IIP tháng đầu năm 2024 giảm 4,4% so với tháng trước
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 21,6%, đóng góp 1,9 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 7,3%, đóng góp 1,2 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước.
Ngành chế biến, chế tạo tháng 1/2024 tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước |
Trước đó, trong năm 2023, kinh tế thế giới suy giảm, cầu ở mức thấp, ảnh hưởng lớn tới các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước, dẫn đến sản xuất công nghiệp sụt giảm đáng kể và hồi phục rất chậm.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không còn duy trì được vai trò là động lực chính của tăng trưởng như các năm trước đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến chế tạo năm 2023 ước tăng 3,08%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế so với các năm trước đó.
Tính chung năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,8% so với năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,1% của năm 2022. Trong khi tỷ lệ tồn kho cao (bình quân năm 2023 là 87,5% so với mức bình quân 78,1% của năm 2022), cho thấy những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp.
Chỉ số sản xuất công nghiệp và sản lượng sản xuất của nhiều ngành công nghiệp quan trọng giảm so với cùng kỳ, như: ô tô, xe máy, thép, điện tử, điện thoại di động, giày dép da, quần áo may mặc thường...
Năng lực sản xuất công nghiệp vẫn chậm được cải thiện, chưa có nhiều biến chuyển trong việc giải quyết các điểm nghẽn vốn có của nền công nghiệp, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt.
Trong năm 2024 và thời gian tới, để phát triển ngành công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp thông qua điều hành bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách tài chính, tiền tệ, thuế, cũng như các công cụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp.
Phân bổ hợp lý các nguồn lực quốc gia từ trung ương đến địa phương để tập trung phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên như: vật liệu, cơ khí, chế tạo, chế biến, công nghiệp hỗ trợ, cũng như các ngành Việt Nam có lợi thế sử dụng lao động và xuất khẩu, như dệt may, da – giày, điện tử…
Đồng thời, phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp. Đặc biệt là phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp đất nước.
Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đặc biệt là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thúc đẩy khoa học và công nghệ, các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển cho các ngành công nghiệp. Khai thác hợp lý nguồn tài nguyên, khoáng sản để huy động nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo; bảo đảm việc bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp./.
Bình luận