Hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025…
Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội vừa tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 21 để cho ý kiến tiếp thu, giải trình về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
Phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội |
Cũng trong ngày 16/1, tại Kỳ họp bất thường lần 5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho EVN. Báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết nội dung này nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về tính cấp bách của các dự án khi bố trí từ nguồn dự phòng theo đúng quy định của Nghị quyết số 29/2021/QH15. Đối với số vốn dự kiến bố trí cho các dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư, có ý kiến đề nghị không đưa vào nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 số vốn này do chưa có cơ sở xem xét, quyết định; ý kiến khác đề nghị quy định rõ đối với dự án quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần thuyết minh cụ thể, đánh giá tác động đối với các trường hợp bố trí vượt mức quy định tại khoản 2, Điều 89 Luật Đầu tư công. Có ý kiến đề nghị chú trọng tăng cường quản lý, thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là trong đầu tư xây dựng đường cao tốc để tránh gây lãng phí, tốn kém, phát sinh nhiều vấn đề khi thực hiện; cần khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án…
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về phương án tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và EVN.
Tại phiên họp của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã báo cáo làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm…
|
Kết luận nội dung phiên họp, làm rõ hơn sự cần thiết Quốc hội thảo luận cho ý kiến về nội dung này tại kỳ họp bất thường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, năm 2022 trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, dấu hiệu phục hồi kinh tế - xã hội chưa thực sự rõ ràng, do đó khi xây dựng dự toán khá thận trọng. Nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, điều hành của Chính phủ, nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đạt kết quả tích cực, tăng trưởng đạt 8,02%. Tăng thu ngân sách trên 400 nghìn tỷ đồng, cùng với khoản tiết kiệm chi là những khoản quan trọng bổ sung thêm nguồn lực cho đất nước.
Theo quy định, việc phân bổ nguồn tăng thu thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Thời gian qua, UBTVQH đã xem xét quyết định phân bổ các khoản theo thẩm quyền. Đến nay, còn một khoản dự kiến bố trí cho các dự án đầu tư công. UBTVQH nhận thấy, khoản tăng thu là khoản tiền ngắn hạn, có sẵn, trong khi các dự án đầu tư công có tính dài hơi. Do đó, UBTVQH quyết định báo cáo Quốc hội bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, bảo đảm cân đối tổng mức đầu tư công trung hạn không vượt mức Quốc hội đã phê duyệt.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị các cơ quan khẩn trương chuẩn bị và hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Nghị quyết để kịp thời trình UBTVQH cho ý kiến... |
Cũng theo ông Mạnh, trong quá trình chuẩn bị các dự án, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương lựa chọn kỹ lưỡng để bảo đảm phù hợp với các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của 6 vùng kinh tế, lựa chọn các dự án có tính liên kết vùng, thực hiện một trong ba đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng, phấn đấu đạt mục tiêu về số km đường cao tốc.
Qua thảo luận tại tổ và hội trường của Quốc hội, trao đổi tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho thấy, đến nay các vấn đề cụ thể đã được thảo luận một cách cặn kẽ, cơ bản đi đến thống nhất nhiều nội dung.
Góp ý cho dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội đang diễn ra, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, đối với khoản vốn hơn 63.000 tỷ đồng tăng thu của năm 2022, Quốc hội đã quyết định đưa khoản này vào nguồn dự phòng chung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nên việc trình Quốc hội quyết định nội dung này là đúng thẩm quyền. Trong 63.000 tỷ đồng đã phân bổ 33.000 tỷ đồng đối với các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, có danh mục kèm theo dự thảo Nghị quyết. Đối với số vốn còn lại, do Chính phủ chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, nên theo quy định của Luật Đầu tư công, thì phải tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư nhưng phải xác định được nguồn vốn. Do đó, Nghị quyết nên quy định theo hướng cho phép Chính phủ sử dụng nguồn vốn hơn 30.000 tỷ đồng để chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Khi hoàn thiện thủ tục đầu tư phải báo cáo Quốc hội quyết định. Trong trường hợp cấp bách thì báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định…/.
Bình luận