Viện Hải dương học Nha Trang ngụ tại địa chỉ số 1, Cầu Đá, TP Nha Trang (Khánh Hoà), được người Pháp xây dựng vào năm 1923 từ thời Pháp thuộc, đến Tháng Chạp năm 1969 thì quyền quản lý chuyển sang Viện Đại học Sài Gòn. Với diện tích rộng khoảng 20 ha nằm gần vùng biển sâu thuận lợi cho việc nguyên cứu các loài sinh vật biển tại đây.

Viện Hải dương học là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học được ra đời sớm nhất ở Việt Nam và được coi là cơ sở lưu trữ hiện vật và nghiên cứu về biển lớn nhất Đông Nam Á.

Nói đến Viện Hải Dương Học, người ta không thể không nhắc đến một bộ phận hữu cơ của nó là bảo tàng Hải Dương Học - vốn rất nổi tiếng từ những năm 30 của thế kỷ trước với cái tên dân dã là "Hồ cá Hải học viện Nha Trang". Hiện nay, bảo tàng Hải Dương Học được tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng và phát triển thành một quần thể liên hoàn bao gồm các bể nuôi sinh vật biển phục vụ nghiên cứu, tham quan cũng như giáo dục cộng đồng, và một hệ thống nhà lưu trữ mẫu sinh vật biển lớn nhất nước. Có rất nhiều mẫu vật đã được gửi đến nhiều phòng thí nghiệm khác nhau ở nước ngoài, nhiều bảo tàng trên thế giới.

Đến thăm Viện, du khách sẽ được tận mắt xem Bảo tàng sinh vật biển với trên 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loại sinh vật biển và nước ngọt đã được sưu tầm, gìn giữ từ nhiều năm, bên cạnh những mẫu vật sống được nuôi thả trong những bể kính. Biểu tượng của Viện Hải dương học Nha Trang là loài cá Mao Tiên cực độc.

Đến tham quan bảo tàng, ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hàng trăm loài sinh vật biển nhiệt đới, khách tham quan còn có thể xem xét tìm hiểu hơn 10.000 loài sinh vật ở biển Đông đang được lưu trữ. Bộ mẫu sinh vật biển bao gồm các loài hiện hữu ở biển Việt Nam, Campuchia và các vùng nước lân cận, trong đó có các loài thú biển quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đây thực sự là một di vật lịch sử tự nhiên vô cùng quý giá.

Bảo tàng còn giới thiệu với du khách các đặc điểm tự nhiên của vùng biển Đông, giới thiệu những khoáng sản, tài nguyên quý giá, những cảnh quan môi trường vùng biển ven bờ, các hệ sinh thái giàu có như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển - để lưu ý nhắc nhở mọi người hãy nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, nguồn lợi vì lợi ích của con cháu mai sau, bảo tàng Hải Dương Học đang trở thành trung tâm trưng bày giới thiệu và giáo dục truyền thống khai thác và bảo vệ biển Đông của người Việt. Đây thực sự là một trung tâm di sản văn hóa biển rất đáng quý, cần phải bảo quản và phát triển.

Viện Hải dương học được bình chọn là một trong 10 điểm du lịch lịch sử văn hóa hấp dẫn đạt danh hiệu "Điểm du lịch được hài lòng năm 2005”.

Khu trưng bày mẫu vật lớn chính là điểm nổi bật trong Viện Hải Dương Học, bởi nơi này có bộ xương cá voi khổng lồ, kích thước dài tới 26m, cao 3m với 48 đốt sống được phục chế đầy đủ kể cả đã bị chôn vùi dưới lòng đất tận 200 năm. Bên cạnh đó, bạn còn dễ dàng tìm thấy nhiều bộ xương khác như xương Bò biển đang có nguy cơ tuyệt chủng hay là cá nạng hải nặng gần 1 tấn. Vì sở hữu các mẫu vật quý hiếm và có kích thước lớn như thế, nên Viện Hải Dương Học đã được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức ghi nhận và công bố vào tháng 12 năm 2012 là “Nơi lưu giữ bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất”.

Vào năm 2011, trong khuôn khổ Festival Biển Nha Trang 2011, Công ty CP Cà Phê Mê Trang cũng đã tặng Viện Hải Dương Học Nha Trang tấm bản đồ Trường Sa ghép từ hạt cà phê với khối lượng 600kg và độ lớn 18m2 để trưng bày tại đây. Mô hình đảo Trường Sa Lớn với bia chủ quyền, ngọn Hải Đăng, cầu cảng… lồng trong kính rộng 2,5m, chiều ngang 2,5m đã được Công ty CP Cà phê Mê Trang trưng bày tại Festival Biển 2013.

Viện Hải Dương học Nha Trang là một điểm đến lý tưởng cho những du khách yêu thích khám và nghiên cứu thế giới đại dương, với việc sở hữu tới 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loài sinh vật biển và động thực vật, Viện Hải Dương học đã trở thành kho tàng sinh vật biển quý hiếm của Việt Nam./.