Khẩn trương trình Thủ tướng Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa
Chiều 28/11/2014, Quốc hội thông qua Nghị quyết 88 đổi mới chương trình và sách giáo khoa.
Nghị quyết này đã được Quốc hội thông qua với 397 đại biểu tán thành (đạt 79,88%). Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục, Thanh thiếu niên, nhi đồng Đào Trọng Thi, hiện ngành giáo dục có một chương trình, một bộ sách giáo khoa, nhưng đã xuất hiện những hạn chế như chưa phù hợp với nhiều địa phương, chưa phát huy tính sáng tạo của giáo viên.
Xu thế chung của các nước là có một chương trình quốc gia và nhiều bộ sách giáo khoa. Từ thực tiễn và kinh ngiệm thế giới, Việt Nam sẽ thống nhất một chương trình, có nội dung cốt lõi thực hiện chung trên cả nước. Vì điều kiện vùng miền khác nhau nên cần thiết phải có phần mềm dẻo để địa phương, nhà trường bổ sung cho phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh, cơ sở vật chất của trường.
Về sách giáo khoa, Quốc hội thống nhất sẽ có một số sách cho mỗi môn học. Sách giáo khoa sẽ cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng. Nhà nước sẽ xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2015 trước khi phê duyệt.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu, nội dung đổi mới nêu trong Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Đồng thời, xây dựng và trình các đề án có liên quan nhằm bảo đảm đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất để thực hiện đổi mới đã được nêu trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội nêu rõ, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông./.
Bình luận