IIP tháng 8 tăng 2,9%
Theo báo cáo Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 năm 2023 vừa công bố hôm nay (ngày 29/8) của Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng năm 2023, IIP ước tính giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,2%).
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 10,1%), làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,7%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 2,5%, làm giảm 0,4 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. |
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kết quả sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn chậm và chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ.
Bộ Công Thương dự báo 6 tháng cuối năm 2023, các ngành công nghiệp trong nước sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Trên thế giới, tình hình kinh tế - chính trị vẫn còn nhiều yếu tố phức tạp, đặc biệt là căng thẳng giữa các quốc gia lớn; kinh tế toàn cầu vẫn đang ở giai đoạn khó khăn.
Trong nước, sức mua dự kiến vẫn sẽ chậm hồi phục; việc tiếp cận và sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp vẫn sẽ còn rất khó khăn do lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào như logistics, nguyên vật liệu… vẫn ở mức cao cùng với tình trạng thiếu hụt lao động; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng cùng với thị trường bất động sản chậm hồi phục sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan.
Trong bối cảnh đó, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các mặt công tác sau đây để góp phần tháo gỡ khó khăn, duy trì và từng bước khôi phục, phát triển các ngành công nghiệp trong các tháng cuối năm 2023, bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu năm 2023 của ngành Công Thương.
Cụ thể, Cục Công nghiệp tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Với nội dung này, Cục đặc biệt thực hiện các chính sách sau: Báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản để sớm đưa vào khai thác, chế biến và sử dụng các nguồn khoáng sản có giá trị lớn, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới; đồng thời bảo đảm tự chủ một phần nguồn cung nguyên liệu cho các ngành luyện kim, vật liệu trong nước.
Xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp trong ngắn hạn để bảo vệ thị trường trong nước cho các ngành sản xuất trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Có cơ chế tăng cường mua sắm, sử dụng hàng hóa trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu.
Sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển Công nghiệp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật giai đoạn 2023 – 2025, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, bền vững cho các hoạt động phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường, tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế.
Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm; cũng như nâng cao năng lực và sức chống chịu cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Để giúp các ngành công nghiệp khôi phục đà tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm, lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng đề xuất lãnh đạo Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành vĩ mô trong thời gian tới. Trong đó:
Sớm ổn định thị trường tài chính, trọng tâm là thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, phối hợp đồng bộ, hiệu quả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, huy động các nguồn vốn nhằm ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian sắp tới.
Quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công để tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời tạo thị trường cho các ngành công nghiệp trọng điểm như cơ khí, thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải…
Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản nhằm tạo động lực cho tiêu dùng cũng như các ngành công nghiệp xây dựng liên quan./.
Bình luận