JICA hỗ trợ tín dụng cho phát triển nông nghiệp ở Lâm Đồng
Nhằm chia sẻ kết quả khảo sát tại tỉnh Lâm Đồng và đưa ra giải pháp thúc đẩy tín dụng nông nghiệp bền vững, ngày 18/03, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị hướng tới tín dụng nông nghiệp bền vững tại Việt Nam từ nghiên cứu cho tỉnh Lâm Đồng.
Tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, nền nông nghiệp của Tỉnh vẫn chưa phát triển được đúng với tiềm năng do nhiều trở ngại trong tiếp cận vốn vay, dẫn đến thiếu hụt đầu tư. Giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp vẫn thấp do ngành công nghiệp chế biến kém phát triển và chưa có được chuỗi giá trị hiệu quả.
Theo ông MORI Mutsuya - Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân Việt Nam có nguyện vọng mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư trên diện tích, quy mô lớn, tuy nhiên, vấn đề gặp phải là thiếu nguồn vốn. Đặc biệt, tại tỉnh Lâm Đồng, qua khảo sát, những người nông dân chuyển từ trồng cà phê sang trồng hoa có thu nhập cao gấp 9 lần. Dù vậy, do không có đủ nguồn vốn nên nhiều nông dân không thể đầu tư nhà kính, cơ sở vật chất... để tiếp tục mở rộng sản xuất. Vì vậy, việc cung cấp dịch vụ tín dụng đảm bảo nguồn vốn cần thiết để đầu tư cơ sở thiết bị lâu dài, đẩy mạnh chuỗi giá trị nông nghiệp là điều rất cần thiết.
Để đảm bảo đạt được mục tiêu cao nhất là "Tăng cường chuỗi giá trị của nông sản", đại diện JICA đã giới thiệu, đề xuất khung Dự án tín dụng nông nghiệp mới từ trường hợp của tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Lâm Đồng sẽ là tỉnh thực hiện thí điểm ở hai sản phẩm trọng tâm gồm rau và hoa. Nếu thành công, dự án sẽ được triển khai rộng ra các địa phương khác, tập trung vào từng thế mạnh riêng.
Với Dự án tín dụng nông nghiệp trên sẽ có những điểm mới về tài sản đảm bảo với các khoản vay ưu đãi bớt điều kiện ngặt nghèo, đăng ký vay vốn với Kế hoạch kinh doanh khả thi… Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sẽ được phát triển cho từng nhóm hoạt động (sản xuất, sau thu hoạch, công tác thị trường, phân phối…). Dựa trên các tiêu chuẩn này, việc lập kế hoạch kinh doanh sẽ khả thi hơn, nhờ vậy, ngân hàng sẽ định giá tài sản đảm bảo cao hơn trong quá trình đăng ký vay vốn hoặc thanh lý, phát mãi.
Trong chương trình hỗ trợ này sẽ hướng đến những người vay là các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất quy mô vừa và lớn và có điều kiện tiếp cận tín dụng chính thức. Các hạng mục vay đủ điều kiện gồm: vốn lưu động (vay ngắn hạn dưới 01 năm) về giống, phân bón; đầu tư thiết bị (vay dài hạn 07-10 năm) sử dụng cho cải thiện mặt bằng, thiết bị sản xuất, thiết bị sau thu hoạch, dây chuyền chế biến, nhà kho, phương tiện vận chuyển… Quy mô khoản vay tối đa gồm 100 tỷ đồng cho vay dài hạn, 20 tỷ đồng cho vay ngắn hạn. Trong đó, tỷ lệ tài trợ từ khoản vay ODA tối đa 85%, từ vốn của tổ chức tín dụng tối thiểu 15%.
Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động của Dự án sẽ tạo ra cú hích thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời giúp cho tín dụng trong nông nghiệp tiếp cận được những cách làm tiên tiến. Đồng thời, đây là hướng đi mới cho việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp, tập trung vào những hộ có khả năng kinh doanh tốt.
Để thực hiện dự án thành công, đại diện của JICA cho rằng, thực hiện tín dụng nông nghiệp mới cần đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, trong đó, cần tăng cường năng lực giám sát trong sử dụng nguồn vốn. Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng kế hoạch kinh doanh mẫu, tiến hành cho vay để thử nghiệm thành công. Mặt khác, các ngân hàng cần nâng cao năng lực của bản thân trong việc thực hiện tín dụng chính sách mới./.
Bình luận