“Khác biệt tư duy quản trị và tư duy quản lý”
Việt Nam hiện có hơn 900 nghìn doanh nghiệp, trong đó, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhằm giúp các doanh nghiệp nắm bắt được tình hình sức khỏe, cũng như cải thiện sức cạnh tranh doanh nghiệp, ngày 12/10, Học viện doanh nhân CEO Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Khác biệt tư duy quản trị và tư duy quản lý”. Đây cũng là một trong những sự kiện hướng tới Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Hội thảo kết nối gần 500 doanh nghiệp trên khắp cả nước cùng nêu lên các vấn đề trọng yếu nhất; cùng chia sẻ thông tin và đưa ra những giải pháp nâng cấp quản trị tối ưu về chiến lược điều hành doanh nghiệp. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của ông Ngô Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO Việt Nam Global.
Dùng tư duy quản trị hay tư duy quản lý
Chia sẻ với phóng viên tại Hội thảo, ông Ngô Minh Tuấn cho biết, nhà quản trị ở Việt Nam chưa phân định rõ và đúng vai trò, trách nhiệm vị trí của một nhà quản trị và một nhà quản lý, dẫn đến mâu thuẫn trong cách tổ chức và vận hành doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến văn hóa doanh nghiệp.
Theo ông Tuấn, tư duy quản trị và tư duy quản lý để vận hành doanh nghiệp của nhà quản trị có sự khác biệt nhau. Về bản chất cuối cùng, tư duy quản lý biểu hiện ra bên ngoài là tìm cách tiết giảm chi phí, nhà quản lý luôn phải đi tìm tòi, quan sát, giám sát từng nhân viên, từng việc để tối ưu chi phí. Còn tư duy quản trị là chủ doanh nghiệp sẽ tìm cách đầu tư, sinh lời và hiệu quả. Họ quan tâm đến hoạch định, kiến tạo giá trị và xây luật chơi để đảm bảo giá trị đó.
Ông Ngô Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO Việt Nam Global. |
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO Việt Nam Global cho rằng, nếu chủ doanh nghiệp dùng tư duy quản lý để vận hành doanh nghiệp thì sẽ gặp phải một số vấn đề đó là, dễ chia phe phái giữa chủ doanh nghiệp và người làm việc, bởi chủ doanh nghiệp với tư duy quản lý sẽ luôn đi giám sát, tiết chế chi phí của nhân viên, làm cho nhân viên không đủ nguồn lực để làm việc, thậm chí là không đủ thu nhập để sống, dẫn đến xung đột nội bộ và làm doanh nghiệp nhỏ đi. Đồng thời, khi khối lượng công việc của nhà quản lý quá lớn và số lượng nhân viên đông lên, thì khối lượng công việc giám sát cũng tăng lên khiến cho công việc quá tải.
Ông Tuấn dẫn chứng, một doanh nghiệp nhỏ họ dùng tư duy quản lý thì chỉ bận rộn, nhưng doanh nghiệp rất khỏe vì họ thu tối đa mà chi thì tối thiểu. Nhưng khi doanh nghiệp có khát vọng lớn hơn, mở thêm xưởng, nhà máy thứ 2, thứ 3…, thì khối lượng công việc của người quản lý cũng sẽ nhiều hơn, họ không đủ thời gian để làm hết khối lượng công việc và lúc đó doanh nghiệp mất kiểm soát, rất dễ dẫn đến phá sản. Ví dụ, anh quản lý một cửa hàng chỉ có khoảng 30 nhân viên thì vẫn giám sát được. Nhưng, nếu cửa hàng tăng lên đến 60 nhân viên thì người quản không còn đủ thời gian giám sát cả 60 nhân viên này nữa, lúc đó sẽ có nhóm nhân viên này làm việc tốt thì nhóm nhân viên kia làm việc chưa tốt... Và như vậy sẽ dẫn tới mất kiểm soát, khiến doanh nghiệp bị loạn và mất hiệu quả.
“Nâng tầm dân trí Việt, doanh nhân Việt”
Theo ông Ngô Minh Tuấn, đội ngũ doanh nhân có vai trò rất lớn trong sự phát triển đất nước. Theo đó, doanh nhân có 3 đóng góp chính: Một là, dẫn dắt mọi người để tạo ra công ăn việc làm, từ đó ổn định kinh tế - xã hội, tăng thu nhập cho rất nhiều gia đình; Hai là, cung cấp nhiều dịch vụ, mang lại giá trị cho xã hội, làm cho giao thương được thuận lợi hơn; Ba là, đóng góp cho nhà nước về thuế và các nghĩa vụ khác.
Với vai trò đó, để thay đổi mới tư duy cho các chủ doanh nghiệp, đồng thời cũng là đội ngũ doanh nhân của đất nước, ông Tuấn cho rằng, toàn bộ tư duy quản trị phải bắt đầu từ kiến tạo giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, tức là từ sứ mệnh của doanh nghiệp, với sứ mệnh đó, doanh nghiệp sẽ xây dựng tiêu chí và bộ công cụ. Sau đó, sử dụng bộ công cụ đánh giá để đo lường, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu xem xét giữa lý thuyết và thực tế có phù hợp không để từ đó có những điều chỉnh thích hợp, mang lại giá trị cho doanh nghiệp và xã hội. Theo ông Ngô Minh Tuấn triết lý đó chính là “Thân - Tâm – Tuệ”.
Theo ông Ngô Minh Tuấn, cần chuyển đổi doanh nghiệp từ việc vận hành theo tư duy bắt chước sang tư duy sáng tạo để mang lại giá trị. |
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng, vấn đề lớn nhất chính là nằm ở trí tuệ con người. Theo Ông có 4 nhóm hình thái doanh nghiệp căn bản: Thứ nhất, nhóm thuần túy là vận hành giống người khác (ví dụ: họ mở tiệm cắt tóc thì tôi cũng mở tiệm cắt tóc, không tạo ra điều gì mới).
Thứ hai, nhóm công cụ là thuần túy làm việc đi gia công cho những tầng cao hơn. Với công việc này thì thu nhập của họ rất thấp.
Thứ ba, nhóm doanh nghiệp vận hành bằng tư duy. Ví dụ, một doanh nghiệp xây dựng lên toàn bộ hệ thống, quy trình vận hành và update cho đơn vị khác, bản chất của nó là làm một lần, tạo ra giá trị cho nhiều doanh nghiệp và nhiều lần đây là tầng cao hơn tầng tư duy. Thực tế việc này ở doanh nghiệp Việt Nam đang rất thiếu và chưa làm được.
Thứ tư, nhóm cao nhất là tầng tư tưởng, khi một người sáng lập ra một doanh nghiệp mang tư tưởng vì quốc gia, thì tất cả những việc họ làm sẽ tập trung hết nguồn lực cho quốc gia, để xây dựng lên một nền văn hóa và một thế hệ doanh nhân trong tương lai giàu đẹp. Đây gọi là người có tư tưởng rõ nét.
Song, hiện nay, “tại Việt Nam, tầng tư tưởng đang rất thiếu, cho nên, vai trò lớn nhất của Học viện doanh nhân CEO Việt Nam là dùng tuyên ngôn “nâng tầm dân trí Việt, doanh nhân Việt”, với mục tiêu lớn nhất là phải chuyển đổi họ từ việc vận hành doanh nghiệp theo tư duy bắt chước sang tư duy sáng tạo để mang lại giá trị. Cao hơn nữa là làm cho họ có tư tưởng vì quốc gia, vì đất nước, thay vì cá nhân nhiều hơn”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Thay đổi tư duy của doanh nghiệp
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch Học viện Nhân Hòa Việt Nam chia sẻ, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, tất cả các khóa tại Học viện đều học online, hành trình xây dựng trải nghiệm cho học viên gặp một số khó khăn, môi trường và người đồng hành với các bạn học viên sẽ làm giảm trải nghiệm của họ khi tương tác với buổi học.
Còn khi đại dịch qua đi, bắt đầu quay trở lại hoạt động bình thường, Học viện lại gặp phải một số vấn đề khác như số lượng nhân sự tăng lên và quy mô tổ chức cho học viên đến học trực tiếp cũng nan giải hơn.
Ông Nguyễn Đức Trường cho biết: “Tôi đang gặp khó khăn về khác biệt tư duy quản lý và tư duy quản trị. Hiện tại, tôi với vai trò quản trị nhưng lại làm hết việc của người quản lý”.
Nhưng, đến với Hội thảo này, ông Trường chia sẻ, đã nhận được rất nhiều kiến thức giá trị, đặc biệt tư duy về quản trị sẽ đi từ hệ tư tưởng, đồng thời, cũng cần phải nâng cấp năng lực của bản thân, thay đổi tư tưởng của mình và cần có thêm quỹ đào tạo cho nhân viên.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sơn Tùng, Giám đốc của nhãn hàng Thời trang Khandi chia sẻ, điều mà Ông tâm đắc nhất là Hội thảo đã mang đến cho Ông một tầm nhìn rộng hơn, cũng như đặt ra nhiều vấn đề chiến lược hơn cho doanh nghiệp. Đặc biệt là khi áp dụng hệ thống quản trị, KPI dành cho nhân viên, thì nhân viên sẽ phải tự vận hành để thấy được kết quả của mình và biết được công việc của mình đã, đang và sẽ phải hoàn thành những gì để đạt được mức thu nhập tối đa./.
Bình luận