Vừa trở về từ Hội nghị, TS Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI đã có cuộc trao đổi với DĐDN về xu hướng khởi nghiệp trên thế giới và những kinh nghiệm khởi nghiệp cho VN.

TS Phạm Thị Thu Hằng cho biết, GEC 2016 đã tạo ra một niềm hứng khởi mới cho cộng đồng DN, kể cả các cơ quan làm chính sách phát triển DN trên toàn thế giới. Hội nghị đã bàn tới chủ đề khởi nghiệp toàn cầu – thế hệ doanh nhân mới và tương lai của khởi nghiệp. Đáng mừng là trong báo cáo đánh giá năm 2015, hoạt động khởi nghiệp ở VN đã được ghi nhận trên bản đồ khởi nghiệp thế giới, mà đầu mối chính là VCCI.

– Xin bà cho biết đâu là những điểm chính, những định hướng khởi nghiệp trên toàn thế giới trong thời gian tới mà GEC 2016 đã bàn thảo ?

Hội nghị lần này đã bàn tới rất nhiều vấn đề khác nhau: Từ việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, phát triển mạng lưới nghiên cứu về khởi nghiệp; tài chính cho khởi nghiệp, hoạt động của các quỹ đầu tư thiên thần, khởi nghiệp ở các đô thị, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; từ khởi nghiệp đến… mở rộng kinh doanh; khởi nghiệp ở nhóm phụ nữ, thanh niên; các phương pháp, cách thức đào tạo khởi nghiệp, hoạt động của vườn ươm DN cho đến cả các vấn đề khởi nghiệp sau chiến sự.

Xu hướng ở những năm tới nhấn mạnh tới ứng dụng đổi mới, sáng tạo trong công nghệ, giao thoa giữa các ngành, tức là khởi nghiệp không bó hẹp trong một ngành mà anh đang quen hoạt động mà có thể tìm thấy rất nhiều cơ hội khởi nghiệp do những vấn đề của ngành khác. Chẳng hạn một người làm ở lĩnh vực IT, anh ta nhận thấy ngành in có vấn đề thì có thể lấy ứng dụng của IT để giải quyết vấn đề cho ngành in… Điểm nổi bật nhất là việc mở rộng khái niệm và những giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái trong khởi nghiệp.

– Bà đã thấy sự khác biệt như thế nào giữa việc khởi nghiệp ở VN và trên thế giới? Đâu là những kinh nghiệm mà chúng ta cần học hỏi trong câu chuyện khởi nghiệp toàn cầu?

Tôi nhận thấy sự khác biệt lớn nhất là sự năng động của khu vực tư nhân trong khởi nghiệp! Tức là tính chủ động của khu vực tư nhân trong hoạt động khởi nghiệp. Tôi muốn nhắc lại là sáng kiến Hội nghị khởi nghiệp toàn cầu ( GEC) cũng là của Quỹ Kaufman – một quỹ tư nhân thực hiện, tới nay là năm thứ mười. Hội nghị này là năm trong chuỗi các hoạt động về khởi nghiệp toàn cầu mà đỉnh cao là Tuần lễ khởi nghiệp toàn cầu vào háng 11 hàng năm. Điểm đáng nói là họ không vì lợi nhuận và các hoạt động hầu hết được khởi xướng và thực hiện bởi khu vực tư nhân.

Nếu như ở VN có thể do khu vực tư nhân còn non trẻ nên có thể chưa chủ động mà vai trò chính vẫn là Nhà nước, thì trên thế giới, người ta vẫn coi trọng vai trò Nhà nước nhưng lại nhấn mạnh tới khu vực tư nhân. Chẳng hạn, các quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm DN hay các cuộc thi về khởi nghiệp cũng đều do tư nhân đứng ra tổ chức và thực hiện.

Bằng chứng là tại Hội nghị lần này, chỉ có một phiên họp của các Bộ trưởng về DNNVV, bàn chủ yếu về chính sách cụ thể cho từng nước, chỉ chiếm phần nhỏ trong toàn bộ nội dung và chương trình nghị sự với trên 30 phiên họp khác nhau. Dù vẫn thấy vai trò của Nhà nước là hỗ trợ nhưng tính chủ động của khu vực tư nhân rõ ràng rất cao. Đó là sự khác biệt đối với khởi nghiệp ở VN.

Ví dụ, mô hình vườn ươm DN trên thế giới là một mô hình kinh doanh giống như DN. Các DN tư nhân lập ra các vườn ươm, đồng thời đầu tư luôn vào các DN trong vườn ươm, một thời gian sau đó có thể bán cả vườn ươm đi kiếm lời, sau đó lại lập các vườn ươm khác. Trong khi ở VN, vườn ươm DN hầu hết được hình thành như là một tổ chức hỗ trợ. Quỹ thiên thần cũng vậy, ở VN chưa có nhưng ở các nước rất phổ biến, khung pháp lý ở VN còn thiếu trong khi tâm lý cái gì cũng phụ thuộc vào Nhà nước nên rõ ràng sẽ rất khó để phát triển.

Tôi muốn lấy một ví dụ nữa là về cuộc thi khởi nghiệp tại Hội nghị. Các nhà đầu tư, chủ yếu là các quỹ đầu tư, rất quan tâm tới kết quả cuộc thi, nơi họ có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư. Điểm khác biệt so với cuộc thi ở VN là các dự án không chỉ dừng ở ý tưởng mà phải có một số kết quả cụ thể, chẳng hạn như đã có nghiên cứu thị trường, có thiết kế hoặc mẫu mã để dự án mang tính khả thi cao. Nếu chỉ có ý tưởng không thì sẽ không được đánh giá cao bởi điều này khó thuyết phục các nhà đầu tư. Người được giải sẽ được BTC tài trợ chuyến đi khắp thế giới để maketing sản phẩm của mình. Do vậy, các dự án được giải tỉ lệ hiện thực hóa rất cao.

VCCI sẽ đa dạng hóa hình thức về xúc tiến khởi nghiệp, tổ chức nhiều cuộc thi khởi nghiệp tương đồng với thi khởi nghiệp toàn cầu.

– Còn về cuộc thi khởi nghiệp thì sao? Đâu là điểm giống nhau và khác nhau về các dự án trong cuộc thi khởi nghiệp của VN và thế giới?

Về mặt ý tưởng không có gì khác biệt, chỉ có điều khác là ở VN những người dự thi diễn giải, trình bày hay xây dựng, phát triển kế hoạch kinh doanh vẫn còn nặng về lý thuyết trong khi thế giới lai rất thực tế. Chẳng hạn tại cuộc thi “Cùng lên võ đài”, người ta chọn chủ của hai dự án “cùng hạng” cho vào đấu với nhau, đấu theo 5 vòng trực tiếp, Ban giám khảo là những nhà đầu tư và các trọng tài đặt câu hỏi và chỉ có 1 phút trả lời. Vòng 1 là câu hỏi về “đồng đội “ sáng lập dự án là những người thế nào. Ở VN nói đến “team” thường là mấy bạn trẻ cùng một lớp, nhưng “team” của các đội trên thế giới thường là nhiều thành phần, có thể là một bạn sinh viên kết hợp với một kỹ sư già có kinh nghiệm. Vì vậy, tỉ lệ thành công của dự án này rất cao. Vòng thứ 2 nói đến những gì đã đạt được của dự án đó, kết quả nghiên cứu, thử nghiệm…Vòng 3 là về tài chính của dự án và đề xuất kêu gọi đầu tư; Vòng thứ tư là mô hình kinh doanh, sự khác biệt so với đối thủ…Vòng thứ năm là câu hỏi mang phong cách tự do, rất tâm lý và đặt câu hỏi tại sao anh nghĩ là mình thắng còn đối thủ cạnh tranh lại thua? – để kiểm chứng bản lĩnh của người chơi. Rõ ràng cách thi rất đơn giản nhưng cũng rất thực tế. Đây là cuộc thi mang tính toàn cầu và đương nhiên người Việt Nam cũng có cơ hội tham gia.

– Vậy theo bà, thời gian tới, VCCI sẽ có những định hướng thế nào về công tác khởi nghiệp?

Tôi cho rằng, với VN, để có một phong trào khởi nghiệp bắt nhịp toàn cầu, rất cần chủ động sáng tạo của từng cá nhân, doanh nghiệp, các quỹ đầu tư… và sự ủng hộ tích cực của lãnh đạo cao cấp, các Bộ ngành liên quan. Đặc biệt là các ngành như Bộ KHĐT, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Tài chính, chính quyền các địa phương…

Về phía những tổ chức xúc tiến khởi nghiệp như VCCI sẽ phải đa dạng hóa hình thức về xúc tiến khởi nghiệp, tổ chức nhiều cuộc thi khởi nghiệp tương đồng với thi khởi nghiệp toàn cầu. Cùng với đó là hệ thống đào tạo về khởi nghiệp cần được cải tiến, nhất là đối với nhóm sinh viên chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ, đào tạo khởi nghiệp trong DN. Với vai trò là đơn vị đầu mối về Tuần lễ khởi nghiệp toàn cầu – GEW, VCCI sẽ thiết kế xây dựng mạng lưới khởi nghiệp quốc gia. Mạng lưới này sẽ có nhiều người tham dự trong đó có các thành phần: cơ quan Nhà nước, quỹ đầu tư, vườn ươm, các trường đại học, các Hiệp hội DN… Chỉ khi có được mạng lưới khởi nghiệp quốc gia thì mới kết nối được với mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN).

– Xin cảm ơn bà.