Từ khóa: nhân lực, công nghệ cao, công nghiệp, Việt Nam

Summary

It can be affirmed that technology together with high-quality human resources is a decisive factor for long-term growth, promoting creativity and application of high technology in order to develop high technology industries, contributing to sustainable socio-economic development in our country today. However, in fact, the development of high technology human resources in Vietnam still has many limitations and inadequacies. The article analyzed some limitations and proposed some solutions to develop high technology human resources in Vietnam today.

Keywords: human resources, high technology, industry, Vietnam

GIỚI THIỆU

Phát triển công nghiệp CNC đã được Đảng và Nhà nước quan tâm trong những năm gần đây bằng việc ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đầu tư nhằm đảm bảo phát triển bền vững ở Việt Nam. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phát triển công nghiệp CNC ở Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt là ở vấn đề phát triển nhân lực CNC. Thực trạng này đòi hỏi phải có nghiên cứu nhằm đề xuất những giải pháp để nâng cao chất lượng nhân lực CNC, nhằm đáp ứng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

THỰC TRẠNG NHÂN LỰC CNC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Theo quy định tại Luật Công nghệ cao (năm 2008), thì nhân lực CNC được hiểu “đội ngũ những người có trình độ và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng CNC, dịch vụ CNC, quản lý hoạt động CNC, vận hành các thiết bị, dây chuyền sản xuất sản phẩm CNC”. Trong cơ cấu nhân lực CNC, những chuyên gia, nhà khoa học… chỉ chiếm khoảng từ 5%-10%, còn lại là công nhân, kỹ thuật viên, lao động phổ thông. Trong những năm gần đây, phát triển nhân lực CNC ở Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định. Nhân lực CNC ở Việt Nam phát triển gắn liền với các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước và một số chương trình kinh tế kỹ thuật với mục tiêu nghiên cứu ứng dụng, tiếp thu để tiến tới làm chủ các công nghệ nhập tiên tiến, sáng tạo công nghệ trong nước phục vụ các ngành kinh tế quốc dân. Hiện nay, nhân lực CNC ở Việt Nam phát triển chủ yếu ở 4 lĩnh vực CNC mà Việt Nam đang ưu tiên, đó là: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và tự động hóa và tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp, dự án phát triển công nghiệp CNC. Tính đến tháng 12/2022, có 56 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp CNC và 26 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm CNC (Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, 2022). Một số tỉnh/thành phố đã bước đầu hình thành nên đội ngũ nhân lực CNC đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp CNC, như: TP. Hồ Chí Minh; TP. Hà Nội; Tỉnh Bắc Ninh; Tỉnh Thái Nguyên... Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là địa phương điển hình trong phát triển nhân lực CNC ở khu công nghệ cao Thành phố (SHTP), còn tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, thì có nhân lực CNC tập trung ở những dự án có vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn, nổi bật là các dự án của Tập đoàn Samsung. Đội ngũ nhân lực CNC phát triển đã góp phần cho Việt Nam đã làm chủ được một số CNC trong các lĩnh vực điện tử-tin học-viễn thông, thăm dò khai thác dầu khí, công nghệ tạo giống cây trồng vật nuôi, y tế…

Tuy nhiên, phát triển công nghiệp CNC ở Việt Nam hiện nay còn gặp phải nhiều vấn đề vướng mắc và trên thực tế hiệu quả chưa cao, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng đất nước, đặc biệt là nhân lực CNC đang yếu và thiếu rất nhiều. Cụ thể là:

Thứ nhất, chưa đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực công nghiệp CNC. Hàng năm, nguồn nhân lực công nghệ thông tin được đào tạo từ hệ thống các trường đại học, cao đẳng trong nước đã không đủ để đáp ứng cho các doanh nghiệp trong nước, trong khi nguồn nhân lực chất lượng cao lại luôn bị nước ngoài thu hút. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng hơn 50 nghìn kỹ sư công nghệ thông tin ra trường và có khoảng 12 nghìn nhân lực công nghệ thông tin được đào tạo từ hơn 400 trường đào tạo nghề bậc cao đẳng và trung cấp. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% trong số nhân lực đó đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp (Ninh Cơ, 2023). Trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam không ngừng tăng cao. Tuy nhiên, theo một số khảo sát cho thấy, nhân lực ngành công nghệ thông tin đang thiếu hụt khá lớn, riêng năm 2021 thiếu khoảng 20 nghìn nhân lực. Trong khi đó, Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 đạt ít nhất 100 nghìn doanh nghiệp công nghệ số và có 1,5 triệu nhân viên trong lĩnh vực kỹ thuật số (theo Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030).

Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) - công nghệ được xác định là “trái tim” của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và là điều kiện không thể thiếu để đưa Việt Nam trở thành quốc gia số cũng đang thiếu hụt về số lượng. Trong số 400.000 nhân sự công nghệ thông tin trong nước, mới chỉ có khoảng 4.000 người tương đương với 1% có cơ hội tiếp cận và được đào tạo chuyên môn về lĩnh vực AI (Hà Thanh, 2021). Trong khi ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, AI đang là công nghệ cốt lõi trong nhiều lĩnh vực, như: công nghệ tài chính, ngân hàng, y tế, AI cũng là yếu tố quyết định để tạo ra các dịch vụ, sản phẩm mới và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu không bù đắp được lượng nhân sự chất lượng cao cho AI, rất có thể Việt Nam sẽ lại một lần nữa lệ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài.

Cùng với công nghệ thông tin, công nghệ sinh học được coi là làn sóng thứ 5 trong lịch sử phát triển của khoa học và công nghệ. Bên cạnh những thành tựu trong những năm gần đây như: số lượng các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ sinh học đã có sự phát triển nhanh chóng với quy mô ứng dụng và trình độ công nghệ ngày càng cao..., thì nhân lực chất lượng cao cho nghiên cứu, phát triển công nghệ, quản lý và sản xuất, kinh doanh công nghệ sinh học còn nhiều hạn chế. Nguồn nhân lực công nghệ sinh học của Việt Nam đang đi sau hàng chục năm so với nhiều nước đang phát triển. Theo các chuyên gia thì Việt Nam đang thiếu các cán bộ đầu đàn giỏi, xứng tầm để điều khiển dàn nhạc công nghệ sinh học nông nghiệp một cách nhịp nhàng, giải quyết được những hạn chế, tồn tại mà lĩnh vực công nghệ sinh học đang gặp phải, mặc dù mạng lưới các phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học được thành lập ở nhiều nơi, nhưng vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu và ứng dụng.

Thứ hai, không chỉ thiếu hụt về số lượng, vấn đề chất lượng nhân lực CNC cũng là thách thức lớn trong quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay. Theo thống kê của Tập đoàn Công nghệ CMC, nhu cầu về nguồn nhân lực số rất cao, nhưng các trường đại học chưa đáp ứng được, về số lượng, thực tế mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu, còn chất lượng chỉ đáp ứng 30% yêu cầu. Năm 2021, bất chấp dịch Covid-19, nhu cầu nhân lực của Samsung vẫn rất cao. Tập đoàn này đề nghị CMC cung ứng đến hàng nghìn nhân sự. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 30% nhân lực đạt yêu cầu do Samsung đề ra (Hiền Minh, 2022). Điều này cho thấy, chất lượng nhân lực số của Việt Nam còn thiếu và yếu.

Thứ ba, cơ cấu nhân lực CNC còn bất hợp lý. Nhân lực CNC chủ yếu ở 1 số ngành như công nghệ thông tin, công nghiệp sản xuất thiết bị tự động hóa, còn 2 ngành còn lại số lượng là rất ít. Đồng thời, nhân lực CNC tập trung chủ yếu ở một số doanh nghiệp có quy mô lớn của nước ngoài và ở một số địa phương trong nước. Điều này được phản ánh thông qua thực trạng của các tổ chức hoạt động CNC ở Việt Nam. Quy mô các tổ chức hoạt động CNC trong nước là rất nhỏ so với quy mô các tổ chức hoạt động CNC nước ngoài. Các doanh nghiệp CNC có vốn đầu tư nước ngoài với quy mô cũng không lớn nếu so với 2 doanh nghiệp CNC của Tập đoàn Samsung. Số lượng doanh nghiệp công nghiệp CNC của bản thân Việt Nam là rất ít và phần lớn sản phẩm tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất phần mềm (ngoại trừ Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh - SHTP). Tính đến cuối năm 2022, theo số liệu Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, ở Việt Nam mới có 82 tổ chức hoạt động CNC được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận, trong đó chỉ tập trung ở 17 tỉnh, thành và chủ yếu phát triển ở tỉnh/thành như: Bắc Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…, các địa phương còn lại chưa có tổ chức hoạt động CNC nào được Bộ này cấp giấy chứng nhận.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực gắn với phát triển kinh tế - xã hội đất nước, xây dựng nguồn nhân lực CNC có đủ về số lượng, chất lượng cao và cơ cấu hợp lý, cần tập trung thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:

Một là, đổi mới mạnh mẽ phương thức đào tạo của các trường đại học và trung tâm đào tạo, đặc biệt là hệ thống trường đào tạo lĩnh vực CNC với mục tiêu hướng tới tăng số lượng, đảm bảo chất lượng đào tạo tiệm cận chuẩn quốc tế đối với các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển CNC. Theo đó, trong công tác tuyển sinh, cần đào tạo, bổ sung cử nhân, kỹ sư chuyên ngành công nghệ thông tin hàng năm, thu hút sinh viên giỏi theo học các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển CNC; Điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo ở bậc sau đại học, đại học và dạy nghề về các công nghệ số; Triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật, kinh doanh...; Đổi mới công tác đào tạo đại học, gắn với hợp tác, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; Thu hút nguồn lực và các bên liên quan, trong đó có các doanh nghiệp tham gia phát triển đào tạo nhân lực CNC; Xây dựng cơ chế, chính sách cho đào tạo nhân lực CNC và tạo cơ chế lan tỏa trong đào tạo nguồn nhân lực của toàn hệ thống đại học. Ðồng thời, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị đào tạo về công nghệ thông tin với các doanh nghiệp công nghệ để bảo đảm nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam gia tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng.

Hai là, đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ nhân lực cho CNC ở mỗi địa phương. Quy hoạch là công việc quan trọng để giúp cho các địa phương xác định được lộ trình, mục tiêu và bước đi cụ thể trong phát triển nhân lực CNC, trên cơ sở đó xác định kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ nhân lực CNC. Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực phải phù hợp với quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp CNC. Mỗi địa phương cần bắt đầu từ bước xác định nhu cầu, đặt trọng tâm trọng điểm cho những lĩnh vực, ngành cụ thể nào và đưa ra được cơ chế cạnh tranh, hợp tác giữa các trường, viện, doanh nghiệp, hướng tới sự gắn kết đào tạo với nghiên cứu, đào tạo với doanh nghiệp và đạt chuẩn mực trình độ cao. Theo đó, chính quyền các địa phương cần thực hiện tốt các nội dung sau: Xây dựng kế hoạch tổng thể cho phát triển nhân lực CNC ở mỗi địa phương, trong đó căn cứ vào kế hoạch phát triển các ngành CNC để xác định về số lượng, trình độ của nhân lực CNC trong từng lĩnh vực CNC khác nhau, trước mắt tập trung phát triển nhân lực CNC mà địa phương tập trung phát triển. Các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp tỉnh có thể đặt hàng các trường đào tạo trọng điểm trong một số lĩnh vực như an ninh mạng, an toàn thông tin để các trường có điều kiện đầu tư nguồn lực về con người và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, xây dựng các chuyên đề đào tạo phù hợp yêu cầu của từng nhóm đối tượng.

Trong quy hoạch, cần chú ý phát triển đội ngũ chuyên gia có trình độ cao trong các lĩnh vực CNC mà Việt Nam đang ưu tiên. Quy hoạch phát triển nhân lực CNC phải có lộ trình và bước đi cụ thể, ưu tiên nhân lực R&D. Dựa trên chương trình phát triển CNC của các tỉnh/thành mà đề ra chương trình, kế hoạch phát triển nhân lực cho CNC. Trong những năm tới, chương trình phát triển không nên dàn trải, mà cần đề ra các chương trình ngắn hạn để tập trung đào tạo nhân lực cho một lĩnh vực cụ thể trong phát triển CNC.

Ba là, tạo bước đột phá trong đổi mới và hoàn thiện về cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực CNC. Đây là một biện pháp quan trọng cần thực hiện ngay bởi nhân lực CNC là một lĩnh vực không chỉ có sự cạnh tranh giữa các địa phương trong nước với nhau, mà còn có sự cạnh tranh trong phạm vi quốc tế trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Theo đó, cần tập trung thực hiện các biện pháp cụ thể sau: Trước hết, trong công tác đào tạo cần chú trọng chính sách học bổng, học phí; cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư; các cơ sở giáo dục đào tạo đăng ký thực hiện các chương trình đào tạo nhân lực phục vụ phát triển CNC. Đồng thời, cần có chính sách đột phá trong việc thu hút những người có năng lực và nhiệt tình cống hiến cho đất nước, trong đó nguồn lực chất xám của người Việt Nam ở nước ngoài là hết sức quan trọng; Nhà nước và các chính quyền các địa phương tạo môi trường thuận lợi để nhân lực CNC phát huy trí tuệ và được cống hiến, tạo môi trường thông thoáng, lành mạnh cho các hoạt động khoa học sáng tạo, khuyến khích, ươm tạo những tài năng cho sự phát triển; Chia sẻ động lực để khuyến khích những người tài về cống hiến cho đất nước, bước đầu kinh doanh và nghiên cứu trong nước còn gặp những khó khăn nhưng với tinh thần cống hiến vì đất nước thì môi trường kinh doanh và nghiên cứu trong nước dần dần sẽ được cải thiện; Có chính sách ưu đãi về xuất - nhập cảnh, cư trú gắn với điều kiện, trình tự thủ tục đơn giản đối với trường hợp các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ nước ngoài tới làm việc tại các doanh nghiệp ở nước ta; Quan tâm, chú trọng đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, cần phát huy sức mạnh của khối liên kết viện - trường, nơi mà sản sinh ra các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam hiện nay và trong tương lai.

Bốn là, nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường nghề ở mỗi địa phương. Đây là giải pháp quan trọng và cần thiết hiện nay vì các trường nghề ở địa phương là nơi cung cấp một số lượng lớn lao động hàng năm cho các doanh nghiệp hoạt động CNC. Theo đó, cần thực hiện các biện pháp sau:

- Đối với các cấp chính quyền và cơ quan quản lý các cấp, tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách về công tác dạy nghề đã phê duyệt. Đồng thời, xem xét triển khai xây dựng bổ sung một số đề án, chính sách mới về lao động việc làm và dạy nghề cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương. Sớm ban hành quy định chế độ hỗ trợ đào tạo và sử dụng lao động đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành đối với từng dự án phát triển các ngành CNC. Thông qua việc phân tích thông tin thị trường lao động, cơ quan chức năng ở mỗi địa phương hỗ trợ thông tin cho các cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và doanh nghiệp; Nâng cao hiệu quả các hoạt động như công tác tư vấn giới thiệu việc làm, dự báo và thông tin thị trường... nhằm hỗ trợ người lao động có thông tin đầy đủ về cung cầu lao động trong tìm kiếm việc làm.

- Đối với cơ sở đào tạo nghề, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, trong đó tập trung đầu tư các phương tiện giảng dạy hiện đại, tiên tiến, phù hợp với xu thế hiện nay. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên dạy nghề, đổi mới chương trình, giáo trình giảng dạy theo xu hướng giảm dạy những kiến thức hàn lâm, tăng cường dạy thực hành, thường xuyên cập nhật những kiến thức mới, ngoài chuyên môn cần chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho người lao động. tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất... Đồng thời, các trường nghề cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp thực hiện đào tạo kép gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp./.

TS. Phùng Văn Như, TS. Lại Trần Tùng

Học viện Kỹ thuật Quân sự

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 14, tháng 5/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Hoàng Đức (2021), Phát triển nhân lực chất lượng cao ngành công nghệ sinh học, truy cập từ https://nhandan.vn/phat-trien-nhan-luc-chat-luong-cao-nganh-cong-nghe-sinh-hoc-post673750.html.

3. Hà Thanh (2021), Ngành công nghệ thông tin: Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, truy cập từ https://kinhtedothi.vn/nganh-cong-nghe-thong-tin-thieu-hut-nhan-luc-chat-luong-cao.html.

4. Hiền Minh (2022), Cần thí điểm đại học số để có nhân lực CNTT chất lượng cao, truy cập từ https://baochinhphu.vn/can-thi-diem-dai-hoc-so-de-co-nhan-luc-cntt-chat-luong-cao-102220427163127007.htm.

5. Ninh Cơ (2023), Phát triển nhân lực công nghệ chất lượng cao, truy cập từ https://nhandan.vn/phat-trien-nhan-luc-cong-nghe-chat-luong-cao-post690736.html.

6. Quốc hội (2008), Luật Công nghệ cao, số 21/2008/QH12, ngày 13/11/2008.

7. Thủ tướng Chính phủ (2010), Quyết định số 2457/QĐ-TTg, ngày 31/12/2010 về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2010.

8. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

9. Lại Trần Tùng (2023), Một số vấn đề về phát triển công nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 04.

10. Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ (2022), Danh sách các tổ chức được chứng nhận là tổ chức hoạt động công nghệ cao.