Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: “Càng sớm, càng rộng, càng thoáng càng tốt”
Ngày 24/2, Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã phối hợp với hãng hàng không Bamboo Airway tổ chức toạ đàm “Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới” tại Trung tâm Hội nghị quốc tế FLC Quy Nhơn, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Tham dự có các diễn giả, khách mời là lãnh đạo, chuyên gia cao cấp thuộc các cơ quan ban ngành TƯ và địa phương, Đại sứ quán Séc tại Việt Nam, Công ty TD&T Co.,LTD (Hàn Quốc), các chuyên gia kinh tế, hàng không và du lịch uy tín cùng đại diện các cơ quan báo chí trên toàn quốc.
Hàng không, du lịch cần tận dụng cơ hội
Phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam nhìn nhận, trong hơn hai năm qua, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế - xã hội của cả nước, trong đó hàng không và du lịch là hai ngành chịu thiệt hại lớn. Tuy nhiên, lấy dẫn chứng kết quả triển khai và khôi phục từng bước các đường bay nội địa thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn Tết Nhâm Dần, ông nhận định hàng không và du lịch đã bắt đầu khởi sắc trở lại.
Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam phát biểu tại toạ đàm |
Trên cơ sở đó, quyết định mở lại các đường bay quốc tế từ 15/2 và mở cửa du lịch từ ngày 15/3 sẽ tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hoá, đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo người dân cũng như hành khách, đồng thời tạo lực đẩy cho sự phát triển kinh tế.
Đồng quan điểm, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cụ trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhận định: "Giờ là lúc du lịch và hàng không cần nhanh chóng tận dụng cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế”.
Bàn về vấn đề mở cửa đồng thời hàng không và du lịch, TS. Trần Đình Thiên - thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế Chính phủ cho rằng, Chính phủ muốn thông qua hai lĩnh vực này để chứng minh với thế giới về việc Việt Nam là điểm đến an toàn, doanh nghiệp Việt Nam có sức chống chịu tốt và sức bật nhanh.
“Toàn cầu hoá buộc chúng ta phải hội nhập và có sự kết nối với thế giới. Con đường kết nối tốt nhất, nhanh nhất người với người, hàng với hàng, hàng với người là hàng không và du lịch. Do đó, hai ngành hàng không và du lịch phải luôn trong tâm thế sẵn sàng để đảm bảo sự kết nối, đồng thời minh chứng cho sự an toàn của Việt Nam. Việc mở cửa sớm hàng không và du lịch cũng sẽ khai thông, tạo động lực và hứng khởi mới cho sự phục hồi của nền kinh tế”, ông Thiên nhấn mạnh.
Toàn cảnh toạ đàm |
Nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa ngành hàng không và du lịch như “thực thể hữu cơ”, như “đôi cánh của con chim”, ông Bùi Minh Đăng - Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không - Cục Hàng không Việt Nam nói, việc khôi phục hoạt động hàng không, du lịch không phải chỉ là cơ hội, mà đã hiện hữu. Theo kịch bản lý tưởng, năm 2022 thị trường hàng không Việt Nam đón 42-43 triệu hành khách, trong đó có khoảng khoảng 8 triệu khách quốc tế, 6 triệu khách du lịch.
“2022 sẽ là năm bùng nổ du lịch”
Lấy dẫn chứng về các số liệu của tổ chức quốc tế khi Việt Nam thí điểm đón khách quốc tế như: lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng vọt, riêng tháng 1 tăng hơn 200% so với tháng 12 năm ngoái; 10 thị trường tìm nhiều nhất đứng đầu là Mỹ, tiếp đến, Nga, Anh, Pháp…; ông Vũ Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch - Tổng cục Du lịch nhận định, “mở cửa xu lịch là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới và năm 2022 sẽ là năm bùng nổ du lịch”.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Lương Hoài Nam, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Du lịch Gotadi, cho rằng so với các nước trong khu vực, việc thí điểm mở cửa hiện nay còn “chậm và quá thận trọng”, các điều kiện mở cửa còn khắt khe khiến lượng du khách đến Việt Nam hạn chế.
“Chúng ta cố gắng mở càng sớm càng tốt, càng rộng càng tốt. Các điều kiện càng thoáng càng tốt. Trước đây, cứ 2 tuần doanh thu từ du khách quốc tế đạt 1 tỉ USD. Trong khi đó, ngành hàng không và du lịch đã đình trệ 2 năm, cần đẩy nhanh tốc độ mở cửa hơn nữa”, TS. Nam nói.
Đại diện doanh nghiệp hàng không, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó TGĐ Bamboo Airways cho biết, là doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ làn sóng Covid-19, song Bamboo Airways tự hào khi là hãng hiếm hoi vẫn duy trì kế hoạch mở rộng mạng bay, quy mô đội bay, nâng cấp chất lượng dịch vụ định hướng 5 sao chuẩn quốc tế, ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động khai thác vận hành, tận dụng lợi thế từ hệ sinh thái hàng không – nghỉ dưỡng – golf nhằm mang tới các dịch vụ trọn vẹn cho khách hàng và đảm bảo an toàn cho hành khách ở mức cao nhất.
Về lộ trình mở cửa hàng không sắp tới, ông Trọng cho biết, Bamboo Airways đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho kế hoạch mở rộng mạng bay quốc tế, trong đó đặc biệt chú trọng thị trường châu Âu, Mỹ, Đông Nam Á, Đông Bắc Á, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Các diễn giả trao đổi tại toạ đàm: Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới |
Trong khi đó, bà Martina Saitlova - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Séc tại Việt Nam cho biết, Séc cũng đang từng bước dỡ bỏ các hạn chế để hồi phục các đường bay quốc tế. Đại sứ quán Séc sẽ góp phần tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam khai thác đường bay đến Séc thành công.
Ở góc độ của một blogger du lịch, nhà báo Ngô Trần Hải An cho rằng 2022 là lúc chúng ta cần tiếp nối các chuyến đi và tiếp nối các trải nghiệm, bởi trên thực tế nhu cầu được bước ra ngoài và khám phá những vùng đất mới của người dân đã tăng mạnh. Lấy ví dụ về đường bay TP.HCM – Điện Biên của Bamboo Airways, ông An cho rằng đối với hãng đây chỉ là một đường bay, nhưng đối với hành khách còn là hành trình mang lại nhiều cung bậc cảm xúc mới.
“Chúng ta đừng lo lắng 2022 có khách hay không, chúng ta phải nghĩ sẽ đón khách như thế nào. Nếu chúng ta còn băn khoăn bao giờ là thời điểm để hàng không cất cánh, thì chính là bây giờ”, ông Ngô Trần Hải An nói.
Cũng trong khuôn khổ toạ đàm đã diễn ra lễ ký kết thoả thuận hợp tác toàn diện giữa Bamboo Airways, Tập đoàn FLC và Công ty TD&T (Hàn Quốc) về hợp đồng thuê chuyến đưa du khách Hàn Quốc đến Việt Nam, cung cấp các sản phẩm dịch vụ golf, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp của hệ sinh thái FLC cho du khách Hàn Quốc.
Các hoạt động ký kết được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội tiếp cận và trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ của FLC và Bamboo Airways tới hàng triệu du khách quốc tế, qua đó góp phần thúc đẩy nỗ lực phục hồi của toàn ngành hàng không và du lịch thời gian tới./.
Bình luận