Hợp tác nhân lực giữa FLC - huyện Vĩnh Tường - Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên
Lễ ký kết có sự tham gia của đại diện lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Tường, Tập đoàn FLC và Trường Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên. Đây là chương trình hợp tác có sự kết hợp giữa ba bên là cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị đào tạo và doanh nghiệp, nhằm mục đích hỗ trợ tạo việc làm cho nguồn lao động địa phương, đáp ứng nhu cầu nhân sự của doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho biết, tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, Khu Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Vĩnh Phúc (giai đoạn II) được đưa vào vận hành từ tháng 03/2016 đã đón tiếp hàng chục ngàn lượt du khách trong nước và quốc tế.
Khu Đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường (giai đoạn II) - được triển khai trên diện tích gần 250ha, bao gồm các hạng mục lớn như: Học viện golf, khu tâm linh, khu công viên giải trí theo mô hình Disneyland, khu vườn thú tự nhiên và khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao... Khi đi vào khai thác vận hành, dự án ước tính sẽ tạo cơ hội việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 4.000 lao động địa phương.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC phát biểu tại Lễ ký kết |
“Sự hợp tác này sẽ mở ra phương thức mới để phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đào tạo lao động địa phương, định hướng nghề nghiệp cho các em sinh viên, phù hợp với chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang du lịch, dịch vụ của huyện Vĩnh Tường nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung”, bà Hương Trần Kiều Dung nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Việt Cường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường nhận định, Tập đoàn FLC đã đóng góp rất lớn cho việc ghi danh các điểm đến tiềm năng của Việt Nam trên bản đồ du lịch, trong đó có huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
“Huyện Vĩnh Tường đặc biệt mong mỏi sự mở rộng giai đoạn II của dự án này để giúp tỉnh nâng tầm dấu ấn du lịch”, ông Trần Việt Cường chia sẻ, nhấn mạnh đây là hướng đi đúng đắn nhất để cải thiện kinh tế địa phương.
Theo thông tin từ ông Trần Việt Cường, mật độ dân số tại huyện Vĩnh Tường cao gấp 1,8 lần so với tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng mật độ canh tác đất của người dân có những nơi chỉ đạt 0,3 sào/người, như xã Chấn Hưng.
“Với mật độ, cơ cấu đất canh tác như vậy, không thể làm giàu từ nông nghiệp được. Nếu không chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, du lịch, chúng ta sẽ tụt hậu rất xa, chỉ cần so với các huyện khác trong Tỉnh thôi, chứ chưa nói đến phạm vi cả nước”, ông Trần Việt Cường lưu ý.
Ông Cường cho biết sắp tới đây, huyện Vĩnh Tường sẽ có thêm nhiều chính sách để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, song song với việc chuyển đổi hình thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang tập trung, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái.
Theo kế hoạch, thỏa thuận kéo dài 5 năm, từ năm 2017–2022, sẽ giải quyết được công ăn việc làm cho 4.000 lao động tại Huyện Vĩnh Tường cho giai đoạn II dự án - Khu Đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường. Thỏa thuận sẽ mở ra một giai đoạn hợp tác mới giữa các bên, đóng góp vào công cuộc phát triển nguồn nhân lực và kinh tế của địa phương./.
Bình luận