“Gỡ” các nút thắt trong xử lý tài sản bảo đảm - Nhìn từ VAMC
Nhiều vướng mắc
Đến nay VAMC đã có bốn năm hoạt động (2013-2017), nhưng khung pháp lý và cơ chế hoạt động vẫn tiếp tục phải bổ sung, hoàn thiện. Điều này một phần giải thích vì sao “kho” nợ xấu tại đây vẫn còn tồn đọng lớn.
Một trong những vướng mắc về tiến độ xử lý nợ xấu tại VAMC là khâu xử lý tài sản bảo đảm. Trong Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc cơ bản trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu của VAMC và tổ chức tín dụng. Cụ thể, vướng mắc đầu tiên là về quyền thu giữ tài sản. Theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 đã bỏ quyền thu giữ tài sản bảo đảm, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Ngân hàng Nhà nước đánh giá, điều này sẽ gây khó khăn rất lớn đến quyền xử lý tài sản bảo đảm của VAMC cũng như các tổ chức tín dụng, đặc biệt là nếu như các chủ tài sản cố tình kiện ra tòa để kéo dài thời gian xử lý.
Tại Hội thảo về hoàn thiện mô hình và cơ chế xử lý nợ xấu cho VAMC, TS. Nguyễn Tiến Đông Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện khoảng 2,8%. Cộng phần bán cho VAMC khoảng 3%, thì nợ xấu của hệ thống cũng xấp xỉ 6%. Điều này cho thấy, số nợ xấu hệ thống ngân hàng phải xử lý trong thời gian tới là tương đối lớn. |
Vướng mắc thứ hai liên quan đến quyền nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Thực tế hiện nay, trong quá trình VAMC xử lý nợ, nếu khách hàng vay đồng ý bổ sung thêm tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, thì VAMC cũng không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất. Bởi, theo Luật Đất Đai 2013, đối tượng được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, chỉ có thể là các tổ chức tín dụng.
Điều này cũng có nghĩa là, khi VMAC bán lại nợ xấu đã mua cho bên mua nợ là các cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, thì các cá nhân, tổ chức này cũng không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Vướng mắc thứ ba là về quyền xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản. Theo Luật Kinh doanh bất động sản 2014, dự án bất động sản chỉ được chuyển nhượng khi dự án, phần dự án chuyển nhượng đã hoàn thành xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thì phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt. Thêm nữa, điều kiện chuyển nhượng bất động sản là chủ đầu tư chuyển nhượng phải có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.
Theo đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước, hiện tại, rất nhiều khoản nợ xấu đã bán cho VAMC có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản hoặc tài sản hình thành trong tương lai là các dự án bất động sản chưa hoàn thành “công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt” hoặc chủ đầu tư chưa có đủ giấy chứng nhận “Quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng”.
Bên cạnh đó là những vướng mắc về chi phí thi hành án, thuế trong xử lý tài sản đảm bảo. Theo Luật thi hành án dân sự năm 2014 quy định ưu tiên chi trả một loạt khoản phí liên quan đến thi hành án vào số tiền thu được từ bán tài sản bảo đảm, do vậy, VAMC sẽ khó thu hồi được đủ giá trị khoản nợ. Bên cạnh đó, hiện nay, các cơ quan thuế thường yêu cầu trích từ số tiền bán tài sản bảo đảm để thanh toán tiền thuế trước khi thanh toán cho bên bảo đảm thì mới xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế để tổ chức tín dụng thực hiện thủ tục sang tên. Thực tế, nhiều trường hợp số tiền bán tài sản bảo đảm không đủ thu hồi nợ cho tổ chức tín dụng nhưng vẫn phải nộp thuế.
Có thể thấy, việc xử lý tài sản bảo đảm gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu liên quan đến các quy định của pháp luật (liên quan đến quy định tại 6 bộ luật, luật và nhiều văn bản dưới luật), như: quy định pháp luật còn thiếu, quy định không phù hợp với thực tiễn, quy định mâu thuẫn, chồng chéo nhau, các cơ quan, người có thẩm quyền hiểu và áp dụng pháp luật chưa thống nhất... Đây không chỉ là khó khăn của riêng VAMC, mà là của cả các tổ chức tín dụng, hạn chế rất nhiều trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Rất nhiều khoản nợ xấu hiện nay là các dự án chưa hoàn thành theo tiến độ cam kết gây khó khăn cho VAMC trong xử lý tài sản
Gỡ “nút thắt” thế nào?
Để xử lý nợ xấu của nền kinh tế hiệu quả hơn cũng như tạo điều kiện cho hoạt động của VAMC, tại buổi làm việc gồm lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, đại diện Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC hồi cuối năm 2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhất trí với các bộ, ngành sẽ kiến nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng một luật phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế gắn với xử lý nợ xấu theo trình tự rút gọn. Bộ Tư pháp sẽ là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khởi động ngay dự án luật này nhằm sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Bộ luật Dân sự (Điều 301), Luật Thi hành án dân sự 2008, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Đấu giá tài sản và các luật khác có liên quan.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất xây dựng Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước có đề xuất một số cơ chế riêng cho VAMC và các ngân hàng thương mại trong quá trình xử lý nợ xấu, như: Nếu người giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm thì cho phép VAMC/tổ chức tín dụng được thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo trong trường hợp VAMC/ tổ chức tín dụng và chủ tài sản đã có thỏa thuận về việc thu giữ tài sản trong hợp đồng bảo đảm tài sản, thay vì yêu cầu Tòa án giải quyết như đã quy định tại Bộ luật Dân sự 2015; cho phép VAMC/bên mua nợ của tổ chức tính dụng và VAMC được nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; bãi bỏ quy định yêu cầu người được thi hành án phải nộp phí thi hành án nhằm giảm chi phí xử lý nợ xấu.
Tại Hội thảo về hoàn thiện mô hình và cơ chế xử lý nợ xấu cho VAMC mới đây, TS. Nguyễn Tiến Đông Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cũng kiến nghị, trước hết, về mặt hành lang pháp lý, thực thi luật pháp của cơ quan hành pháp phải rõ ràng, minh bạch giữa quyền lợi nghĩa vụ của các bên như tổ chức tín dụng với khách hàng. Cơ chế này phải đảm bảo công bằng cho các chủ nợ. Ngay cả người xử lý nợ như VAMC, DATC… cũng phải được bảo vệ. Nếu không có cơ chế thông thoáng thì rất khó tạo động lực cho những tổ chức thúc đẩy xử lý nợ xấu.
Trong thời gian tới việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định để thực hiện hiệu quả và khả thi việc tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Qua đó, góp phần phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn mới và khắc phục những khó khăn, hạn chế của các tổ chức tín dụng trong giai đoạn trước, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, hiệu quả của hệ thống tổ chức tín dụng, phát triển kinh tế bền vững./.
Nguồn tham khảo:
1. http://thoibaonganhang.vn/tim-co-che-dot-pha-xu-ly-no-xau-60318.html
2. http://vietnamfinance.vn/ngan-hang/ngan-hang-ban-no-cho-vamc-vuong-trong-xu-ly-tai-san-bao-dam-20161208085834535.htm
3. https://www.bsc.com.vn/Pages/DownloadReport.aspx?ReportID=999983
Bình luận