THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN

Kết quả đạt được

Về phát triển số lượng DN

Trong giai đoạn 2015-2019, kinh tế thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của Việt Nam nói chung và kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, song tình hình thu hút FDI của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, nếu như năm 2015, Tỉnh thu hút 71 DN FDI với số vốn đăng ký là 2.619,376 triệu USD, thì đến năm 2019, Tỉnh đã thu hút được 100 DN FDI với số vốn đăng ký là 3.552,51 triệu USD (Bảng 1).

Bảng 1: Số lượng DN có vốn FDI tại tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015-2019

Năm

Số DN FDI

Vốn đầu tư đăng ký

(triệu USD)

2015

71

2.619,376

2016

81

2.487,23

2017

86

2.462,58

2018

93

2.576,27

2019

100

3.552,51

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế

Hiện nay, Thừa Thiên Huế đã trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn, DN lớn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Tập đoàn Banyan tree (Singapore), Tập đoàn Bia Carlsberg (Đan Mạch), Công ty HBI (Hoa Kỳ), Công ty Scavi (Pháp), Công ty China Everbright International Limited (Trung Quốc), Tập đoàn Caribbean Cruise (Hoa Kỳ), Luks HongKong, Công ty CP (Thái Lan), Tập đoàn SBH (Tây Ban Nha), Công ty Quarzwerke (CHLB Đức)… với những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế trong nước và quốc tế.

Về quy mô vốn DN

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh, tổng nguồn vốn của khu vực DN FDI sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thời điểm năm 2019 là 3.411 nghìn tỷ đồng, gấp 14,2 lần năm 2015, bình quân giai đoạn 2015-2019 tăng 24,7%/năm. Trong đó, vốn của DN 100% vốn FDI năm 2015 là 89.062 tỷ đồng, đến năm 2019 lên đến 2.663,358 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 32,7%/năm.

Chỉ số quay vòng vốn (tính bằng doanh thu trên vốn) của khu vực FDI cao hơn các khu vực còn lại, chỉ số này của khu vực FDI năm 2019 đạt 0,9 lần (năm 2015 là 0,7 lần), trong khi khu vực DN ngoài nhà nước là 0,7 lần và thấp nhất là các DNNN chỉ có 0,5 lần. Hiệu suất sinh lợi trên vốn và trên doanh thu của khu vực FDI cao hơn nhiều so với các khu vực còn lại, cụ thể hiệu suất sinh lời trên vốn và trên doanh thu của khu vực FDI năm 2019 đạt 7,3% và 7,9% trong khi khu vực DNNN đạt 3,2% và 6%, thấp nhất là khu vực DN ngoài nhà nước với 0,8% và 1,2%.

Về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, các DN FDI tại tỉnh Thừa Thiên Huế đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Khai khoáng; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Xây dựng; Bán buôn, bán lẻ; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Vận tải; Thông tin truyền thông; Hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ; Giáo dục và đào tạo. Trong đó, năm 2019, chiếm tỷ lệ cao nhất là các dự án về hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống (có 17 dự án) với số vốn đăng ký là 1.686,82 triệu USD, chiếm 70,58% trong tổng số vốn đăng ký và vốn thực hiện là 334,05 triệu USD (đạt 19,8% vốn đăng ký). Một lĩnh vực khác cũng chiếm tỷ trọng cao trong số các dự án được cấp phép là lĩnh vực: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí với 35 dự án (36,84% tổng số dự án), với số vốn đăng ký là 525,41 triệu USD và số vốn thực hiện được cũng khá cao: 250,89 triệu USD (chiếm 36,32% tổng số vốn thực hiện).

Nhìn chung, các DN FDI đang hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau đã tạo điều kiện thuận lợi, môi trường hấp dẫn để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài khác vào tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là các nhà đầu tư từ các nước tiềm năng, như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Pháp và một số nước mới phát triển ở Đông Á.

Về đóng góp vào phát triển kinh tế của Tỉnh

Một là, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước

Hình: Nộp ngân sách nhà nước cho tỉnh Thừa Thiên Huế của DN FDI

Đơn vị tính: Triệu đồng

Giải pháp phát triển doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế

Số liệu ở Hình cho thấy, nộp ngân sách của DN FDI tăng dần từ năm 2015 đến năm 2019. Cụ thể: Năm 2015, các DN FDI có doanh thu đạt 650 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ, nộp ngân sách 1.500 tỷ đồng (tương đương 68 triệu USD), chiếm gần 30% thu ngân sách của địa phương. Đặc biệt, năm 2018 và năm 2019, thu ngân sách nhà nước từ FDI khá mạnh (lần lượt là 2.112 tỷ đồng và 2.678 tỷ đồng). Với xu hướng này, có thể thấy rằng, hoạt động kinh doanh của các DN FDI có hiệu quả tốt, đã đóng góp một phần lớn (khoảng 30%) trong nguồn thu ngân sách của Tỉnh.

Hai là, góp phần không nhỏ vào tổng giá trị sản phẩm của Tỉnh

Năm 2015, FDI đóng góp vào 23,1% tổng giá trị sản phẩm của Tỉnh, thì đến năm 2019 cơ cấu này đã đạt 33,1% (Bảng 2). Với xu hướng ngày càng tăng, có thể khẳng định rằng, FDI có vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế của Tỉnh.

Bảng 2: Cơ cấu tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn phân theo loại hình kinh tế

Đơn vị tính: %

2015

2016

2017

2018

2019

Kinh tế nhà nước

12,4

10,4

9,4

6,6

7,7

Kinh tế ngoài nhà nước

64,5

63,6

62,3

44,2

59,2

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

23,1

26,0

28,3

49,2

33,1

Tổng số

100

100

100

100

100

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế

Ba là, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao trình độ cho người lao động

Các dự án FDI đang đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế, trong đó giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Theo Cục Thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế, nếu như năm 2015, lao động làm việc trong các DN FDI có 17.500 người (Bảng 3) với mức thu nhập bình quân 19 triệu đồng/người/năm, thì đến năm 2019 đã tăng lên đến trên 23.000 người (Bảng 3), tăng 31,4% so với năm 2015, thu thập bình quân của người lao động cũng tăng lên và đạt 78,6 triệu đồng/người/năm.

Tiêu biểu, năm 2019, dự án Nhà máy may của Công ty TNHH Hanesbrands (Hoa Kỳ) với tổng vốn đăng ký 35,2 triệu USD, đóng góp cho ngân sách tỉnh 1,8 triệu USD, giải quyết việc làm cho 6.388 lao động; dự án Sản xuất bia của Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam giải quyết hơn 400 lao động; dự án Khu du lịch Laguna Lăng Cô của Tập đoàn Bayantree (Singapore) với tổng vốn đăng ký 2 tỷ USD, đóng góp ngân sách tỉnh 1,9 triệu USD, giải quyết việc làm cho 1.110 lao động... (Hoàng Loan, 2020).

Bảng 3: Số lao động trong các DN tính đến ngày 31/12/2019

Đơn vị: Người

2015

2016

2017

2018

2019

DN nhà nước

12.121

11.021

10.690

9.560

8.934

DN ngoài nhà nước

56.192

59.279

63.980

69.035

73.190

DN FDI

17.500

16.875

17.500

21.437

23.000

Tổng số

85.813

87.175

92.170

100.032

105.124

Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019

Một số hạn chế, khó khăn

Bên cạnh kết quả đạt được, có thể thấy, sự phát triển của các DN FDI có một số hạn chế, khó khăn sau: Vốn FDI tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua đã tăng lên đáng kể, song vốn thực hiện đi vào hoạt động so với số vốn được cấp phép đầu tư còn thấp (chiếm khoảng 60%) (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, 2019).

Giải pháp phát triển doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Huế là điểm đến của nhiều tập đoàn, trong đó có Tập đoàn Banyan tree (Singapore)

Ngoài ra, cơ cấu đầu tư vào các khu vực trên địa bàn Tỉnh chưa đồng đều: vốn FDI vào Tỉnh chỉ tập trung vào một số địa bàn và những ngành có khả năng thu hút vốn nhanh, ít rủi ro và có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện.

Trong khi đó, đóng góp vào thu ngân sách còn ít, số việc làm được tạo ra chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của vùng. Các yếu tố của môi trường đầu tư chưa hấp dẫn, chưa đáp ứng mong muốn, chưa hỗ trợ cho các nhà đầu tư và chưa đủ lực để trở thành công cụ xúc tiến, thu hút FDI. Những yếu tố thuộc về chủ quan không phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, như: quy định chính sách ưu đãi đầu tư, công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật, hỗ trợ hướng dẫn pháp luật, giải quyết đền bù… chưa mang lại sự thuận lợi cho các nhà đầu tư, thậm chí còn nhiều khó khăn. Hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng trong công tác kêu gọi đầu tư và nhu cầu phát triển của các dự án đầu tư, như: Cảng hàng không quốc tế, cảng nước sâu, hệ thống đường ven biển và đầm phá kết nối với trung tâm TP. Huế và các trung tâm lớn khác của Việt Nam. Hạ tầng kỹ thuật tại các KCN của Tỉnh tuy đã được đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu để phục vụ sản xuất, kinh doanh của DN, nhưng kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu nhất là hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước… làm hạn chế đến công tác thu hút đầu tư các dự án vào KCN.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Thừa Thiên Huế cần xây dựng chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, chú trọng trong khâu tuyển dụng lao động, ưu tiên đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn.

Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế cần thực hiện các giải pháp để phát triển DN FDI nhằm gia tăng mức đóng góp của các DN vào phát triển kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế như sau:

Một là, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, Tỉnh cần tiếp tục thực hiện các giải pháp, như: điều chỉnh quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành. Xây dựng danh mục ưu tiên, khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm, các giải pháp đổi mới công nghệ, thân thiện môi trường; Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực hấp thu công nghệ và tham gia chuỗi giá trị hiệu quả.

Bên cạnh đó, Tỉnh cũng cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ đầu tư, tạo dựng môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao để thu hút nhà đầu tư, đề xuất các dự án đầu tư phù hợp, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh để tiếp cận kêu gọi đầu tư đối với từng nhà đầu tư tiềm năng. Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, duy trì tổ chức gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp định kỳ để phổ biến các chủ trương, chính sách của nhà nước, thông tin về xây dựng, đầu tư, đất đai, quy hoạch…; đồng thời, nắm tình hình, giải quyết kịp thời các vướng mắc cho nhà đầu tư; các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các DN FDI trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn Tỉnh.

Hai là, tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các lĩnh vực ưu tiên, như: công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa khai thác các giá trị văn hóa, di sản của cố đô Huế, công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vật liệu mới, công nghệ sinh học và một số ngành liên quan khác phù hợp định hướng phát triển. Theo đó, Tỉnh cần tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá nhu cầu thị trường, xu thế đầu tư trong nước và quốc tế để xây dựng các kịch bản xúc tiến đầu tư và định hình các sản phẩm xúc tiến đầu tư phù hợp. Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá đầu tư bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung nguồn lực thực hiện các hoạt động quảng bá, tuyên truyền trên các kênh truyền thông. Thực hiện chiến dịch, quảng bá thông điệp “Huế là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn trong các hành trình sắp đến của du khách”.

Ba là, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại. Theo đó, Tỉnh cần tập trung phát triển hạ tầng du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ ở khu vực thị trấn Lăng Cô; hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và hạ tầng đô thị. Ngoài ra, triển khai Đề án di dời các hộ dân khu vực I di tích Kinh thành Huế; hỗ trợ triển khai dự án xây dựng mới nhà ga và sân đỗ Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư trong quá trình chuẩn bị đầu tư, mời thầu, giám sát đầu tư, giải ngân vốn dự án.

Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ở tất cả các địa phương nói chung và ở Thừa Thiên Huế nói riêng, để có thể đón được những dòng vốn FDI chất lượng cao từ các quốc gia phát triển, thì phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, chất lượng nguồn nhân lực. Và để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, việc đột phá trong công tác đào tạo là yếu tố quan trọng. Theo đó, cần xây dựng chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, chú trọng trong khâu tuyển dụng lao động, ưu tiên đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, cần nhấn mạnh cụm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc chú trọng tăng cường kỹ năng và đào tạo năng lực thực hành.

Năm là, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các DN FDI. Theo đó, cần rà soát, đôn đốc các dự án chậm tiến độ; kiên quyết xử lý các dự án không triển khai, vi phạm tiến độ, vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan. Tăng cường công tác hậu kiểm để khắc phục tình trạng "vốn mỏng", không góp vốn, đầu tư "núp bóng".../.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (2016). Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 tỉnh Thừa Thiên Huế

2. Cục Thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế (2016-2020). Niên giám Thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế (2015-2019). Báo cáo về đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019

4. Hoàng Loan (2020). Dấu ấn FDI, truy cập từ https://baothuathienhue.vn/dau-an-fdi-a86093.html

TS. Nguyễn Hồ Minh Trang

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế

(Bài được đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 15, tháng 5/2021)