Phát triển nhân lực công nghệ thông tin phục vụ xây dựng đô thị thông minh Hà Nội
Tóm tắt
Thực hiện Quyết định số 950/QĐ-TTg, ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, thì việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) để phục vụ xây dựng đô thị thông minh hiện nay đang đặt ra rất cấp thiết. Thủ đô Hà Nội cũng đang triển khai thực hiện xây dựng đô thị thông minh, đồng thời đẩy mạnh phát triển nhân lực CNTT phục vụ cho nhu cầu này. Do vậy, nghiên cứu phát triển nhân lực CNTT phục vụ xây dựng đô thị thông minh của Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa thiết thực.
Từ khóa: đô thị thông minh, công nghệ thông tin, nhân lực, Cách mạng công nghiệp 4.0
Summary
In the implementation of Decision No. 950/QD-TTg, dated August 1, 2018 of the Prime Minister approving the Project on sustainable smart city development in Vietnam for the period 2018- 2025 with a vision to 2030, the development of information technology (IT) human resources to serve the construction of smart cities is now very urgent. Hanoi capital is also implementing the construction of smart city, and at the same time promoting the development of IT human resources to serve this demand. Because of this, researching and developing IT human resources for the construction of smart cities in Hanoi capital has practical significance.
Keywords: smart city, information technology, human resources, the Fourth Industrial Revolution
THỰC TRẠNG NHÂN LỰC CNTT CỦA HÀ NỘI
Kết quả đạt được
Nhằm đảm bảo tính bền vững của quá trình đô thị hóa, đồng thời giải quyết những vấn đề, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị nêu trên, các cấp chính quyền TP. Hà Nội đã và đang tập trung thực hiện Chương trình số 03-CTr/TƯ, ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng, nhằm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn...
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nhấn mạnh việc xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Hiện nay, Thành phố đã và đang tích cực triển khai, hiện đã có những kết quả bước đầu trong việc xây dựng, triển khai các khu đô thị thông minh, như: dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park tại quận Nam Từ Liêm; dự án đầu tư xây dựng khu đô thị tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm, huyện Đông Anh; dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh.
Để phục vụ cho việc xây dựng đô thị thông minh tại Hà Nội, nguồn nhân lực CNTT đóng vai trò rất quan trọng. Về nhân lực công nghệ, Hà Nội có lợi thế khi nhiều doanh nghiệp công nghệ số có mặt trên địa bàn. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2021, đã có hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, nâng tổng số doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động lên hơn 58.000 đơn vị. Trong đó phần lớn nằm trên địa bàn Hà Nội và một số thành phố lớn khác (Việt Nga, 2021).
Hiện nay, nhân lực CNTT của Hà Nội có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2019-2021. Tổng hợp số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và Cục Thống kê TP. Hà Nội cho thấy, nếu như năm 2019, nguồn nhân lực CNTT của Hà Nội là 120.600 người, thì đến năm 2021 đã tăng lên là 149.800 người.
HÌNH: TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN CỦA NHÂN LỰC CNTT CỦA HÀ NỘI
Đơn vị tính: %
Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội |
Bên cạnh đó, trình độ nhân lực CNTT của Hà Nội cũng ngày càng được cải thiện, theo đó có sự chuyển dịch cơ cấu là tăng trình độ đại học, sau đại học và giảm dần trình độ trung cấp. Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, nhân lực CNTT có trình độ đại học trở lên năm 2019 là 59.818 người, chiếm 49,6% tổng số nhân lực CNTT; năm 2020 con số này tăng lên 69.754 người, tỷ trọng tăng lên mức 50,4%; năm 2021 con số này tiếp tục tăng lên 77.506 người, tỷ trọng cũng tăng lên mức 51,8%. Trong khi đó, nhân lực CNTT có trình độ cao đẳng và tương đương của Hà Nội cũng dao động với con số lần lượt qua các năm 2019: trên 24.500 người, năm 2020 là trên 35.000 người và năm 2021 là trên 38.400 người. Ngược lại, nhân lực CNTT có trình độ trung cấp và tương đương giảm mạnh về tỷ trọng, từ con số 25,4% năm 2019, xuống 23,3% năm 2020 và 24,4% năm 2021 (Hình).
Về hệ thống đào tạo nhân lực CNTT trên địa bàn Thủ đô, cũng theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thì hệ thống cơ sở đào tạo ngành CNTT trên địa bàn Hà Nội hiện nay gồm có: i) Kỹ sư CNTT (hệ 5 năm): 7 trường; ii) Cử nhân CNTT (hệ 4 năm): 26 trường; Cao đẳng: 19 trường. Các cơ sở đào tạo đại học về nhân lực CNTT có số lượng sinh viên đông đảo có thể kể đến là: Trường Đại học FPT; Học viện Công nghệ, Bưu chính viễn thông, Đại học Bách khoa…
Một số khó khăn, hạn chế
Nhìn chung, chất lượng nguồn nhân lực CNTT của Thành phố chưa cao, vẫn còn số lượng lớn lực lượng lao động tay nghề thấp, thiếu kỹ năng ứng dụng thực tế. Đó là do chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp còn nhiều hạn chế, đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Quy mô đào tạo nhân lực CNTT và chất lượng đào tạo CNTT của các cơ sở đào tạo trên địa bàn chưa đáp ứng dược nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Chính sách phát triển nguồn nhân lực nói chung và CNTT nói riêng có khá nhiều, nhưng manh mún, chưa đồng bộ hoặc chưa sát với thực tiễn nên hiệu quả thực thi không cao, nhất là chính sách sử dụng nhân lực. Đầu tư phát triển hạ tầng CNTT (cả phần cứng và phần mềm) còn manh mún, dàn trải giữa các sở, ban, ngành, nên hiệu quả đầu tư và hiệu quả sử dụng hạ tầng chưa cao.
Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực CNTT vào các cơ quan hành chính nhà nước của Hà Nội phải tuân thủ các chính sách tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức chung của cả nước, trong khi đó, các chính sách này ở tầm quốc gia đang có những hạn chế, chưa kịp điều chỉnh, xây dựng trong bối cảnh mới đã cản trở đến xây dựng cơ chế, chính sách riêng của Thành phố. Ngoài ra, Hà Nội chưa có chính sách vượt trội về thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ nhân lực CNTT cũng như nhóm nhân lực chất lượng cao. Nguồn lực để triển khai thực hiện các chính sách, nhất là chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực CNTT chưa đảm bảo, chưa kịp thời dẫn đến tính khả thi của chính sách không cao.
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT
Nhằm phát triển nguồn nhân lực CNTT của Hà Nội nói chung, cũng như để phục vụ cho nhu cầu xây dựng đô thị thông minh, tác giả xin đề xuất một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả chính sách sử dụng, phát triển nhân lực CNTT phục vụ xây dựng đô thị thông minh của Thủ đô Hà Nội. Cụ thể cần:
Một là, nghiên cứu, xây dựng, ban hành sớm cơ chế ưu đãi, chế độ đặc thù nhằm thu hút các chuyên gia công nghệ giỏi; nghiên cứu, đề xuất việc áp dụng mức lương, phụ cấp hợp lý đối với đội ngũ chuyên trách CNTT nhằm tạo động lực cho nhân lực chất lượng cao yên tâm và nỗ lực cống hiến.
Hai là, thu hút nhân lực CNTT trình độ cao từ nước ngoài thông qua việc nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí và tạo thuận lợi về thủ tục xuất/nhập cảnh, visa, giấy phép lao động.
Ba là, đẩy mạnh công tác tạo động lực thông qua cơ hội thăng tiến trong công việc. Mạnh dạn sử dụng, giao trọng trách, nhiệm vụ lớn và tạo điều kiện để nhân lực thử thách trong môi trường sáng tạo và đem sức lực, trí tuệ cống hiến cao nhất, tốt nhất, tương xứng với tài năng của mình.
Bốn là, nhân lực CNTT cần được ưu đãi đặc biệt về điều kiện làm việc (như phòng thí nghiệm, thư viện, internet, phương tiện đi lại…), được đầu tư trang thiết bị cho phòng thí nghiệm hiện đại hoặc được sử dụng miễn phí các phòng thí nghiệm trọng điểm của Hà Nội.
Năm là, ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước, huyđộng ngân sách của Hà Nội, các nguồn lực xã hội để sớm thực hiện chính.
Sáu là, cần có chính sách phù hợp khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong phát triển nhân lực CNTT ở TP. Hà Nội, cụ thể là: hoạt động đào tạo, tiếp nhận, bồi dưỡng, sử dụng nhân lực CNTT.
Thứ hai, cần có cơ chế và chính sách đủ mạnh, đột phá tăng cường nguồn lực tài chính cho đào tạo nhân lực CNTT phục vụ xây dựng đô thị thông minh. Theo đó, Thành phố cần có đề án tổng thể bố trí ngân sách nhà nước cho đào tạo nhân lực CNTT phục vụ cho xây dựng đô thị thông minh. Bảo đảm nguồn lực tài chính đủ lớn cho lĩnh vực này ở cả cấp Thành phố, cấp quận/ huyện và hỗ trợ cho các xã/phường trên địa bàn. Sở Tài chính cần tham mưu cho HĐND, UBND Thành phố phân bổ và sử dụng hợp lý ngân sách nhà nước dành cho phát triển nhân lực CNTT của Hà Nội đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030.
Đồng thời, cần đa dạng hóa huy động các nguồn vốn cho đầu tư nhân lực CNTT, cụ thể là: (i) Trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo CNTT; (ii) Hình thành các quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực CNTT; (iii)Tăng cường đàm phán, vận động và xúc tiến đầu tư để thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài
Thứ ba, cần có chương trình tín dụng ưu đãi đầu tư nhân lực CNTT. Chính sách tín dụng ưu đãi cụ thể này nên dành cho các đối tượng sau:
i) Người tham gia các khóa đào tạo CNTT từ cao đẳng đến đại học, thuộc gia đình nông thôn, gia đình chính sách, gia đình có thu nhập trung bình, được vay đóng học phí và một phần chi phí sinh hoạt, với lãi suất tương đương lãi suất ưu đãi mua nhà ở xã hội.
ii) Các cơ sở đào tạo CNTT, được vay ưu đãi đầu tư máy móc, công nghệ, phòng học và thiết bị có liên quan. Ưu đãi với thời gian cho vay dài, lãi suất cũng ở mức nói trên.
Thứ tư, rà soát, sắp xếp các cơ sở đào tạo trên địa bàn. Theo đó, TP. Hà Nội cần sớm rà soát, sắp xếp cơ sở đào tạo do Thành phố quản lý. Nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo có chuyên ngành CNTT đa cấp trình độ đào tạo. Khuyến khích thành lập các trường tư thục và trường có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hình thành các cơ sở đào tạo chất lượng cao về CNTT.
Bên cạnh đó, phát triển đội ngũ giảng viên có chát lượng cao về CNTT. Đào tạo, bồi dưỡng giảng viên CNTT cần theo chuẩn ở các cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kỹ sư, cử nhân, nghệ nhân, người có kỹ năng nghề cao đã làm việc tại doanh nghiệp CNTT về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm trở thành nhà giáo đào tạo về CNTT trong các nhà trường. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo CNTT. Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ tiếng Anh cho các nhà giáo dạy các chương trình CNTT được đầu tư ở cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế.
Thứ năm, đổi mới và thường xuyên cập nhật nội dung chương trình đào tạo CNTT. Cụ thể là:
- Các cơ sở đại học, cao đẳng trên địa bàn chủ động xây dựng chương trình đào tạo theo hướng hình thành và phát triển kỹ năng về CNTT, chứ không chỉ trang bị kiến thức thuần túy, trên cơ sở chuẩn đầu ra, có sự tham gia của doanh nghiệp CNTT.
- Tích hợp các nội dung đào tạo một cách hợp lý về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp trong chương trình đào tạo CNTT; mở rộng việc xây dựng chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên theo mô đun để đáp ứng nhu cầu phổ cập CNTT cho mọi đối tượng của Thành phố.
- Chương trình đào tạo CNTT phải đảm bảo nguyên tắc liên thông.
- Thực hiện chuyển giao chuyển giao đồng bộ các bộ chương trình cấp độ quốc tế trên cơ sở đánh giá quá trình thí điểm triển khai trong giai đoạn vừa qua đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
- Xây dựng các bộ chương trình tiếng Anh chuyên ngành CNTT cho nhóm nghề trọng điểm cấp độ quốc gia và quốc tế./.
TS. TRẦN ĐÌNH NAM
Phó Viện trưởng - Phụ trách Viện Kinh tế Bưu điện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 11 - tháng 4/2023)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Cục Thống kê Hà Hội (2020-2023), Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2019 đến năm 2022.
3. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội (2020-2023), Báo cáo tổng kết hoạt động thông tin và truyền thông trên địa bàn Hà Nội các năm, từ năm 2020 đến năm 2022.
4. Việt Nga (2021), Tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, truy cập từ http://www.hanoimoi. com.vn/ban-in/Oto-xemay/1010923/tao-nguon-nhan-luc-cho-chuyen-doi-so.
Bình luận