TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI

Tăng trưởng kinh tế được hiểu khá thống nhất là sự tăng sản lượng thực tế của một nền kinh tế trong một khoảng thời gian. Thước đo phổ biến là mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong một năm hoặc mức tăng GDP bình quân đầu người trong một năm. Một số nước sử dụng các chỉ số khác để xác định mức tăng trưởng kinh tế, như: GNP (tổng sản phẩm quốc gia); GNI (tổng thu nhập quốc gia); NNP (sản phẩm quốc gia ròng) hoặc NNI (thu nhập quốc gia ròng). Các chỉ số trên thường được tính trong một năm và đều có thể sử dụng theo tiêu chí bình quân trên đầu người.

Giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với Việt Nam
Công bằng xã hội được biểu hiện là sự bình đẳng trong cơ hội việc làm, cơ hội về buôn bán và đầu tư...

Khác với khái niệm tăng trưởng kinh tế được thừa nhận khá thống nhất, khái niệm công bằng xã hội còn nhiều ý kiến tranh luận và được diễn giải bằng nhiều khái niệm khác nhau. Công bằng xã hội là một khái niệm rất rộng, gồm cả các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, được biểu hiện là sự bình đẳng trong cơ hội việc làm, cơ hội về buôn bán và đầu tư, bình đẳng trong việc tiếp cận với những cơ hội mà với sự cố gắng và năng lực sẵn có của con người có thể đạt đến một mức sống cao hơn. Đây là kết quả sự công bằng được thực hiện trong quá trình phát triển và vì vậy, nếu khi mọi tầng lớp dân chúng có cơ hội tham gia vào quá trình phát triển và được thụ hưởng thành quả của sự phát triển tương ứng với sức lực, trí tuệ và tài năng của mình, thì lúc đó hiện tượng này được coi là sự phát triển công bằng.

Vấn đề cơ bản là giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội có mối quan hệ như thế nào? Phải chăng đó là 2 quá trình đối nghịch? Nếu vậy, tăng trưởng kinh tế không thể đưa đến phát triển xã hội. Nếu không đối nghịch, thì tự thân tăng trưởng có tạo ra công bằng xã hội hay không và nó có thể xảy ra đồng thời với công bằng xã hội hay không? Công bằng xã hội chỉ là hệ quả của tăng trưởng kinh tế hay còn là điều kiện và tiền đề của nó? Đó là những vấn đề được thảo luận rộng rãi trong ngành kinh tế và cả trong các ngành khoa học xã hội nhân văn. Những quan điểm về vấn đề này có thể khái quát thành một số trường phái chính: (i) Ưu tiên tăng trưởng kinh tế tất yếu dẫn tới bất bình đẳng; (ii) Ưu tiên công bằng hơn tăng trưởng; (iii) Tăng trưởng phải đi liền với công bằng.

KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

Kinh nghiệm của Brazil

Ở khu vực Mỹ Latinh, Brazil là 1 nước lớn với những nguồn tài nguyên phong phú và một nền kinh tế khá mạnh. Brasil có nền kinh tế hỗn hợp đang phát triển, năm 2020 quốc gia này là nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới tính theo tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa (GDP) và lớn thứ 8 tính theo sức mua tương đương. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP danh nghĩa năm 2020 của Brazil là 7,348 nghìn tỷ Real tương đương với 1,363 nghìn tỷ USD. Brasil là quốc gia xếp thứ 83 trên thế giới về GDP bình quân đầu người khi đạt mức thu nhập 6.450 USD cho mỗi người dân [7].

Tính đến cuối năm 2010, Brazil là nền kinh tế lớn nhất ở khu vực Mỹ Latinh và lớn thứ hai ở châu Mỹ. Từ năm 2000 đến năm 2012, Brazil là một trong những nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất trên thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm trên 5%. GDP của nước này từng vượt qua cả Vương quốc Anh vào năm 2012 giúp Brazil trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới vào thời điểm đó. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Brazil đã giảm tốc vào năm 2013 khiến nước này bước vào giai đoạn suy thoái vào năm 2014. Nền kinh tế bắt đầu phục hồi vào năm 2017 với mức tăng trưởng 1% trong quý đầu tiên và 0,3% trong quý thứ hai so với cùng kỳ năm trước giúp nước này chính thức thoát khỏi thời kỳ suy thoái. Brazil hiện vẫn là quốc gia đang mắc kẹt trong "bẫy thu nhập trung bình" đồng thời phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao [8].

Năm 2020, Forbes xếp hạng Brazil là quốc gia có số lượng tỷ phú nhiều thứ 7 trên thế giới [10].

Bất bình đẳng thu nhập là một đặc trưng cho sự phát triển kinh tế Brazil, đây là khía cạnh thường xuyên được đề cập ở nước ngoài. Theo dữ liệu từ Viện Địa lý và Thống kê Brazil, tình trạng nghèo cùng cực đã tăng 11% vào năm 2017, trong khi bất bình đẳng cũng đang tăng trở lại (chỉ số Gini tăng từ 0,555 lên 0,567). Theo các nhà kinh tế, tình trạng số lượng công việc trong các ngành kinh tế phi chính thức gia tăng chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra vấn đề này [10].

Có thể thấy, Brazil đã không thành công trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội. Điều này thể hiện: (i) Tăng trưởng kinh tế chỉ đạt được như ý muốn trong thời kỳ đầu của mô hình phát triển, càng về sau, tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại và không ổn định; (ii) Nền kinh tế có nhiều dấu hiệu thiếu bền vững, Brazil trở thành một nước vay nợ nước ngoài cao, tình hình tài chính tiền tệ trong nước luôn rơi vào tình trạng bấp bênh với giá trị đồng tiền trong nước luôn có xu hướng mất giá, cán cân thanh toán ngày càng trở nên tiêu cực; (iii) Bất bình đẳng ở Brazil hiện vẫn đang ở nhóm cao nhất thế giới, sự bất bình đẳng cao kéo theo nhiều biểu hiện không tích cực khác về xã hội; (iii) Chính sự bất bình đẳng lớn của Braxin đang là yếu tố cản trở sự tăng trưởng kinh tế trong nước.

Kinh nghiệm của Cuba

Kinh nghiệm của Cuba cho thấy, trong mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, quốc gia này luôn dành ưu tiên cho mục tiêu công bằng xã hội; tăng năng suất cũng là nhằm tăng của cải vật chất cho sự phân phối công bằng. Cuba luôn bảo đảm quyền lao động, quyền được hưởng các dịch vụ y tế và giáo dục miễn phí cho mọi công dân, bảo đảm trình độ giáo dục tối thiểu và quyền có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học. Ngay từ năm 2000, Cuba đã được UNESCO công nhận là nước đầu tiên ở Mỹ Latinh hoàn thành chỉ tiêu chương trình “Giáo dục cho mọi người” với 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường.

Mặc dù kinh tế còn khó khăn, nhưng Chính phủ Cuba vẫn không ngừng cải thiện điều kiện an sinh xã hội, mọi dịch vụ y tế đều được miễn phí. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cung cấp dịch vụ trợ cấp, chăm sóc cho những người không nơi nương tựa; tất cả những người tham gia lao động đều được hệ thống an sinh xã hội bảo trợ, bất kể về hình thức sở hữu hay quản lý [4].

Tuy nhiên, ở Cuba, bên cạnh các thành tựu đáng ngưỡng mộ về y tế, giáo dục, Cuba phải đối mặt với những khó khăn rất lớn về kinh tế. Nhiều ngành sản xuất then chốt của Cuba đã không đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng và gặp nhiều khó khăn, như: mía đường, khai khoáng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế rất chậm, năm 2016 chỉ đạt 0,51%. Con số này có tăng lên theo các năm, nhưng không lớn. Đến năm 2019, thì mức tăng trưởng -0,22% [7]. Cuba cũng gặp nhiều vấn đề, như: hiệu quả sản xuất thấp, suy giảm đầu tư cho các cơ sở sản xuất và hệ thống hạ tầng, dân số không tăng và già hóa nhanh. Những yếu kém bên trong càng làm cho nền kinh tế khó chống chọi được với những tác động từ bên ngoài, đồng thời làm nổi cộm hơn những hạn chế của nền kinh tế khi phải đối phó với các vấn đề trước mắt (như thâm hụt cán cân thanh toán).

Thực tiễn trên cho thấy, việc tìm kiếm biện pháp nhằm giải quyết sự mất cân bằng vĩ mô và bảo đảm hiệu quả của nền kinh tế đã trở thành vấn đề cấp bách để đất nước Cuba có thể tiếp tục phát triển.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Hàn Quốc đã lựa chọn mô hình kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng trong phân phối thu nhập. Nội dung chính của mô hình này được thể hiện rõ nét qua các chính sách mà Chính phủ Hàn Quốc can thiệp vào các lĩnh vực kinh tế và xã hội nhằm tạo ra sự phát triển đồng bộ của 2 lĩnh vực này:

Thứ nhất, chính sách khuyến khích tăng trưởng nhanh, thông qua việc lựa chọn mô hình công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu, Hàn Quốc đã có những chính sách nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân và sự can thiệp của Nhà nước trong những lĩnh vực kinh tế cần thiết.

Thứ hai, các chính sách đầu tư vào các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế nhằm đảm bảo tăng trưởng nhanh, nhưng không dẫn đến tăng bất bình đẳng. Hàn Quốc bắt đầu quá trình tăng trưởng nhanh bằng việc phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động (công nghiệp dệt, may, chế tạo...).

Thứ ba, chính sách xã hội nhằm giải quyết ngay từ đầu vấn đề xóa đói giảm nghèo và công bằng xã hội. Điều này thể hiện trong các chính sách về phân phối lại, chính sách trợ cấp xã hội, các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông cho các vùng khó khăn... của Hàn Quốc. Hệ thống giáo dục đảm bảo cho người dân được nâng cao trình độ, mạng lưới chăm sóc sức khỏe được tổ chức chu đáo, tất cả đều nhằm mục tiêu tạo điều kiện sống ngang nhau ở tất cả các vùng trong cả nước. Chính vì vậy, bên cạnh thành tựu ấn tượng về tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc còn được ghi nhận là một quốc gia có phân phối thu nhập khá công bằng.

MỐI QUAN HỆ GIỮA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

Ngay từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển đổi kinh tế từ kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã lựa chọn mô hình gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Điều này thể hiện ngay trong các văn kiện của Đảng. Quan điểm đó của Đảng được cụ thể hóa trong các chính sách của Nhà nước.Việt Nam là một trong số quốc gia có thành tựu về kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đó là những bằng chứng rõ nhất chứng minh tính đúng đắn của mô hình kết hợp tiến bộ và công bằng xã hội gắn với tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đã lựa chọn.

Đến nay, sau hơn 35 năm đổi mới, cùng với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, việc thực hiện tiến bộ xã hội ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Đảng ta đánh giá: “Chính trị, xã hội ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam… có nhiều chuyển biến tích cực, có mặt khá nổi bật”. Giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới [1].

Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Lĩnh vực giảm nghèo tiếp tục được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trung hạn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, việc giảm nghèo giai đoạn này đã giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cả đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) của cả nước giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn 2,75% vào cuối năm 2020. Như vậy, tỷ lệ giảm nghèo bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm trên 1,4%/năm. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện; tạo sinh kế và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm.

Năm 2020, Việt Nam cũng đã làm tốt việc bảo hộ công dân, đưa người Việt Nam trở về nước an toàn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp [1].

Tuy nhiên, việc thực hiện tiến bộ xã hội vẫn còn những hạn chế, như: tình trạng phân hóa giàu nghèo, tỷ lệ thất nghiệp cao, giảm nghèo chưa bền vững, bất bình đẳng trong thu nhập, chênh lệch mức sống ngày càng tăng, không ít giá trị văn hóa, đạo đức bị mai một, xuống cấp…

NHỮNG BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

Kinh nghiệm của 3 quốc gia, như: Brazil, Cuba, Hàn Quốc và thế giới, nhiều quốc gia tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng vẫn ở trong tình cảnh tồi tệ, nếu xét ở các góc độ, như: trình độ học vấn, sức khỏe, tuổi thọ và dinh dưỡng trung bình của người dân. Hai quốc gia điển hình của sự trái ngược nhau là Hàn Quốc và Brazil. Nếu như Hàn Quốc gắn tăng trưởng với công bằng xã hội, thì Brazil, ngược lại, chú trọng đến tập trung phát triển doanh nghiệp quy mô lớn, sử dụng nhiều vốn, các chính sách xã hội ít quan tâm đến dân nghèo. Chính vì vậy, mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm, nhưng họ không giải quyết được vấn đề bất bình đẳng và điều này là nguyên nhân của sự chững lại trong tăng trưởng, thậm chí có nguy cơ khủng hoảng. Trong khi đó, Hàn Quốc là quốc gia có mức độ bất bình đẳng thấp và giữ được tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài.

Thực tế ở nhiều quốc gia đã cho thấy, không thể thực hiện tiến bộ hay công bằng xã hội trước, nếu như không bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng cao, liên tục theo hướng phát triển bền vững. Nếu sự tăng trưởng kinh tế không bảo đảm thực hiện hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, thì sự tăng trưởng này cũng không có ý nghĩa. Những chính sách chỉ nhằm tăng trưởng kinh tế có thể làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng. Mặt khác, những chính sách dựa trên ưu tiên mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội có thể dẫn đến triệt tiêu các động lực tăng trưởng kinh tế, kết cục cả mục tiêu xã hội và mục tiêu kinh tế đều không thực hiện được.

Kinh nghiệm giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội của một số quốc gia trên thế giới có lộ trình phát triển tương tự như ở Việt Nam cũng cho thấy nhiều bài học thực tiễn sinh động, đó là:

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế là điều kiện vật chất bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; tiến bộ, công bằng xã hội là động lực cho tăng trưởng kinh tế cao, ổn định. Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm của quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Phát triển kinh tế ổn định, bền vững là điều kiện quan trọng để thực hiện công bằng xã hội. Nếu không có tăng trưởng kinh tế, thì xã hội sẽ chậm phát triển và các điều kiện phúc lợi an sinh xã hội không đảm bảo được cho người dân.

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa, bảo đảm các quyền con người, tạo dựng các cơ hội việc làm và phúc lợi cho tất cả người dân. Nhà nước phải sử dụng các nguồn lực, công cụ điều tiết, chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi, chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân.

Thứ ba, giáo dục phải được tăng cường đầu tư, bởi vì giáo dục chính là một phần biểu hiện của chất lượng cuộc sống, là hệ quả và là nhân tố cấu thành tăng trưởng bền vững. Trong đó, coi trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động phải gắn với quy hoạch kinh tế - xã hội, các chương trình phát triển kinh tế, ngành nghề và định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng địa phương.

Thứ tư, giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập, bảo đảm chất lượng đời sống dân cư. Giải quyết việc làm là một trong những chính sách quan trọng của mỗi quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Có việc làm và tăng thu nhập sẽ giúp người dân có khả năng đáp ứng được những nhu cầu chính đáng về vật chất và tinh thần, giúp họ tiếp cận được với các dịch vụ chất lượng tốt, nâng cao vị thế trong xã hội, hòa nhập với môi trường xung quanh.

Thứ năm, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế nhanh với thực hiện công bằng xã hội. Việc xây dựng hệ thống chính sách an sinh xã hội tập trung vào hỗ trợ các nhóm xã hội gặp nhiều khó khăn là một hoạt động quan trọng nhằm cân bằng và bảo đảm công bằng xã hội.

Xây dựng khung thể chế phân phối các nguồn lực xã hội một cách khoa học. Công bằng là sự thể hiện yêu cầu bình đẳng trong quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa nghĩa vụ và quyền lợi giữa các cá nhân./.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội

2. Lê Anh Tuấn (2010). Đảm bảo công bằng xã hội trong quá trình tăng trưởng kinh tế ở Hàn Quốc - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Kinh tế đối ngoại, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

3. Đỗ Thị Thạch, Nguyễn Thị Thu Huyền (2018). Giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội - những khác biệt giữa hai mô hình chủ nghĩa xã hội: Trung Quốc và Cuba, truy cập từ http://www.lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/2636-giai-quyet-moi-quan-he-giua-tang-truong-kinh-te-va-cong-bang-xa-hoi-nhung-khac-biet-giua-hai-mo-hinh-chu-nghia-xa-hoi-trung-quoc-va-cuba.html

4. Nguyễn Văn Thành (2018). Kinh tế Cuba: Tiếp bước con đường phát triển, truy cập từ http://dulieu.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2018/51040/Kinh-te-Cuba-Tiep-buoc-con-duong-phat-trien.aspx

5. Hoàng Tùng (2021). Phát triển kinh tế gắn với công bằng xã hội: Thước đo hạnh phúc, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-kinh-te-gan-voi-cong-bang-xa-hoi-thuoc-do-hanh-phuc/721586.vnp

6. IMF (2019). World Economic Outlook Database

7. IMF (2020). World Economic Outlook Update

8. Por Darlan Alvarenga e Daniel Silveira (2021). PIB do Brasil despenca 4,1% em 2020, retrieved from https://g1.globo.com/economia/noticia/2021/03/03/pib-do-brasil-despenca-41percent-em-2020.ghtml

9. World Bank (2020). GINI index

10. https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_t%E1%BA%BF_Brasil

TS. Nguyễn Thị Kim Hồng

Khoa Lý luận chính trị - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1 năm 2022)