IFC tìm kiếm cơ hội tham gia thị trường trái phiếu xanh Việt Nam
Ông Kyle Kelhofer tin tưởng, trái phiếu xanh sẽ mở ra kênh huy động vốn mới cho các dự án đầu tư dài hạn trong lĩnh vực hạ tầng và năng lượng tái tạo
Quốc tế đã phát triển thị trường trái phiếu xanh 500 tỷ USD
Theo ông Kyle Kelhofer, việc phát triển trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững sẽ góp phần mở rộng nguồn vốn hỗ trợ quá trình hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững của Việt Nam.
Tại sự kiện ra mắt “Sổ tay Hướng dẫn trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững” do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa tổ chức, lãnh đạo UBCK cho biết, trong những năm gần đây, sự phát triển của thị trường trái phiếu dán nhãn, đặc biệt là trái phiếu xanh, đã thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư quốc tế. Cộng đồng nhà đầu tư tổ chức (công ty quản lý quỹ hưu trí, công ty quản lý tài sản, cá nhân có tài sản lớn) với danh mục đầu tư lớn, bao gồm cả nhà đầu tư có mục tiêu liên quan đến bền vững, đang ngày càng tìm kiếm các cơ hội đầu tư xanh và các-bon thấp từ các thị trường đang phát triển. Theo báo cáo gần đây của IFC, giá trị phát hành trái phiếu xanh năm 2019 ở các thị trường đang phát triển đạt 52 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2018, góp phần đưa tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh ở các thị trường này lên 168 tỷ USD.
Ngay cả trong giai đoạn đại dịch COVID-19, nhu cầu về trái phiếu xanh, xã hội và bền vững tiếp tục đạt mức đặt mua cao kỷ lục. Theo một báo cáo khác đầu năm 2021 của Moody's, tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững đạt mức kỷ lục 491 tỷ USD và có thể tiếp tục hướng tới một đỉnh cao mới vào năm 2021 - ước tính sẽ là 650 tỷ USD, trong đó 375 tỷ USD từ trái phiếu xanh, 150 tỷ USD từ trái phiếu xã hội và 125 tỷ USD từ trái phiếu bền vững.
Ông Phạm Hồng Sơn tin rằng, việc hình thành các sản phẩm trái phiếu xanh sẽ giúp TTCK Việt Nam phát triển vững vàng hơn
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch, UBCKNN nhấn mạnh “Sổ tay hướng dẫn này sẽ giúp các thành viên thị trường hiểu rõ thông lệ quốc tế và khu vực về cách thức phát hành, quản lý nguồn vốn cho các dự án xanh và công bố thông tin về môi trường và xã hội của doanh nghiệp mình. Đây là bước đi quan trọng, giúp phát triển doanh nghiệp theo hướng vững chắc hơn, góp phần xây dựng thị trường chứng khoán ngày một bền vững hơn thông qua việc phát triển các sản phẩm xanh trên thị trường”.
Cuốn sổ tay, kết quả hợp tác cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC và Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu, với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ, nhằm hướng dẫn các tổ chức phát hành và các thành viên thị trường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực ASEAN cũng như các quy định của Việt Nam về trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững. Hướng dẫn này là công cụ hữu ích hỗ trợ việc huy động các nguồn lực từ thị trường vốn trong nước và quốc tế cho các dự án bền vững và thân thiện với môi trường - xã hội.
Là thành viên của Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF), UBCK đã tích cực tham gia thúc đẩy các Tiêu chuẩn Trái phiếu Xanh ASEAN (AGBS), Tiêu chuẩn Trái phiếu Xã hội ASEAN (ASBS) và Tiêu chuẩn Trái phiếu Bền vững ASEAN (ASUS), dựa trên các nguyên tắc Trái phiếu Xanh, nguyên tắc Trái phiếu Xã hội và Hướng dẫn về Trái phiếu Bền vững của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA), nhằm tạo ra một loại tài sản bền vững ở Việt Nam.
Cùng với việc ra mắt cuốn sổ tay hướng dẫn này, UBCK cho biết, sẽ tổ chức một chương trình đào tạo tại Hà Nội và TP. HCM để cung cấp những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích cho các thành viên thị trường, đặc biệt là các tổ chức phát hành.
Kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm có trái phiếu doanh nghiệp xanh
Một nghiên cứu của Ths. Quản Thu Trang cho biết, từ năm 2012, Việt Nam đã có định hướng về tài chính xanh và sản phẩm tài chính xanh cho thị trường chứng khoán Việt Nam để tạo nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh. Định hướng này được đề cập trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn năm 2050 (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012).
Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020” và được Bộ Tài chính tiếp tục triển khai ban hành Kế hoạch hành động ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 (Quyết định số 2183/QĐ-BTC tháng 10/2015) nhằm xây dựng, hoàn thiện khung chính sách tài chính, phát triển thị trường vốn xanh.
Cuối năm 2015, trên khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã xây dựng Đề án Phát triển thị trường trái phiếu xanh.
Năm 2017, Chính phủ ban hành lộ trình phát triển thị trường trái phiếu năm 2017-2020, tầm nhìn năm 2030 (Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017) quy định cơ chế và chính sách phân phối thị trường trái phiếu xanh nhằm mục đích cho phép tổ chức phát hành huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu để thực hiện các dự án xanh.
Tháng 8/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Một trong những mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh…
Trong những năm gần đây, các bộ, ngành đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu xanh như hướng dẫn các doanh nghiệp công bố thông tin, cung cấp tính minh bạch về các hoạt động tài chính xanh và khuyến khích doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán để thực hiện các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên với các nội dung về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam mới thực hiện một số chương trình phát hành trái phiếu xanh mang tính thí điểm, chưa thực hiện phát hành trái phiếu xanh chính thức.
Theo tìm hiểu của Kinh tế và Dự báo, cho đến nay, Việt Nam mới có hai địa phương triển khai thí điểm phát hành trái phiếu xanh là TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 2016-2017. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương xanh cho 34 dự án, trong đó, lập danh mục 11 dự án dựa trên “Danh mục dự án xanh” do Ngân hàng Nhà nước ban hành; Bà Rịa - Vũng Tàu phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu xanh, với kỳ hạn 5 năm cho 8 dự án. Chưa có doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu xanh để gọi vốn./..
Bình luận