Hoa Kỳ kiểm tra 100% lô hàng cá bộ Siluriformes nhập khẩu từ ngày 02/08/2017
Ngày 10/07/2017, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn số 1177/QLCL-CL1 gửi các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá bộ Siluriformes (chủ yếu cá tra, ba sa) vào Hoa Kỳ.
Cụ thể, thông qua Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản nhận được công thư của Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) thông báo đã ban hành quy định số FSIS-2017-0024 về việc sẽ áp dụng chính thức điều 9CF557 (quy định về nhập khẩu) tại Chương trình thanh tra bắt buộc đối với cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes từ ngày 02/08/2017 thay vì 01/09/2017 (thời điểm chính thức áp dụng như quy định tại Chương trình và các thông báo của FSIS trước đây).
Theo đó, tất cả các lô hàng cá bộ Silurformes nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ được FSIS thực hiện kiểm tra tại các cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức.
Nhà nhập khẩu phải gửi đơn đăng ký kiểm tra theo mẫu FSIS From 9540-1 (bản giấy hoặc điện tử) cho FSIS trước khi lô hàng đến cửa khẩu. Trong đơn đăng ký kiểm tra, nhà nhập khẩu phải ghi rõ tên Cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức nơi FSIS sẽ thực hiện kiểm tra lô hàng.
Từ ngày 02/08/2017, Hoa Kỳ kiểm tra tất cả lô hàng cá bộ Siluriformes xuất khẩu vào nước này
Trước sự thay đổi này từ phía Hoa Kỳ, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản thông báo để các doanh nghiệp biết, chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu để tuân thủ quy định nêu trên của Hoa Kỳ. Đặc biệt, cần chú ý trong việc ghi nhãn sản phẩm phù hợp với quy định của FSIS từ tên sản phẩm (chỉ các loài trong họ Ictaluridae mới dùng tên “catfish”, cá tra (Pangasius hypophthalmus) được sử dụng tên: tra, sutchi, swai, striped pangasius; basa (Pangasius bocourti) được sử dụng tên basa), hướng dẫn bảo quản, thành phần, thông tin dinh dưỡng…Các nhãn công bố các thông tin đặc biệt như là sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường, có chưa thành phần dinh dưỡng đặc biệt... phải được đăng ký để FSIS phê duyệt.
Nội dung kiểm tra của FSIS đối với các lô hàng nhập khẩu gồm: sự phù hợp của chứng thư kèm lô hàng, cảm quan, ghi nhãn, điều kiện bảo quản vệ sinh chung và lấy mẫu kiểm tra dư lượng hóa chất độc hại, định danh loài và vi sinh vật gây bệnh.
Riêng chỉ tiêu kiểm tra về dư lượng hóa chất, kháng sinh, FSIS thực hiện phương pháp kiểm nghiệm đa dư lượng với 89 chỉ tiêu chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật (108 chất), thuốc nhuộm (4 chất) và kim loại (17 chất)./.
Bình luận