Hậu Giang cần thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Trong 5 năm qua (2011 - 2015) trong điều kiện khó khăn chung, kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang vẫn tiếp tục phát triển. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) bình quân tăng 13,12%, thu nhập bình quân đầu người đạt 31,3 triệu đồng/năm; đến năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,4%; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện...
Tuy nhiên, Hậu Giang vẫn là tỉnh còn rất nhiều khó khăn. Cụ thể, quy mô kinh tế nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn cao (62% lao động nông nghiệp), giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp thấp; thu hút đầu tư chưa nhiều; cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục còn bấp cập; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn hạn chế; đời sống nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hậu Giang về tình hình kinh tế-xã hội của địa phương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Để khắc phục những hạn chế, Thủ tướng yêu cầu Hậu Giang đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương về đất đai, nguồn lợi thủy sản, nguồn nhân lực để tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, lựa chọn phát triển một số hàng hóa mà địa phương có lợi thế như trồng lúa, thủy sản, cây ăn trái và chăn nuôi.
Trong đó, nhấn mạnh, Hậu Giang cần ưu tiên ứng dụng, phát triển công nghệ trong sản xuất, đẩy mạnh phát triển hệ thống trạm bơm điện để phục vụ sản xuất nông nghiệp, lựa chọn giống phù hợp có năng suất, giá trị cao, ít sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, áp dụng quy trình sản xuất phù hợp, gắn với bảo quản, chế biến để đạt hiệu quả cao; tạo mọi điều kiện phát triển công nghiệp chế biến, chú trọng chuyển đổi quan hệ sản xuất mới phù hợp, liên kết hợp tác với các hình thức đa dạng theo mô hình cánh đồng lớn.
Tỉnh cũng phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tiết kiện thời gian, chi phí, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; tạo các cơ chế mạnh mẽ (tạo mặt bằng sạch, hỗ trợ đào tạo nghề) nhằm thu hút doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; tiếp tục huy động các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó cần đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực từ xã hội hóa.
Cùng với phát triển kinh tế, Hậu Giang cũng cần quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội; trong đó tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển y tế, giáo dục, nâng cao chỉ số giáo dục ở tất cả các cấp học, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.
Bình luận