Định hướng giải pháp huy động vốn cho phát triển công nghiệp công nghệ cao ở TP. Hà Nội hiện nay
ThS. Nguyễn Bá Vận
Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng
Email: Bavanlq1@gmail.com
Tóm tắt
Thời gian qua, TP. Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách nhằm huy động vốn cho phát triển công nghiệp công nghệ cao (CNCNC) và đạt được những thành tựu nhất định, song tình hình huy động vốn cho phát triển CNCNC vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần giải quyết. Trên cơ sở phân tích thực trạng, bài viết khuyến nghị đề xuất một số giải pháp huy động vốn cho phát triển CNCNC ở TP. Hà Nội hiện nay.
Từ khóa: huy động vốn, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao, TP. Hà Nội
Summary
Currently, Hanoi has issued many policies to mobilize capital for high-tech industry development and has achieved undeniable achievements. However, capital mobilization for the development of high-tech industry still has many shortcomings and limitations that need to be resolved. Based on the analysis of the current situation, the article recommends and proposes some solutions to mobilize capital for the development of high-tech industry in Hanoi today.
Keywords: capital mobilization, high technology, high-tech industry, Hanoi
GIỚI THIỆU
Với vai trò là Thủ đô, trung tâm kinh tế của cả nước, TP. Hà Nội luôn chú trọng đến hoạt động huy động vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, ưu tiên huy động vốn cho phát triển CNCNC và coi đó là nhiệm vụ hàng đầu của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, huy động vốn cho phát triển CNCNC không ngừng tăng lên cả về số lượng, quy mô, cơ cấu, hiệu quả, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của Thành phố theo hướng hiện đại, bền vững. Tuy nhiên, trước bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, thay đổi, huy động vốn cho phát triển CNCNC ở TP. Hà Nội cũng cần có những định hướng giải pháp phù hợp, hiệu quả.
THỰC TRẠNG HUY ĐỘNG VỐN CHO PHÁT TRIỂN CNCNC Ở TP. HÀ NỘI
Những kết quả đạt được
Thời gian qua, TP. Hà Nội đã có nhiều biện pháp cả về mặt cơ chế, chính sách, cũng như về mặt tổ chức thực thiện nhằm phát huy những lợi thế của địa phương trong quá trình huy động vốn cho phát triển CNCNC. Từ đó, số lượng dự án, lượng vốn huy động cho phát triển CNCNC ở TP. Hà Nội tăng lên nhanh chóng, chủ yếu tập trung vào các khu vực có tiềm năng, lợi thế trong phát triển CNCNC, nhất là Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc. Cụ thể, năm 2023, Khu CNC Hòa Lạc có thêm 6 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 5.590 tỷ đồng đã được trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Quyết định giao đất, trong số đó có những dự án quy mô lớn, có cả dự án thuộc thành phần kinh tế nhà nước và tư nhân. Tính đến hết năm 2023, Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được 109 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 115.500 tỷ đồng [1].
Đã có nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào CNCNC tại Hà Nội với số vốn lớn, đang hoạt động hiệu quả như: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel (đầu tư 3.700 tỷ đồng); Tập đoàn Vingroup (9.020 tỷ đồng); Tập đoàn FPT (5.430 tỷ đồng); Tập đoàn VNPT (3.765 tỷ đồng); Nidec (200 triệu USD và dự kiến sẽ đầu tư 5 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD tại Khu CNC Hòa Lạc), Hanwha Aero Engines (200 triệu USD và có kế hoạch mở rộng đầu tư lên 260 triệu USD trên tổng diện tích khoảng gần 97.000 m2 tại Khu CNC Hòa Lạc để sản xuất các cấu kiện, linh kiện của động cơ máy bay)… [1] [2].
Cơ cấu vốn huy động cho phát triển CNCNC ở TP. Hà Nội ngày càng đa dạng. Nếu như giai đoạn mới phát triển, vốn được huy động chủ yếu vào các ngành thuộc công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, thì hiện nay, vốn được huy động cho phát triển CNCNC bao phủ hầu hết các ngành, bao gồm cả công nghệ phần mềm; robot công nghiệp chuỗi hở, robot song song có 3 bậc tự do trở lên; thiết bị chẩn đoán hình ảnh; thiết bị kỹ thuật số xử lý và truyền dữ liệu tự động; kính hiển vi quang học phức hợp, chế tạo máy, vật liệu mới, năng lượng mới...
Cơ cấu vốn trong nước và nước ngoài cũng có nhiều sự thay đổi. Những năm gần đây, vốn trong nước đầu tư vào phát triển CNCNC ở Thành phố không ngừng được tăng lên. Bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào CNCNC ở Thành phố, như: Nidec Sankyo, Hanwha Aero Engines, Nissan Techno, Chaun Choung..., thì các doanh nghiệp lớn trong nước (Viettel, FPT, VNPT, Vinsmart...) cũng đang tích cực đầu tư, mở rộng sản xuất.
Huy động vốn cho phát triển CNCNC ở TP. Hà Nội đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất ngành công nghiệp của Thành phố phát triển theo chiều sâu, hiện đại, sản xuất được các sản phẩm CNC có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; tạo điều kiện cho quá trình chuyền giao, nâng cao trình độ công nghệ của Hà Nội so với các địa phương trong nước và quốc tế. Cùng với đó, góp phần nâng cao trình độ người lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nhiều vấn đề xã hội khác, thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thành phố phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, huy động vốn cho phát triển CNCNC ở TP. Hà Nội còn gặp những khó khăn, hạn chế.
Thứ nhất, nguồn vốn cho phát triển CNCNC ở TP. Hà Nội chủ yếu có quy mô nhỏ
Các doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm CNCNC ở Hà Nội hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. tổng số các doanh nghiệp CNC trên địa bàn TP. Hà Nội, thì tổng số vốn ban đầu của 4 doanh nghiệp CNC trong nước (Công ty Cổ phần Thông minh MK; Công ty TNHH ATS Co.,Ltd.; Công ty VNPT Tech; Công ty TNHH điện tử Noble Việt Nam ) chỉ bằng 2,21% (18,5 triệu USD/838,5 triệu USD) so với số vốn ban đầu của 5 doanh nghiệp CNC nước ngoài (Công ty TNHH Nissei Electric Hà Nội; Công ty TNHH Hanwha Aero Engines; Công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam; Công ty TNHH Kennametal Việt Nam; Công ty Cổ phần Công nghệ Chaun Choung) [1] [4]. Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội chưa có doanh nghiệp CNCNC nào có quy mô vốn đạt đến tỷ USD, kể cả các doanh nghiệp nước ngoài.
Thực trạng về số lượng, quy mô vốn đầu tư phát triển CNCNC dẫn đến đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội ở một số địa phương trong Thành phố là chưa nhiều, còn mờ nhạt, chưa rõ nét. Chính vì vậy, ngoại trừ Khu CNC Hòa Lạc, thì trong các báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương của Thành phố hầu như không đề cập đến sự đóng góp của các ngành CNCNC. Một số địa phương của Thành phố còn chưa xuất hiện vốn đầu tư vào phát triển CNCNC.
Thứ hai, vốn đầu tư trong nước đầu tư vào phát triển CNCNC còn thấp
Việc huy động vốn phát triển CNCNC ở TP. Hà Nội chủ yếu đến từ các dự án đầu tư nước ngoài, trong khi doanh nghiệp CNCNC trong nước, thì có lượng vốn thấp, quy mô vốn trên một dự án còn nhỏ bé và phát triển chưa đa dạng các lĩnh vực. Các doanh nghiệp CNCNC trong nước vốn đầu tư còn thấp như: Công ty Cổ phần Thông minh MK (4,76 triệu USD); Công ty TNHH Hệ thống Kỹ thuật Ứng dụng - ATS Co. Ltd (1,3 triệu USD); Công ty TNHH điện tử Noble Việt Nam (3,5 triệu USD), Công ty TNHH Công nghệ ngôn ngữ VNLOCTRA (1 tỷ VND)... [1] [4]. Sản phẩm CNC của các doanh nghiệp trong nước đa phần thuộc lĩnh vực công nghiệp phần mềm, đơn giản, chủ yếu là đơn chiếc, giá trị chưa cao. Các sản phẩm hầu hết tập trung vào các loại từ điển, xử lý tiếng Việt, phục vụ học tập, các ứng dụng trong quản lý nhà nước, quản trị công ty, quản lý tài chính, kế toán..., mà chưa quan tâm đến các ứng dụng trong công nghiệp chế tạo các thiết bị và hệ thống thiết bị điện tử hiện đại, mức độ tự động hóa cao. Điều đó dẫn đến tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong nước là rất nhỏ so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, huy động vốn chưa đồng đều
Cơ cấu vốn đầu tư phát triển CNCNC ở TP. Hà Nội còn nhiều bất cập, phát triển không đồng đều giữa các địa phương, các thành phần kinh tế, các lĩnh vực CNCNC. Vốn đầu tư phát triển CNCNC chủ yếu dành cho Thạch Thất (Khu CNC Hòa Lạc) và một số quận trung tâm; còn một số huyện như: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ba Vì chưa có doanh nghiệp hoạt động CNC nào được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận.
Mặt khác, nguồn vốn còn chưa đa dạng, chủ yếu là vốn FDI đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Vốn huy động cho phát triển CNCNC ở Thành phố tập trung vào các lĩnh vực còn đơn điệu, chưa có sự đa dạng về ngành nghề, chủ yếu tập trung vào dự án thuộc lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, một số lĩnh vực khác như: công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp sinh học đầu tư chưa nhiều.
KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP
Để đẩy mạnh hoạt động huy động vốn cho phát triển CNCNC ở TP. Hà Nội trong thời gian tới, tác giả đưa ra một số khuyến nghị giải pháp sau:
Một là, xây dựng chương trình mục tiêu, kế hoạch huy động vốn cho phát triển CNCNC
Chương trình, mục tiêu, kế hoạch huy động vốn cho phát triển CNCNC ở TP. Hà Nội cần được xác định cụ thể mục đích, chủ thể, phương thức, hình thức, không gian, thời gian... và triển khai một cách chủ động, đầy đủ và hợp lý. Trong xây dựng chương trình, mục tiêu, kế hoạch cần khái quát chỉ ra được những thuận lợi, khó khăn của hoạt động huy động vốn, phát triển CNCNC, điều kiện thực tiễn của TP. Hà Nội. Qua đó, xác định các giải pháp cụ thể, đề xuất những kiến nghị để huy động vốn cho phát triển CNCNC ở TP. Hà Nội đạt kết quả tốt.
Hai là, xây dựng quy hoạch, kế hoạch của Thành phố về phát triển CNCNC, làm cơ sở huy động, sử dụng nguồn vốn hợp lý, hiệu quả
Quy hoạch, kế hoạch phát triển CNCNC là một khung chương trình được thực hiện trong một thời gian dài, ấn định những mục tiêu cần đạt được một cách công khai; xác định các nguồn lực huy động và các giải pháp để thực hiện mục tiêu, nhờ đó mà phối kết hợp được được mọi nguồn lực trong quá trình thực hiện huy động vốn cho phát triển CNCNC ở TP. Hà Nội. Quy hoạch phát triển kinh tế, sử dụng các nguồn lực của Thành phố phải gắn liền với lập kế hoạch vốn, bố trí vốn cho các dự án, chương trình phát triển CNCNC đã quy hoạch.
Ba là, hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động vốn cho phát triển CNCNC
Cơ chế chính sách có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc huy động các nguồn vốn cho phát triển CNCNC ở TP. Hà Nội. Nó chính là bộ khung pháp lý cho các cấp, các ngành và các chủ thể tổ chức thực hiện huy động vốn. Cơ chế, chính sách của Thành phố hợp lý sẽ thu hút được nhiều chủ thể, nhà đầu tư tham gia bỏ vốn phát triển CNCNC; ngược lại, cơ chế, chính sách không hợp lý sẽ làm nản chí của các nhà đầu tư, không huy động, thu hút được họ bỏ vốn vào phát triển CNCNC. Do vậy, để huy động vốn cho phát triển CNCNC, TP. Hà Nội cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách như: chính sách phân bổ ngân sách; chính sách tín dụng, chính sách khuyến khích đầu tư; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi…
Bốn là, đa dạng các hình thức, phương thức huy động vốn cho phát triển CNCNC
Để huy động vốn cho phát triển CNCNC ở TP. Hà Nội cần phải đa dạng hóa các hình thức, các phương thức huy động vốn. Vận dụng linh hoạt các hình thức, phương thức phù hợp cơ chế thị trường, đặc điểm, điều kiện thực tiễn TP. Hà Nội, thúc đẩy quá trình huy động vốn cho phát triển CNCNC đạt hiệu quả cao nhất.
Cần huy động vốn theo chỉ tiêu, kế hoạch phân bổ các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương; việc phân bố và bảo đảm ngân sách cho phát triển CNCNC cần được lập kế hoạch chi tiết, cụ thể, rõ ràng. Huy động vốn theo cơ chế thị trường thông qua vay vốn tín dụng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các chương trình, dự án phát triển CNCNC. Bên cạnh đó, huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu với mức lãi suất thích hợp để thu hút nhà đầu tư.
Năm là, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn phát triển CNCNC
Quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, đúng hướng, tập trung vào những ngành, những khâu, những lĩnh vực đã được xác định; quá trình phân bổ nguồn vốn cần diễn ra một cách khoa học, hợp lý, hướng vào những ngành, lĩnh vực được coi là trọng tâm trọng điểm của quá trình phát triển CNCNC. Đồng thời, tránh biểu hiện thất thoát, lãng phí, sai mục đích, dàn trải đầu tư trong quá trình quản lý và sử dụng vốn huy động./.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc (2024), Báo cáo về tình hình thu hút đầu tư từ năm 2023 đến tháng 6/2024 tại Khu CNC Hòa Lạc.
2. Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương (2023), Hồ sơ một số dự án tham gia chương trình phát triển một số ngành CNCNC.
3. Vụ Công nghệ cao - Bộ Khoa học và Công nghệ (2018), Báo cáo Kết quả triển khai Chương trình quốc gia phát triển CNC.
4. Vụ Công nghệ cao - Bộ Khoa học và Công nghệ (2023), Báo cáo Kết quả triển khai Chương trình quốc gia phát triển CNC.
Ngày nhận bài: 5/8/2024; Ngày phản biện: 5/10/2024; Ngày duyệt đăng: 25/10/2024 |
Bình luận