điều này không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa đặc biệt là đảm bảo cho sự phát triển bền vững của du lịch nhất là du lịch sinh thái tại Cần Giờ.

Đầu tư nghiên cứu chuyên đề về thị trường du lịch, phân khúc thị trường hướng vào các đối tượng học sinh – sinh viên, người nước ngoài để xác định rõ yếu tố cầu của đối với các loại hình du lịch ở Cần Giờ. Điều này cũng đồng nghĩa rằng với các nhóm đối tượng đặc thù khác nhau, ngành du lịch địa phương cân nhắc thiết kế tuyến, điểm, loại hình phù hợp để bổ sung các mục tiêu, ý nghĩa giáo dục, giao lưu văn hóa... để làm phong phú hóa sản phẩm du lịch và hiệu quả khai thác nguồn lực. Nó đòi hỏi phải có sự đầu tư thỏa đáng cho các công tác xúc tiến quảng bá du lịch sinh thái, góp phần tạo thị trường cho du lịch sinh thái và văn hóa tại vùng một cách vững chắc.

Bên cạnh đó, phân loại khách để có phương pháp đón tiếp, bố trí chỗ ăn ở cũng là một việc quan trọng. Thực tế thì Cần Giờ đang hướng đến việc trở thành một đô thị nghỉ dưỡng cao cấp trong khu vực đồng nghĩa với việc hướng đến những du khách giàu có. Do đó, cần có cái nhìn toàn diện hơn về đặc điểm của từng nhóm phân khúc khách du lịch, từ đó xây dựng và phát triển sản phẩm mang tính đặc trưng cho các nhóm phân khúc mục tiêu đã nhận định. Việc xác định và lựa chọn nhóm khách hàng mục tiêu là dựa vào sự phù hợp với khả năng và mục tiêu kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh tại địa phương. Việc làm này sẽ giúp ngành du lịch Cần Giờ giải quyết được những hạn chế hiện tại, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển du lịch một cách hiệu quả đồng thời tạo cơ sở vững chắc cho kế hoạch phát triển một cách bền vững có hiệu quả về kinh tế lẫn xã hội.

Góc nhìn môi trường:

Nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của sự phát triển du lịch sinh thái - văn hóa đối với phát triển bền vững tự nhiên và các giá trị văn hóa truyền thống thông qua những chương trình giáo dục và tuyên truyền có tính xã hội. Khuyến khích cộng đồng địa phương vào công tác quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên và khu di tích văn hóa, lịch sử tại Cần Giờ.

Để có thể duy trì, gìn giữ nét đẹp xanh, sự trong lành thì Cần Giờ nên chủ động xây dựng một số điểm đến xanh để du khách có thể đi bộ, xe đạp, xe điện vào tham quan, tìm hiểu về văn hóa bản địa, hệ sinh thái đa dạng. Kết hợp với việc xây dựng ý thức cho du khách thì biện pháp cho họ trồng một cây xanh nhỏ tại khu du lịch được coi là một bài học thực tiễn có giá trị khi mà nó đánh trúng tâm lý duy trì những mầm xanh của thiên nhiên đồng thời hệ sinh thái Cần Giờ có thể gia tăng thêm số lượng cây cối. Giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, giải quyết tốt các vấn đề về môi trường bảo đảm phát triển bền vững trong chủ động tích cực hội nhập quốc tế về du lịch.

Góc nhìn xã hội và mô hình phát triển bền vững:

Dựa trên kết quả phân tích mô hình SWOT kết hợp với khái niệm cơ bản về phát triển du lịch bền vững, tác giả đề xuất những giải pháp nhằm phát triển du lịch sinh thái - văn hóa Cần Giờ theo hướng bền vững. Mô hình phù hợp nhất để phát triển du lịch bền vững cho huyện Cần Giờ là sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư đặt dưới sự kiểm soát thông qua các thể chế “xanh và bền vững”.

Đối với các di sản thế giới ở Việt Nam nói chung và Cần Giờ nói riêng, việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng đang được xem như một giải pháp hữu hiệu để cân bằng giữa lợi ích phát triển kinh tế với công tác bảo tồn di sản. Tuy nhiên, việc lựa chọn một mô hình phát triển du lịch bền vững phù hợp đang là vấn đề quan trọng nhằm đạt được những mục tiêu đề ra. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả không đi sâu phân tích ưu - nhược điểm của mô hình mà chỉ muốn đề xuất một mô hình trên cơ sở những thông tin đã tìm hiểu, khảo sát về cộng đồng địa phương, các chương trình phát triển du lịch Cần Giờ của chính quyền địa phương, đặc điểm chính của tự nhiên và văn hoá nhằm mục tiêu phát triển bền vững tại Cần Giờ. Đó là mô hình 10R:

- Tái cấu trúc và sự giảm thiểu (Re-engineering & Reduction): Cần có sự điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Cần Giờ nhằm bảo vệ khu dự trữ sinh quyển thế giới kết hợp khai thác du lịch, phát triển thương mại dịch vụ, đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật như: công trình công cộng về y tế, văn hóa, du lịch, giải trí với cảnh quan thiên nhiên, nông nghiệp sinh thái kết hợp khai thác du lịch và khu dân cư. Đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch có chất lượng cao bởi đây là một hướng đầu tư hết sức quan trọng, tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động phát triển du lịch ở Cần Giờ.

- Tái sử dụng và tái chế (Re-using & Recycling): Để bảo vệ tốt nguồn tài nguyên và môi trường du lịch trên địa bàn huyện thì cần có một số giải pháp nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ du lịch tới môi trường, hạn chế những áp lực từ môi trường đến hoạt động du lịch tại từng khu, điểm du lịch. Sử dụng các loại giấy bỏ để làm túi gói hàng cho người dân và khách du lịch đến địa phương theo nhiều mẫu mã sáng tạo gắn với hoạt động bảo về văn hóa, môi trường, bảo tồn những công trình kiến trúc cổ, trong và ngoài bán kính 1 km từ trung tâm huyện thì tất cả hệ thực vật, nhà cửa phải bảo tồn theo kiến trúc dân tộc ít người. Tái sử dụng các nguồn tài nguyên nước cho việc tưới cây, rửa xe, đưa vào hệ thống lọc nước để sử dụng cho các mục đích thiết thực; tái chế các loại rác hữu cơ: thức ăn thừa, lá cây, vỏ trái cây, cành cây... để làm phân hữu cơ tại các điểm du lịch sinh thái để mọi người cùng nhau ươm giống cho những mầm xanh mới. Thu gom giấy cũ, kim loại cũ, chai nhựa... đổi lấy quà là các sản phẩm dùng hàng ngày cho người dân huyện theo lịch 1 tháng/lần, sử dụng các loại cây gãy tự nhiên làm vật liệu xây dựng, xác động vật tự nhiên để trưng bày, minh họa cho du khách hiểu biết và làm quen khi gặp tại điểm du lịch.

- Đào tạo và sự thay thế (Retraining & Replacement): Nguồn nhân lực du lịch rất cần thiết cho hoạt động du lịch. Phát triển nguồn lực này nhằm tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng của lực lượng lao động đã, đang và sẽ làm việc trực tiếp trong ngành du lịch gồm: nguồn nhân lực thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương, lao động trong các khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành, vận chuyển. Để phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới, địa phương nên phối hợp các ban, ngành liên quan để triển khai thực hiện một số giải pháp: tổ chức thực hiện phát triển du lịch 2025 - 2030 cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có liên quan đến địa phương; tổ chức các lớp tập huấn về cách làm du lịch bền vững cho các quản lí cấp cao của các di tích văn hóa, danh thắng, các khu dự trữ sinh quyển của huyện; các cơ quan quản lý nên nhanh chóng thiết lập và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đào tạo nguồn nhân lực; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thông qua việc liên kết, học tập trao đổi kinh nghiệm, hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế quản lý và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Bên cạnh đó, một trong các yêu cầu cấp thiết là nâng cấp hoặc thay thế các trang thiết bị hoạt động không hiệu quả tại các khu du lịch, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, các khu dân cư của địa phương nhất là các cụm cư dân xã đảo nhằm mang lại cuộc sống tiện nghi hơn cho người dân. Đối với các loại phương tiện do người dân địa phương sử dụng hoặc các cơ sở kinh doanh du lịch sử dụng cho việc đón khách du lịch nhưng gây ô nhiễm môi trường thì nên thay thế bằng các phương tiện thân thiện với môi trường hơn. Về mảng xanh thực vật, cần thay thế các cây ngã, già bằng các cây con để duy trì lớp phủ thực vật và điều hòa khí hậu cho các vùng lân cận.

- Sự công nhận và sự chối từ (Recognization & Refusion): Bên cạnh việc khai thác tài nguyên du lịch thì chúng ta phải có trách nhiệm tôn tạo, bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch ở Cần Giờ. Đó được xem như là một trong những giải pháp hàng đầu để phát triển du lịch sinh thái - văn hóa bền vững. Hiện tại, Cần Giờ vẫn chưa có khu bảo tồn động vật hoang dã. Vì thế, việc xây dựng một khu bảo tồn tại Khu du lịch Vàm Sát hay xã đảo Thạnh An trong tương lai là cần thiết. Bởi lẽ, điều này giúp cho du lịch sinh thái ở Cần giờ phát triển. Hơn nữa, việc bảo tồn thảm xanh thực vật và động vật hoang dã sẽ giúp cho Cần Giờ được công nhận là nơi xứng đáng để đi du lịch, xứng tầm với danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới mà UNSECO đã công nhận. Ngoài ra, địa phương nên tổ chức các cuộc thi về quy hoạch thiết kế làng sinh thái kiểu mẫu đặc trưng của vùng để du khách khi tham quan có thể cảm nhận được và không lẫn với một khu du lịch sinh thái khác. Khuyến khích việc phục hồi các công trình có giá trị văn hóa - lịch sử phục vụ du lịch để cho du khách cũng như người dân hiểu về văn hoá - nghệ thuật - lịch sử của địa phương.

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong tương lai, thì huyện nên xây dựng chương trình “Truyền thống phân loại rác tại nguồn” tại xã đảo, tại các khu du lịch sinh thái - văn hóa. Đưa ra chỉ thị, quảng cáo để giúp người dân nhận thức việc duy trì và tăng cường tính đa dạng của thiên nhiên, văn hóa địa phương; xây dựng các bảng nội quy, bảng hướng dẫn ở các khu, điểm du lịch và chợ Hàng Dương, chợ Cần Thạnh để mọi người có thể tiếp thu và lưu ý. Mặt khác, đối với những yếu tố tiêu cực làm phá vỡ đi sự phát triển bền vững tại địa phương nên được loại bỏ bằng chiến dịch “Huyện Cần Giờ nói không với túi nilon”, “Huyện Cần Giờ trong, sạch, không xả nước thải ra biển”, “Huyện Cần Giờ - thiên đường du lịch sinh thái, văn hóa - từ chối rác thải chưa phân loại” và nhất là phải có các biện pháp răn đe, hạn chế, từ chối đối với những du khách có hành vi gây nguy hại cho môi trường.

- Giáo dục và khen thưởng (Re-education & Reward): Phát triển du lịch sinh thái, văn hóa và hướng tới con đường phát triển bền vững là xu thế phát triển của ngành du lịch. Điều này không chỉ bảo vệ tài nguyên sinh thái tự nhiên, nguồn lực văn hóa của khu du lịch, mà còn giúp cân bằng sự phát triển của kinh tế, là cơ sở cho sự phát triển bền vững của cuộc sống con người. Do đó, để phát triển du lịch sinh thái - văn hóa một cách bền vững thì giáo dục phải được đặt lên hàng đầu: coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh và sinh viên. Trong các trường học tại Cần Giờ, có thể thiết kế một số bài học liên quan về môi trường, bồi dưỡng ý thức cho học sinh. Ngoài ra, giáo dục du khách, cộng đồng địa phương, trẻ em những điều cần làm cũng như không cần làm đối với môi trường và các cảnh quan tự nhiên, nhân văn tại đây.

Cộng đồng địa phương khai thác tối đa các nguồn lợi tài nguyên trên địa bàn để phục vụ cuộc sống lẫn du lịch sẽ làm cho nguồn tài nguyên bị hao mòn, gây tổn hại đến môi trường du lịch và đó là hệ quả xấu gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững. Vì vậy, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động có liên quan đến vấn đề về phát triển du lịch bền vững trên đảo, tập huấn phân loại rác cho họ là điều cần thiết.

Cũng cần hướng học sinh hòa nhập với thiên nhiên, loại bỏ các can thiệp thô bạo với thiên nhiên và tàn phá các cảnh quan có giá trị văn hóa khi dẫn các em tham quan huyện Cần Giờ. Địa phương cũng nên trích một phần lợi nhuận từ hoạt động sinh thái để sử dụng cho mục đích giáo dục: mở các lớp ngắn hạn về nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo tồn các giá trị sinh thái, giá trị nhân văn tại Cần Giờ nói riêng và cả nước nói chung; khen thưởng cho những cá nhân và đơn vị có những đóng góp to lớn cho hoạt động phát triền bền vững tại địa phương. Có như thế mới nhân rộng được vai trò tích cực và hạn chế các mặt tiêu cực của cộng đồng địa phương trong hoạt động du lịch sinh thái, văn hóa tại Cần Giờ.

Ý nghĩa của việc sử dụng mô hình 10R nêu trên nhằm định hướng Cần Giờ trong việc cung cấp cho du khách những sản phẩm du lịch có giá trị cao, mang lại sự thỏa mãn cho du khách và lợi nhuận cho chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng cư dân tại điểm đến nhưng mặt khác vẫn đảm bảo khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên hợp lý, hạn chế việc sử dụng quá mức tài nguyên và giảm thiểu chất thải ra môi trường, gắn liền phát triển với nỗ lực bảo tồn tính đa dạng, chú trọng chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Huy Bá (2003), Du lịch sinh thái, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

2. Ngô Thanh Loan (2016), Tìm hiểu việc đáp ứng yêu cầu của du lịch sinh thái tại Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Tp. Hồ Chí Minh, Tạp chí Phát triển khoa học công nghệ, 19(5).

3. Nguyễn Văn Thanh (2004), Nghiên cứu phát triển bền vững du lịch sinh thái ở huyện Cần Giờ TP. Hồ Chí Minh, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

4. Phạm Trung Lương (2002), Du lịch sinh thái những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, Nxb Giáo dục.

5. UBND TP. Hồ Chí Minh (2008), 30 Năm khôi phục và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ TP. Hồ Chí Minh (1978 - 2008), Nxb TP. Hồ Chí Minh.

Ngày nhận bài: 25/12/2024; Ngày phản biện: 04/02/2025; Ngày duyệt đăng: 20/02/2025