Nguyễn Quốc Phóng, Hoàng Thị Thảo

Khoa Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên

Email: nguyenquocphonghy@gmail.com

Tóm tắt

Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên có vai trò vô cùng quan trọng không chỉ trong học tập, mà còn nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động. Thông qua dữ liệu nghiên cứu được khảo sát từ 606 sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, nghiên cứu nhằm phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 3 yếu tố ảnh hưởng tới Năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên, đó là: Môi trường học tập; Yếu tố giảng viên; Yếu tố bản thân sinh viên; trong đó, Yếu tố giảng viên có tác động mạnh nhất. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên, đóng góp vào sự phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển bền vững trong tương lai.

Từ khóa: đổi mới sáng tạo, năng lực, phát triển bền vững, sinh viên

Summary

Improving students' innovation capacity plays an extremely crucial role not only in studying but also in meeting the requirements of businesses and the labor market. Through research data surveyed from 606 students of Hung Yen University of Technology and Education, the study aims to analyze the factors affecting students' innovation capacity. The research results show 3 factors affecting students' innovation capacity, which are the Learning environment; the Lecturer factor; and the Student factor; which the Lecturer factor has an outstanding impact. From the research results, the authors propose several solutions to promote students' innovation capacity, contribute to human resource development, and promote sustainable development in the future.

Keywords: innovation, capacity, sustainable development, students

GIỚI THIỆU

Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), Big data đang tái định hình thị trường lao động. Sự bùng nổ công nghệ sẽ dẫn đến nhiều ngành dần bị thay thế, như: copywriter, viết contents, chăm sóc khách hàng... Sự thay thế này dẫn đến việc nhiều người lao động, trong đó có các bạn sinh viên ra trường sẽ khó khăn trong việc tìm việc làm. Bởi vậy, nhu cầu nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo là rất cần thiết để sinh viên đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động hiện nay cùng sự phát triển bền vững của xã hội. Với tầm quan trọng đó, việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên là rất cần thiết.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHẤP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Về năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên

Năng lực đổi mới sáng tạo thể hiện qua khả năng phát triển các ý tưởng, sản phẩm mới. Năng lực đổi mới sáng tạo là khả năng của một tổ chức, cá nhân hoặc cộng đồng để tạo ra ý tưởng mới, phát triển sản phẩm và dịch vụ mới hoặc áp dụng các phương pháp mới để giải quyết các vấn đề hiện tại và tương lai. Đổi mới sáng tạo không chỉ đề cập đến việc tạo ra cái mới, mà còn bao gồm việc áp dụng và thích nghi với những thay đổi để tạo ra giá trị (Drucker, 1985). Năng lực đổi mới sáng tạo không chỉ ở tổ chức, đơn vị bằng việc sử dụng quy trình, công nghệ, phương thức tổ chức mới mà còn là cá nhân với những ý tưởng mới, suy nghĩ mới. Năng lực sáng tạo và đổi mới có thể được hiểu là khả năng thách thức tư duy truyền thống và nhìn nhận tình huống dưới góc độ mới, đưa ra các cách làm mới, xây dựng các sản phẩm, quy trình mới cũng như dịch vụ tiện ích mới (Huyền, 2021).

Hiện nay, đổi mới sáng tạo không chỉ là chìa khóa để giải quyết các vấn đề hiện tại, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Bằng cách tạo ra các giải pháp mới, chúng ta có thể giảm thiểu tác động môi trường, phát triển các công nghệ xanh và quy trình sản xuất bền vững; sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả và tái tạo; đưa ra các giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi xã hội.

Năng lực đổi mới sáng tạo cũng có thể là khả năng thách thức tư duy truyền thống và nhìn nhận tình huống từ góc độ mới, để tạo ra các ý tưởng và quy trình mới. Nó bao gồm khả năng tư duy linh hoạt và khả năng đưa ra giải pháp sáng tạo cho các vấn đề phức tạp. Năng lực đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Bằng cách sử dụng công nghệ mới kết hợp với việc sử dụng các chính sách hỗ trợ giúp giải quyết các thách thức hiện tại và thúc đẩy phát triển bền vững trong tương lai.

Đối với sinh viên, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo cho sinh viên là phát triển khả năng tư duy sáng tạo cho người học giúp người học có thể chủ động tự học, tự nghiên cứu trong môi trường số hiện nay. Để phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, sinh viên cần một môi trường học tập khuyến khích sự sáng tạo và thử nghiệm. Nhà trường cần đưa các môn học về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển bền vững vào chương trình giảng dạy; tạo cơ hội cho sinh viên tham gia thực tập vào các dự án thực tế tại doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cơ quan nhà nước; cần trang bị các trang thiết bị công nghệ tiên tiến, như: máy in 3D, phần mềm thiết kế và các công cụ kỹ thuật số khác. Các trường đại học cần cung cấp cho sinh viên tài liệu học tập đa dạng, sách và các khóa học trực tuyến về đổi mới sáng tạo, kỹ năng mềm để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của xã hội.

Ngoài môi trường học tập, thì giảng viên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên. Giảng viên nên nhận xét, phản hồi mang tính xây dựng và tạo điều kiện cho sinh viên cải thiện và phát triển ý tưởng. Giảng viên sẽ là người hướng dẫn, dẫn dắt, giúp sinh viên phát triển kỹ năng và tư duy sáng tạo. Khuyến khích sinh viên đam mê tự học thông qua các dự án thực tế, giúp sinh viên áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Bên cạnh đó, sinh viên sẵn sàng thử nghiệm các ý tưởng mới và không sợ thất bại, nếu bị thất bại hãy sử dụng thất bại như một cơ hội để học hỏi và cải thiện chuyên môn, kỹ năng cho các dự án tiếp theo. Ngoài ra, việc tích cực tham gia các câu lạc bộ, hội thảo và sự kiện về đổi mới sáng tạo cũng giúp sinh viên hoàn thiện năng lực sáng tạo của bản thân.

Giả thuyết nghiên cứu và mô hình nghiên cứu đề xuất

Các lý thuyết, mô hình nghiên cứu về năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên được đề cập trong nhiều nghiên cứu trước đây. Theo Kelley (2013), năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên bao gồm khả năng tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng, khả năng sáng tạo trong học tập thực hành. Vì vậy, năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên có thể được hiểu là khả năng của họ trong việc tạo ra giá trị mới, kết hợp với quá trình học tập và áp dụng giá trị đó vào thực tế để đáp ứng các nhu cầu và mục tiêu cụ thể (Vuong và Nguyen, 2024). Các nghiên cứu của Ovbiagbonhia và cộng sự (2019); Richards (2018); Nguyễn Thị Hạnh và cộng sự (2020) có cùng chung quan điểm khi cho rằng, năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên chịu ảnh hưởng của các nhân tố, như: môi trường học tập, yếu tố giảng viên, bản thân người học.

Cụ thể: Môi trường học tập tốt có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển năng lực đổi mới sáng tạo. Một môi trường học tập tốt giúp các bạn sinh viên nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo thông qua việc cung cấp các nguồn tài nguyên, cơ sở vật chất và công nghệ hiện đại, không gian làm việc sáng tạo, cũng như khuyến khích sự thảo luận, tư duy tự do và khám phá ý tưởng mới (Ovbiagbonhia và cộng sự, 2019). Môi trường học tập khuyến khích sinh viên tư duy sáng tạo bằng cách tạo ra các hoạt động, dự án và thử thách đòi hỏi sự sáng tạo. Môi trường học tập cung cấp và giúp sinh viên truy cập đến các tài nguyên sáng tạo như phòng thí nghiệm, công nghệ hiện đại, thư viện, phần mềm và các nguồn lực khác để sinh viên có thể nghiên cứu và thực hiện ý tưởng của mình (Ovbiagbonhia và cộng sự, 2019; Hạnh và cộng sự, 2020). Như vậy, môi trường học tập đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích sinh viên đổi mới và sáng tạo.Từ các lập luận trên, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu sau:

H1: Môi trường học tập có tác động tích cực đến Năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên.

Giảng viên hỗ trợ, khích lệ và hướng dẫn sinh viên trong việc phát triển năng lực đổi mới sáng tạo bằng việc khuyến khích sinh viên thể hiện ý tưởng của mình trong học tập và trong nghiên cứu. Sự khích lệ và hỗ trợ từ giảng viên có thể giúp sinh viên tự tin khi khám phá ý tưởng mới. Sự khuyến khích và hỗ trợ từ giáo viên và người hướng dẫn đã khuyến khích sinh viên phát triển năng lực đổi mới sáng tạo (Ovbiagbonhia và cộng sự, 2019). Việc chia sẻ tri thức của giảng viên gắn với sự phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên (Nguyễn Quốc Phóng, 2024). Sự khích lệ, phản hồi xây dựng và hướng dẫn từ giảng viên và người hướng dẫn có thể giúp sinh viên tự tin thử nghiệm ý tưởng mới, khám phá và phát triển khả năng sáng tạo của mình. Từ các lập luận trên, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu sau:

H2: Yếu tố giảng viên có tác động tích cực lên Năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên.

Nghiên cứu của Richards (2018); Nguyễn Thị Hạnh và cộng sự (2020) phân tích về mô hình đổi mới sáng tạo, luôn đề cập đến yếu tố bản thân người học. Bản thân người học là vai trò trung tâm trong việc xây dựng và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Các vấn đề liên quan đến đặc điểm cá nhân như mức độ tự tin; khả năng thích ứng; tính tò mò; kỹ năng giao tiếp; tương tác xã hội tác động đến năng lực đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên (Nguyễn Thị Hạnh và cộng sự, 2020). Những sinh viên có động lực và tự tin sẽ giúp họ dễ dàng tìm kiếm giải pháp sáng tạo và vượt qua khó khăn. Khả năng thích ứng cho phép sinh viên linh hoạt và thích nghi với các tình huống mới. Kỹ năng giao tiếp giúp sinh viên truyền đạt ý tưởng, tăng cường tương tác hiệu quả và học hỏi từ người khác. Từ các lập luận trên, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu sau:

H3: Yếu tố bản thân người học có tác động tích cực đến Năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên.

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Từ các giả thuyết trên kết hợp thảo luận với chuyên gia, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Các nhân tố ảnh hưởng tới năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất

Phương pháp nghiên cứu

Để có dữ liệu nghiên cứu, nhóm tác giả đã thực hiện tổng quan tài liệu và sử dụng phương pháp chuyên gia thông qua việc tổ chức phỏng vấn để đề xuất mô hình nghiên cứu. Dựa trên mô hình nghiên cứu, nhóm tác giả đã thực hiện thiết kế bảng hỏi và tiến hành khảo sát theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Bảng hỏi sử dụng với thang đo Likert 5 mức độ. Khảo sát được thực hiện đối với sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Thời gian thực hiện nghiên cứu khảo sát từ tháng 10/2023 đến tháng 4/2024. Tổng số phiếu khảo sát thu về đáp ứng được yêu cầu 606 phiếu, dữ liệu được làm sạch và xử lý trên phần mềm SPSS 22. Kết khảo sát cho biết đối tượng sinh viên khảo sát chiếm tỷ lệ lớn nhất ở năm 1, các năm còn lại khá đồng đều; chuyên ngành sinh viên theo học phần lớn là Điện- Điện tử, Cơ khí Động lực, Ngoại ngữ, Công nghệ thông tin.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kiểm định thang đo

Kết quả kiểm định thang đo ở Bảng 1 cho thấy, hệ số Cronbach’s Alpha > 0,6 và có hệ số tương quan biến tổng > 0,33. Do vậy, các biến đều đáp ứng yêu cầu và được sử dụng trong phân tích nhân tố khám phá (EFA) tiếp theo.

Bảng 1: Kết quả phân tích Cronbach’s Alpha các thang đo

Các nhân tố ảnh hưởng tới năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu

Phân tích EFA

Trong 3 nhân tố được trích từ 14 quan sát thuộc các biến độc lập, có tiêu chuẩn Eigenvalues > 1, thì 3 nhân tố này trích được 76,900 % biến thiên của dữ liệu, với 14 quan sát được đưa vào phân tích EFA.

Bảng 2: Ma trận xoay của biến độc lập

Các nhân tố ảnh hưởng tới năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, kiểm định KMO và Bartlett cho kết quả như sau: KMO = 0,879 > 0,5 đạt yêu cầu, hệ số Sig. = 0,00 < 0,05 đạt yêu cầu. Tiêu chuẩn Eigenvalue > 1, tổng phương sai trích là 76,900 % cho thấy, việc giải thích ý nghĩa của các biến là phù hợp.

Với biến phụ thuộc KMO = 0,807; Chi bình phương xấp xỉ = 1869,423, các quan sát phản ánh được 80,606 biến của mô hình.

Kiểm định ma trận tương quan

Bảng 3: Ma trận hệ số tương quan (pearson Correlations)

Các nhân tố ảnh hưởng tới năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu

Kết quả chạy hồi quy tương quan Pearson ở Bảng 3 chỉ ra, có 3 biến MTHT, GV, BTSV và biến phụ thuộc TDST có tương quan với biến phụ thuộc ở mức ý nghĩa 5%.

Kiểm định mô hình hồi quy đa biến

Kết quả phân tích hồi quy cho 4 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc như sau: Việc phân tích phương sai ANOVA cho kết quả F = 81,034. Bảng 4 cho thấy, Sig. của các biến đều < 0,05, chứng tỏ mô hình hồi quy phù hợp với tập dữ liệu. Hệ số Durbin-Watson: 1,162 < 2 cho thấy, không có sự tương quan giữa các biến trong mô hình. Hệ số VIP < 2 cho thấy, không có hiện tượng đa cộng tuyến.

Bảng 4: Kết quả hồi quy

Các nhân tố ảnh hưởng tới năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu

Như vậy, phương trình hồi quy chuẩn hóa được viết lại như sau:

TDST = 2,408+ 0,090 MTHT + 0,319 GV + 0,250 BTSV+ ɛ

Từ phương trình hồi quy, hệ số mang dấu dương, nên tác động của các yếu tố tới biến phụ thuộc Năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên là thuận chiều và được sắp xếp từ cao xuống thấp: GV (Beta = 0,319); BTSV (Beta = 0,250); MTHT (Beta = 0,090). Như vậy, cả 3 giả thuyết nghiên cứu đưa ra đều phù hợp.

KẾT LUẬN VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Kết luận

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, có 3 yếu tố tác động tới Năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên, gồm: Môi trường học tập; Yếu tố giảng viên; Yếu tố bản thân sinh viên; trong đó, Yếu tố giảng viên có tác động mạnh nhất.

Một số đề xuất

Để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho sinh viên, theo nhóm tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Về phía Nhà trường

Cần tạo cho sinh viên một môi trường họp tập tích cực kích thích khả năng sáng tạo, nâng cao tính chủ động cho sinh viên. Các trường đại học nói chung và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên nói riêng cần tổ chức các cuộc thi không chỉ chú trọng tính chuyên môn theo ngành học mà còn hướng tới việc phát triển tư duy, khả năng sáng tạo của sinh viên. Đồng thời, Nhà trường có thể khuyến khích sinh viên tham gia vào các dự án đổi mới và sáng tạo, bằng cách tạo ra môi trường hỗ trợ cho việc nghiên cứu, phát triển ý tưởng và thực hiện các dự án thực tế. Điều này giúp sinh viên rèn kỹ năng sáng tạo, xử lý vấn đề và làm việc nhóm. Các môn học về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cũng cần được cập nhật vào trong các chương trình đào tạo cho sinh viên. Ngoài ra, các trường đại học cần xây dựng một môi trường học tập tích cực, chủ động giúp sinh viên ngoài học tập kiến thức còn có thể tích lũy thêm kỹ năng cho bản thân.

Về phía giảng viên

Để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho sinh viên, giảng viên là yếu tố có vai trò quyết định. Đây là đối tượng truyền cảm hứng và thúc đẩy việc đổi mới cho sinh viên. Do vậy, giảng viên cần thay đổi phương pháp trong việc truyền thụ tri thức, không nên chỉ chú trọng đến kiến thức mà cần tạo ra môi trường học tập kích thích sự sáng tạo, khám phá của sinh viên.

Giảng viên cần hỗ trợ và hướng dẫn dự án, ý tưởng khởi nghiệp cách chia sẻ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn, giảng viên giúp sinh viên hiểu và nắm rõ được vấn đề chủ chốt từ đó sinh viên đưa ra các giải pháp mới. Ngoài ra, giảng viên có thể thiết kế chương trình học tích hợp các chủ đề về đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Sử dụng các tình huống thực tế, ví dụ minh họa từ các doanh nghiệp đang áp dụng các giải pháp bền vững, đổi mới sáng tạo để sinh viên có cái nhìn trực quan hơn và hiểu rõ hơn. Giảng viên có thể áp dụng phương pháp học tập dựa trên dự án cụ thể và học tập dựa trên phân tích các vấn đề. Đồng thời, sử dụng công nghệ, các công cụ kỹ thuật số mới để tạo ra môi trường học tập tương tác và sinh động, tạo ra hứng thú học tập cho sinh viên.

Về phía sinh viên

Để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho bản thân, mỗi sinh viên cần:

- Thay đổi nhận thức về tư duy đổi mới sáng tạo, đây là yếu tố then chốt để giải quyết các vấn đề phức tạp và thúc đẩy phát triển bền vững của xã hội; đổi mới sáng tạo không chỉ là trách nhiệm của riêng cá nhân mà là của tất cả mọi người, bao gồm cả sinh viên để hướng tới xã hội phát triển bền vững. Các bạn sinh viên cần chấp nhận rủi ro và thất bại, dám dấn thân cho khoa học đây là yêu cầu tất yếu của quá trình đổi mới sáng tạo.

- Tích cực tham gia các câu lạc bộ, nhóm nghiên cứu nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp… là một cách hiệu quả để sinh viên có cơ hội phát triển tư duy hoàn thiện các ý tưởng sáng tạo, rèn luyện tinh thần hợp tác với những người có cùng đam mê để phát triển kỹ năng làm việc nhóm. Các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, sự kiện sáng tạo giúp sinh viên có cơ hội áp dụng kiến thức đã học vào thực tế.

- Thay đổi phương pháp học tập, chú trọng hơn trong việc phát triển các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu. Bên cạnh đó, sinh viên cần nâng cao khả năng sử dụng các công cụ học tập trực tuyến, các phần mềm áp dụng trí tuệ nhân tạo AI, như: CHAT GPT, GEMINI, POE… và các phần mềm ứng dụng để hỗ trợ quá trình học tập và sáng tạo./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Drucker, P. F. (1985), Innovation and Entrepreneurship: Practice and Principles, New York: Harper & row.

2. Huyền, T. N. (2021), Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0, truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/phat-trien-nang-luc-doi-moi-sang-tao-cua-doanh-nghiep-viet-nam-trong-thoi-dai-cong-nghiep-40-81639.htm.

3. Kelley, D. M. (2013), Creative Confidence: Unleashing the Creative Potential Within Us All, Hardcover.

4. Nguyễn Thị Hạnh, Lê Xuân Lộc, Lê Thái Phong, Nguyễn Thị Hồng Vân, Nguyễn Diệu Ninh (2020), Các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực sáng tạo của của sinh viên các trường Đại học tại Hà Nội, Tạp chí Quản lý kinh tế và quốc tế, 136.

5. Nguyễn Quốc Phóng (2024), Các nhân tố ảnh hưởng tới hành vi chia sẻ tri thức đối với giảng viên: Nghiên cứu tại trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, số 1, 23-30, DOI: https://doi.org/10.59775/1859-3968.v34.

6. Ovbiagbonhia A. R., Bas Kollöffel, Brok den Pj (2019), Educating for innovation: students’ perceptions of the learning environment and of their own innovation competence, Learning Environments Research, DOI:10.1007/s10984-019-09280-3.

7. Richards, G. J (2018), Promoting Creativity and Innovation in College Students, Innovate- Lead- Succeed, Volume: ISBN no:978-81-910125-4-5 on page nos 115-119, Chapter 14.

8. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Further on informational quanta, interactions, and entropy under the granular view of value formation. https://books.google.com/books/about?id=vy4ZEQAAQBAJ

Ngày nhận bài: 20/9/2024; Ngày phản biện: 09/10/2024; Ngày duyệt đăng: 24/10/2024