Giới thiệu Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 19 (555)
Năm 2013 là năm thứ 6, Việt Nam rơi vào trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng. Đây cũng là giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài nhất, tính từ đầu thập niên 1990 đến nay. Vậy năm 2014 có “sáng sủa” hơn không? TS. Trần Du Lịch sẽ cho chúng ta cái nhìn bao quát tình hình kinh tế qua bài viết “Nhận định kinh tế Việt Nam năm 2013 và triển vọng năm 2014”.
Sau nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại Hội nghị tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP nhằm nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn này trong thời gian tới. Nghị quyết này có gì đặc biệt và liệu có thể giải được bài toán nâng cao chất lượng thu hút FDI hay không? Với bài viết “Xung lực mới cho đầu tư nước ngoài”, tác giả Phan Hữu Thắng sẽ cho bạn đọc nắm được những nội dung cốt lõi của Nghị quyết 103, đồng thời đưa ra những lưu ý trong thực hiện.
Cũng về đầu tư nước ngoài, những năm qua đã bộc lộ ngày càng rõ nét tình trạng mất cân đối trên nhiều mặt trong thu hút FDI, gây ra nhiều hệ lụy. “Mất cân đối trong thu hút FDI tại Việt Nam:
Thực trạng và giải pháp” là tiêu đề bài viết của tác giả Lê Mai Trang, trong đó có nêu một số giải pháp để khắc phục sự mất cân đối này.
Chủ đề đầu tư công đã tốn khá nhiều “giấy mực” trong những năm gần đây. Dư luận lên án sự dàn trải, lãng phí, gây thất thoát tiền của nhà nước trong đầu tư công. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tăng trưởng “thần kỳ” của Việt Nam những năm trước một phần nhờ đầu tư công, thậm chí Chính phủ đang dự tính trình Quốc hội nâng bội chi ngân sách để có thêm nguồn lực cho đầu tư công. Vậy đâu là thực chất của vấn đề? Tác giả Đỗ Thị Phương Lan sẽ cho bạn đọc cái nhìn thực tế qua bài viết ”Nhìn lại bức tranh đầu tư công Việt Nam giai đoạn 2000-2012”.
Xin tăng bội chi cũng vì ngân sách quá eo hẹp, nhưng ngân sách ít thì cần phải dùng tiết kiệm, cắt giảm cái không cần thiết. Tuy nhiên, “Cắt giảm chi tiêu công: Không dễ!”, đó cũng là tiêu đề bài viết của tác giả Tạ Đức Thanh. Tác giả cũng đưa ra một số giải pháp để có thể cắt giảm được chi tiêu công.
Đối tác công - tư (PPP) là “chìa khóa” cho đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế, khi mà ngân sách nhà nước không đủ để “ôm” hết. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm đầu tư theo hình thức này, đến nay vẫn chưa có dự án nào được thực hiện theo PPP. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Tác giả Dương Lê Vân sẽ cho bạn đọc hiểu rõ qua bài “Nhận diện những lực cản trong triển khai PPP tại Việt Nam”.
Cùng với đó, tác giả Nguyễn Hồng Thái và Trần Thanh Sơn sẽ đưa ra những bất cập cần khắc phục để áp dụng PPP trong xây dựng hạ tầng giao thông qua bài “PPP trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ”.
Ngoài ra, Tạp chí số này còn có nhiều bài viết về vấn đề doanh nghiệp, lao động, nông nghiệp…
Bình luận