Khái quát sự phát triển của hệ thống ngân hàng từ sau năm 1986 đến nay

Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã công khai đánh giá một cách trung thực, thẳng thắn và toàn diện về cuộc khủng hoảng nghiêm trọng của đất nước, đồng thời khởi xướng một cuộc cách mạng rộng lớn về cơ chế quản lý chưa từng có trong lịch sử kinh tế Việt Nam. Hạt nhân của cuộc cách mạng này là chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang cơ hạch toán kinh doanh, tính đúng, tính đủ và sau này là cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Điều này đáp ứng đúng tính khách quan của xu thế phát triển và đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, xâm nhập vào mọi cấp, mọi ngành, trong đó ngân hàng được xem là ngành đột phá của cuộc cách mạng vĩ đại này.

Từ tháng 5/1990, 2 Pháp lệnh trong lĩnh vực ngân hàng ra đời, đã chính thức chuyển cơ chế hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ 1 cấp sang 2 cấp, trong đó lần đầu tiên đối tượng, nhiệm vụ và mục tiêu hoạt động của mỗi cấp được luật pháp phân biệt rạch ròi: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà Nước về hoạt động ngân hàng và thực thi nhiệm vụ của một ngân hàng trung ương (là ngân hàng phát hành tiền; là ngân hàng của các ngân hàng và là ngân hàng của Nhà nước). Đây là thời kỳ mở đầu cho hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam hướng theo quy luật thị trường. Trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN lấy nhiệm vụ giữ ổn định giá trị đồng tiền làm mục tiêu chủ yếu và chi phối căn bản các chính sách cụ thể đối với hệ thống các ngân hàng cấp 2 - cấp ngân hàng kinh doanh thuộc lĩnh vực lưu thông tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối và dịch vụ ngân hàng trong toàn nền kinh tế quốc dân.

Kể từ khi 2 Pháp lệnh trong lĩnh vực ngân hàng được triển khai, quan điểm về cơ cấu ngân hàng đa thành phần đã hình thành cả ở khu vực sở hữu ngân hàng lẫn khu vực khách hàng của ngân hàng. Bắt đầu từ năm 1991, NHNN áp dụng cơ chế lãi suất thực dương, khép dần khoảng cách giữa lãi suất nội tệ và lãi suất ngoại tệ, điều chỉnh lãi suất thích ứng với cơ chế thị trường. Nhờ đó, đã chấm dứt cơ chế “đông cứng” tỷ giá từ 1993, gắn chính sách tỷ giá với quan hệ xuất nhập khẩu và quan hệ cung cầu trên thị trường ngoại tệ. Đồng thời, có chính sách quản lý ngoại hối chặt chẽ: Từng bước thực thi nguyên tắc trên đất Việt Nam chỉ tiêu tiền Việt Nam, tích cực chống lại hiện tượng đô la hóa. Ngân hàng trung ương tăng cường quản lý vĩ mô thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ như: tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hạn mức tái cấp vốn, lãi suất tái cấp vốn và tổ chức các dạng thị trường vốn ngắn hạn (Thị trường nội tệ liên ngân hàng; Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng; Thị trường đấu thầu tín phiếu kho bạc và Thị trường tín dụng truyền thống). Bắt đầu từ năm 1994, đã xuất hiện hình thức sơ khai của thị trường sơ cấp về các công cụ nợ trung hạn như: kỳ phiếu ngân hàng thương mại (NHTM); tín dụng xây dựng nhà ở có điều kiện; huy động có bảo đảm bằng vàng.

Quá trình phát triển trên đã tạo môi trường mới để đưa công cụ nghiệp vụ thị trường mở vào sử dụng bắt đầu từ tháng 8/2000, góp phần đưa thị trường vốn dài hạn vào hoạt động (thị trường chứng khoán) từ tháng 7/2000.

Trong những năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã không ngừng triển khai chương trình hiện đại hóa công nghệ. Đến nay, hầu hết hệ thống NHNN và NHTM đã nối mạng thông suốt từ trung ương đến các chi nhánh khu vực và cơ sở; mở ra nhiều hình thức thanh toán thuận tiện như: máy rút tiền tự động ATM, gửi tiền ở một NHTM rút ra ở nhiều NHTM khác nhờ cơ chế liên thông giữa các tổ chức tín dụng… Tốc độ thanh toán đã tăng mạnh. Toàn nền kinh tế đã chấm dứt nạn khan hiếm phương tiện thanh toán trong khi vẫn giữ được sức mua của VND ngày càng ổn định. Tình trạng lạm phát tới 3 con số đã chấm dứt mặc dù sức mua của đồng tiền Việt Nam vẫn mất giá dần qua thời gian để đến nay, tại thời điểm giữa năm 2024, tỷ giá dao động quanh mức 24.000 đồng/USD, thuộc nhóm đồng tiền có sức mua nhỏ nhất thế giới! Tuy vậy, từ năm 2000 đến nay, giá trị sức mua của đồng tiền Việt Nam đã ổn định dần. Nhờ phát triển các công cụ và hình thức thanh toán, tỷ lệ tiền mặt trong cơ cấu tổng phương tiện thanh toán đã giảm dần.

Bắt đầu từ năm 1999, chính sách cung ứng tiền đã gắn liền với kỹ thuật phân tích và quản lý động thái của lưu thông tiền tệ chủ yếu thông qua động thái của tổng phương tiện thanh toán song song với động thái của lượng tiền mặt trong lưu thông. Tháng 12/1997, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra đời (có hiệu lực từ ngày 01/10/1998) đánh dấu bước tiến mới của bậc thang phát triển pháp lý về ngân hàng. Theo đó, cơ chế điều hành và công cụ của chính sách tiền tệ đã đổi mới mạnh mẽ theo hướng gián tiếp hóa, thị trường hóa và hiện đại hóa.

Khái quát sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ sau đổi mới năm 1986 đến nay và những đề xuất
Quá trình chuyển đổi cơ chế hoạt động của hệ thống ngân hàng đã khẳng định vai trò to lớn trong đóng góp vào những thành tựu kinh tế chung của đất nước

Quá trình chuyển đổi cơ chế hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói trên đã khẳng định được vai trò to lớn của mạng lưới ngân hàng tham gia vào những thành tựu kinh tế chung của đất nước trên cả 4 chỉ tiêu kinh tế vĩ mô: Tăng trưởng kinh tế, ổn định tiền tệ, giảm thất nghiệp và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Trong đó, đặc biệt là đã kéo chỉ số lạm phát từ mức độ phi mã liên tục trong những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20 xuống mức thấp còn 2 con số và xuống 1 con số liên tục từ năm 1992 đến nay, khôi phục niềm tin vào đồng tiền Việt Nam...

Đề xuất giải pháp

Bên cạnh những thành tựu đạt được, sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện cũng bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế, nên cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau đây để sớm khắc phục, qua đó tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của ngành ngân hàng trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.

Một là, hoàn thiện hệ thống pháp lý: Cần sửa Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo hướng độc lập hóa và hiện đại hóa hoạt động ngân hàng Việt Nam theo cơ chế thị trường. Trong bối cảnh quốc tế mới, cần cấu trúc lại mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống NHNN, để sớm trở thành một hệ thống ngân hàng trung ương hiện đại. Công nghệ điều hành mới đòi hỏi phải rút gọn đầu mối, hình thành các chi nhánh ngân hàng trung ương gắn với vùng hoặc trung tâm kinh tế lớn.

Hai là, thiết chế lại mối quan hệ giữa quản lý Nhà nước với hoạt động kinh doanh không chỉ giữa NHNN với các NHTM trung gian, mà ngay cả trong nội bộ hệ thống ngân hàng trung ương. Hơn nữa, ngân hàng trung ương phải là một ngân hàng có uy tín nhất trong số các định chế ngân hàng trung gian được Nhà nước trao cho quyền là ngân hàng duy nhất phát hành tiền của quốc gia và là ngân hàng của tất cả các định chế ngân hàng trung gian còn lại.

Ba là, tách bạch rõ rệt hơn nữa tín dụng thị trường với tín dụng chính sách. Cần sớm cải tiến mệnh giá của đồng tiền hiện quá thấp so với sức mua của hầu hết các đồng tiền trên thế giới.

Bốn là, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong hoạt động của toàn ngành. Cấu trúc lại hệ thống mạng lưới các định chế tài chính theo hướng: Cấu trúc lại sở hữu, công ty hóa, tập đoàn hóa và tiến tới siêu thị hóa, để phát triển mạnh thị trường tín dụng phi tiền mặt và các dịch vụ tiện ích ngân hàng ở trong nước cùng với việc mở rộng thị trường thanh toán bằng tiền Việt ra nước ngoài; luật hóa việc xây dựng ngành công nghiệp dịch vụ ngân hàng Việt Nam.

Năm là, nâng cao trình độ cán bộ thông qua chương trình đào tạo và đào tạo lại. Sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ trong toàn ngành.

Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát, cập nhật trình độ thẩm định dự án đầu tư, gắn tín dụng với hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế đất nước, loại trừ rủi ro do các nguyên nhân chủ quan trong quản lý và kinh doanh của toàn ngành làm cho tỷ lệ rủi ro được đẩy xuống mức thấp nhất có thể theo nguyên lý của cơ chế thị trường. Thực hiện mục tiêu sau cùng của chính sách tiền tệ là giữ vững sự ổn định giá trị đồng tiền, làm thước đo tin cậy cho các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả và đo lường chất lượng tăng trưởng một cách tin tưởng và bền vững…/.