Hội thảo: “Trao đổi kỹ thuật, cơ hội và thách thức của ngành nấm Việt” lần I
Hội thảo tạo cơ hội và điều kiện cho người nông dân, nhằm nâng cao khả năng sản xuất, liên kết nông dân với các nhà kinh doanh và nhà khoa học. Đồng thời, hội thảo cũng đưa những nghiên cứu về nấm vào thực tiễn sản xuất, cung cấp thông tin mới, kiến thức, kết quả nghiên cứu khoa học và trao đổi kiến thức chuyên môn tới tất cả các thành viên trong hội nuôi trồng nấm và các đơn vị đã, đang và dự định trồng nấm trên khắp mọi miền đất nước.
Thầy Lê Minh Chiến phát biểu khai mạc
Hội thảo có sự tham dự của TS Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thầy Lê Minh Chiến - Phó hiệu trưởng trường ĐH Đà Lạt, TS Đinh Minh Hiệp- Trưởng ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, các vị khách quý và những đơn vị trồng nấm, cùng các cán bộ, nghiên cứu sinh trường ĐH Đà Lạt và hàng trăm sinh viên trong cả nước.
TS Phạm S đến tham dự hội thảo
Hàng loạt các chuyên đề đã được các chuyên gia chia sẻ như: chuyên đề nấm đông trùng hạ thảo của Kỹ sư Lê Tuấn Anh, giảng viên trường cao đẳng Nông lâm Đông Bắc, Quảng Ninh, chuyên đề nấm rơm của ông Nguyễn Văn Dũng, công ty nấm Sông Hậu, chuyên đề nấm mèo của Ths. Lê Viết Ngọc, khoa sinh học Đại học Đà lạt, chuyên đề nấm linh chi của kỹ sư Trần Minh Kiển, giám đốc trang trại nấm, chuyên đề nấm bào ngư của Ông Võ Trung Âu, nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Szent Istvan Hungary.
Trong hội thảo này TS Đinh Minh Hiệp cũng giới thiệu đề án bảo tồn, lại tạo và phát triển giống nấm của Trung tâm công nghệ sinh học TPHCM. Trao đổi nhanh với PV, TS Đinh Minh Hiệp cho biết: Ngành Nấm Việt Nam đang đứng trước vô vàn khó khăn và thách thức, có thể nói với những hình thức sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, tình hình tiêu thụ vẫn ở dạng trao đổi, nguồn giống chủ yếu từ ngoại lai và khó khăn hơn cả là về công tác bảo quản sản phẩm. Chính vì những lẽ đó nên những người làm khoa học như chúng tôi rất trăn trở. Nắm bắt được xu thế đó nên chúng tôi cũng đưa ra rất nhiều những đề án xây dựng và nghiên cứu phát triển ngành nấm. Đặc biệt chúng tôi đang trong bước đầu chuẩn bị để thành lập trung tâm giống nấm cấp 1. Việc hình thành trung tâm này góp phần thay đổi tập quán sản xuất và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm, ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động thị trường hơn.
TS Đinh Minh Hiệp trả lời phỏng vấn với PV
Phát biểu trong hội thảo, TS Phạm S cho biết: Ở Lâm Đồng nghề trồng nấm hình thành từ 4 thập kỷ trước, đang tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều gia đình trên địa bàn, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Xuất phát từ yêu cầu hội nhập quốc tế, trong những năm qua tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư nghiên cứu các đề tài khoa học có tính thực tiễn cao, đề xuất thực hiện dự án cấp tỉnh và cấp nhà nước về nấm. Để khai thác lợi thế tiềm năng phát triển bền vững cho ngành nấm, Lâm Đồng đã đề xuất chiến lược và hàng loạt những giải pháp để xây dựng Lâm Đồng trở thành một trong những Trung tâm nấm của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
TS Phạm S phát biểu trong hội thảo
Trong khuôn khổ hội thảo, Thầy Nguyễn Khoa Trưởng: Phó trưởng khoa sinh học trường ĐH Đà Lạt cho biết: Việc kết nối giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nhà nông chính là cơ hội tốt cho ngành nấm Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên thách thức lớn nhất chính là thị trường đầu ra cho sản phẩm nấm. Khoa sinh học trường ĐH Đà Lạt dưới vai trò là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học hết sức ủng hộ về các đề án định hướng phát triển ngành nấm theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Lê Hoàng Tuấn – GĐ Công Ty Nấm Phương Đông, Trưởng ban tổ chức tặng hoa cho khách mời
Để đưa các chương trình tham luận đến gần thực tiễn, Ban tổ chức chương trình hội thảo cũng tổ chức đi tham quan các cơ sở nuôi trồng nấm tại huyện Đức Trọng và huyện Đơn Dương – nơi có những trang trại nấm được xem là quy mô nhất tỉnh Lâm Đồng./.
Bình luận