Hàng Việt đã tạo được chỗ đứng vững chắc
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tại Hội nghị sơ kết 5 năm cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 3/7, tại Hà Nội.
80% - 90% hàng hóa trong siêu thị là hàng Việt Nam
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, qua 5 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, so với năm 2009 là thời điểm bắt đầu cuộc vận động, đến nay nhận thức của toàn xã hội đã có những chuyển biến rõ rệt, từ nhận thức của người tiêu dùng đến người sản xuất và người phân phối lưu thông.
Kết quả từ Cuộc vận động đã giúp cả nước hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế. Cụ thể, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 12 tháng năm 2013 ước đạt 2.617.963 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012 (tính từ năm 2009 đến nay, hàng năm đều có mức tăng trưởng trên 10% so với năm kế trước).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI cả nước) năm 2012 tăng 6,81% so với tháng 12 năm 2011, thấp xa so với kế hoạch mà Quốc hội đã đề ra là dưới 10%, CPI năm 2013 chỉ tăng 6,04% so với tháng 12 năm 2012 và đây là năm có CPI tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Đồng thời, Cuộc vận động cũng góp phần giảm tỷ lệ nhập siêu: Năm 2010, nhập siêu là 12,3 tỷ USD (so với dự báo là 13,5 tỷ), bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đề ra là không quá 20%; năm 2011, tỷ lệ này là 9,89% thấp hơn chỉ tiêu Chính phủ đề ra là không quá 16%. Đặc biệt, năm 2012 và năm 2013 cán cân thương mại đã liên tục đạt trạng thái xuất siêu (năm 2012 xuất siêu 287 triệu USD, năm 2013 xuất siêu 862 triệu USD.
Bên cạnh đó, theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), niềm tin và tình cảm của người dân Việt Nam đối với hàng nội không ngừng được nâng cao.
Ước tính, có đến 71% người tiêu dùng trong nước đã tin tưởng chất lượng hàng Việt và mua hàng Việt.
Theo bà Nga, điều này đã giúp hàng nội nâng cao được sức cạnh tranh so với hàng ngoại, làm thay đổi suy nghĩ, thói quen sính hàng ngoại của người tiêu dùng.
Theo kết quả khảo sát gần đây của Công đoàn ngành Công thương, kể từ khi phát động Cuộc vận động, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị máy móc của các doanh nghiệp tăng bình quân 25%.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, sau 5 năm tổ chức cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được cơ chế, chính sách của Nhà nước để xây dựng mạnh lưới phân phối vững chắc.
Đơn cử là Tập đoàn Dệt may (Vinatex) hiện có tới 4.125 điểm bán hàng ở hầu khắp các huyện vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, Tổng Công ty Giấy Việt Nam cũng đang tích cực “phủ sóng” đưa thêm các điểm bán hàng tới khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo.
Còn đó những hạn chế
Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện Cuộc vận động, bên cạnh những kết quả tích cực thì vẫn còn đó một số bất cập, điển hình như việc xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối vẫn chưa thực sự đạt kết quả cao.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chỉ ra rằng, một số doanh nghiệp tham gia chương trình vẫn còn theo phong trào, chưa có chiến lược bài bản cho việc xây dựng thương hiệu. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc khách hàng, chưa thuyết phục được khách hàng lựa chọn hàng sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, bà Lê Việt Nga cũng cho biết, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên các sản phẩm được sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu.
Do đó, việc xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối đòi hỏi phải có chiến lược bài bản và vốn đầu tư khá lớn, điều này gây trở ngại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong việc xúc tiến mở rộng thị trường.
Mặc dù Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cùng với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thường xuyên đôn đốc, phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền, thông tin triển khai thực hiện Cuộc vận động. Tuy nhiên, một số bộ, ngành và địa phương đã chưa thực sự vào cuộc, dẫn đến kết quả triển khai chưa đạt hiệu quả cao, chưa thực sự đột phá.
Bên cạnh đó, quá trình truyền thông cho Cuộc vận động trên các phương tiện thông tin chưa có sự đồng nhịp để tạo thành một chiến dịch truyền thông hiệu quả. Vì vậy, chưa thực sự tác động mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng.
Vẫn còn một bộ phận người dân sính hàng ngoại, hàng hiệu nhập khẩu. Tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các sở công thương đã chủ động xây dựng chương trình hành động riêng cho địa phương mình, nhưng vẫn còn mang tính riêng lẻ, độc lập, chưa gắn kết cho nên chưa phát huy hết sức mạnh của các địa phương lân cận.
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn các tỉnh còn thể hiện nhiều hạn chế, chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia, chưa kết nối được giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng.
Nhiều hội chợ, triển lãm mới chỉ dừng lại ở lĩnh vực trưng bày, giới thiệu hoặc bán buôn, bán lẻ hàng hóa thuần túy mà chưa gây dựng được thương hiệu Việt trong người tiêu dùng. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn còn thiếu tính bền vững, chưa tạo lập được kênh phân phối vững chắc tại địa bàn này.
Đặc biệt, bà Lê Việt Nga nhận định, vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng, từ đó làm giảm đi ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động.
Mặt khác, lực lượng quản lý thị trường gặp rất nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự; nhiều chủ thể bị xâm phạm chưa hợp tác với lực lượng chức năng; trang thiết bị, phương tiện và nguồn nhân lực của quản lý thị trường, kinh phí giám định, tiêu hủy hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa được đảm bảo.
Để người dân tin tưởng hơn nữa vào hàng Việt
Trước thực tế trên, để thực sự hàng Việt trụ vững trên thị trường năm 2014 và những năm tiếp theo, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh việc chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người tiêu dùng, Bộ Công Thương sẽ đưa ra nhiều tiêu chí để các nhà sản xuất Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời tạo các tiền đề giúp liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất với nhà phân phối để đưa hàng về các vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra 5 bài học kinh nghiệm trong việc thúc đẩy Cuộc vận động, đó là:
Thứ nhất, sự quan tâm chỉ đạo điều hành sâu sát của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Trung ương và Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố đã tạo chuyển biến tích cực mạnh mẽ trong kết quả triển khai thực hiện. Đồng thời, sự năng động, sáng tạo và hưởng ứng nhiệt tình cua các doanh nghiệp sản xuất, phân phối và người dân Thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động, góp phần thực hiện thắng lợi các kế hoạch hàng năm của Thành phố.
Thứ hai, việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc ngành dọc cấp dưới tổ chức quán triệt, triển khai cuộc vận động, kịp thời phát hiện, khắc phục và chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình thực hiện; duy trì định kỳ sơ, tổng kết và nhân rộng các mô hình, tổ chức thảo luận, tọa đàm để rút kinh nghiệm và tìm biện pháp đẩy mạnh triển khai cuộc vận động; tổ chức khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành thích trong thực hiện cuộc vận động cũng góp phần quan trọng vào kết quả triển khai thực hiện cuộc vận động.
Thứ ba, thị trường trong nước cho sản phẩm hàng Việt chưa được khai thác tối đa, một phần do thực trạng hàng giả, hàng nhái giá rẻ còn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến các đơn vị sản xuất trong nước. Do đó, cần có sự can thiệp quyết liệt, hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là lực lượng quản lý thị trường.
Thứ tư, qua sự chuyển biến nhận thức sâu sắc của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối và người tiêu dùng đối với cuộc vận động đã cho thấy hai mục tiêu quan trọng cần tiếp tục giữ vững trong quá trình triển khai, đó là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và sự triển khai đồng bộ, tâp trung và thường xuyên về công tác tuyên truyền, vận động cho cuộc vận động.
Thứ năm, sự liên kết chặt chẽ ngày càng đi vào chiều sâu giữa Thành phố và các vùng, miền thông qua các chương trình liên kết sản xuất, phát triển hệ thống phân phối, kết nối cung cầu hàng hóa… cần được đẩy mạnh thực hiện, bởi lẽ đó không chỉ là những giải pháp thực tế, gắn kết với cuộc vận động, mà còn xuất phát từ nhu cầu thực tiễn từ phía các doanh nghệp sản xuất trong nước và người tiêu dùng , qua đó cũng góp phàn vào phát triển kinh tế đất nước./.
Bình luận