Giới thiệu Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 04 (564)
Trải qua hơn 8 năm thực hiện, Luật Doanh nghiệp 2005 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, để thực sự là một công cụ pháp lý, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp. Bài viết “Luật Doanh nghiệp năm 2005: Cần sửa đổi theo hướng nào?” sẽ được tác giả Lê Minh Tuấn phân tích những điểm bất cập của Luật này.
Những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua những biến động lớn. Đây được đánh giá là quá trình “thanh lọc” cả về chất và lượng trước những khó khăn, thách thức của thị trường trong nước và quốc tế. Nhưng đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải có những chính sách để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Tác giả Bùi Anh Tuấn sẽ đi sâu vào vấn đề này qua bài “Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2013: Xu hướng “thanh lọc” rõ nét”.
Hiện nay, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về chuyển giao doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Có nghĩa là, chưa có các quy định pháp lý về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của các bên liên quan... trong quá trình thực hiện chuyển giao. Đây là một rào cản không nhỏ trong quá trình tái cơ cấu các DNNN. Qua bài viết “Mấy vấn đề về chuyển giao doanh nghiệp nhà nước” của tác giả Đỗ Kim Dư và Nguyễn Thị Thành Vinh, những vướng mắc về chuyển giao DNNN sẽ được mổ sẻ phân tích.
Một quyết định sai lầm về cấu trúc vốn của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (DNBĐS) có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính, thậm chí là phá sản. Trên cơ sở khảo sát 60 DNBĐS, tác giả Nguyễn Hòa Nhân và Lê Phương Dung sẽ đưa ra một vài khuyến nghị tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực này qua bài “Quy mô và cấu trúc vốn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ở Việt Nam”.
Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay đang còn rất yếu kém, gây ảnh hưởng không nhỏ đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp và sản phẩm khi mở cửa thị trường. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của thực trạng này và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tác giả Nguyễn Thị Tuệ Anh và Nguyễn Thị Thu Huyền đã đề xuất một số giải pháp cho ngành công nghiệp này qua bài viết “Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị chính sách”.
Năm 2013, kinh tế Việt Nam nói chung, hoạt động sản xuất công nghiệp nói riêng, tiếp tục trải qua một năm đầy khó khăn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp Việt Nam không những đã hoàn thành tốt mục tiêu đề ra, mà còn là cơ sở cho những bứt phá trong năm 2014. Qua bài viết “Một số giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp năm 2014”, tác giả Lương Văn Kết sẽ giúp bạn đọc nhìn lại một cách tổng quát nhất công nghiệp Việt Nam năm 2013 và những việc phải làm trong năm 2014.
Tạp chí số này còn nhiều bài viết về các khía cạnh trong phát triển kinh tế của các địa phương, như: Ninh Bình, Tiền Giang, Đồng Nai, Khánh Hòa... trong chuyên mục “Kinh tế ngành - địa phương”. Cùng với đó là nhiều kiến thức bổ ích trong chuyên mục “Phổ biến kiến thức” và “Nhìn ra thế giới”./.
Bình luận