“Bộ Công an, Bộ Xây dựng khẩn trương thực hiện các yêu cầu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Công điện số 200/CĐ-TTg, ngày 05/4/2023 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Trong đó trọng tâm cần sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng công trình đảm bảo yêu cầu phòng cháy, chữa cháy phù hợp với thực tiễn…”, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu kiến nghị tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Khó nhất là ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về phòng cháy, chữa cháy
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, việc rà soát những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy còn chậm

Tuy nhiên, ông Bình cho hay, việc rà soát những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình tại QCVN 06:2022/BXD, ngày 30/11/2022 của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 16/01/2023 còn chậm, một số nội dung chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam dẫn đến hàng ngàn công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy phải dừng hoạt động và khá nhiều công trình đã xây dựng xong nhưng chưa được đưa vào sử dụng.

Cũng theo ông Bình, các vướng mắc chưa được khắc phục chủ yếu liên quan đến các vi phạm về kiến trúc, kết cấu xây dựng của công trình đã thi công xây dựng hiện hữu như: Đường giao thông phục vụ chữa cháy, khả năng tiếp cận của xe thang, xe chữa cháy đến công trình; khoảng cách phòng cháy chữa cháy của công trình đến đường ranh giới khu đất, đến các công trình lân cận không đảm bảo...

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, dù chỉ đạo quyết liệt nhưng các doanh nghiệp vẫn nghẽn, vẫn vướng, chưa thể đưa các công trình vào vận hành.

Chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp khi đã phải đầu tư lớn để nghiệm thu đưa công trình đi vào hoạt động nhưng vẫn không được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị đại diện các cơ quan thông tin thêm về giải pháp xử lý trong thời gian tới.

Báo cáo làm rõ vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, hiện nay khó khăn nhất là ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới, chủ yếu không phải liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công an, mà chủ yếu là ngành xây dựng, ngành công thương và các ngành kỹ thuật khác. Hiện nay việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn còn rất chậm và bất cập. Nhiều vấn đề đưa vào sử dụng hơn chục năm nhưng không có tiêu chuẩn, quy chuẩn nào, chủ yếu là áp dụng ngoại lai các tiêu chuẩn của nước ngoài, nhất là trên lĩnh vực dầu khí, kho bãi, LNG… Những vấn đề mới này chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam.

Khó nhất là ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về phòng cháy, chữa cháy
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, đây không phải vấn đề có thể dễ giải quyết được trong ngày một, ngày hai

Tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng nhà ở liên quan nhiều đến Bộ Xây dựng. Bộ Công án cũng đã làm việc nhiều lần với lãnh đạo Bộ Xây dựng để thúc đẩy, đặc biệt là tập trung nhân lực để xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn này, hạn chế bớt áp dụng các tiêu chuẩn nước ngoài vào tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, đây không phải vấn đề có thể dễ giải quyết được trong ngày một, ngày hai. Do đó, các bộ, ngành đang có phản ứng rất tích cực, vào cuộc sớm để giải quyết các bất cập này.

Ông Hùng cho biết, có một số kiến nghị của doanh nghiệp và người dân chưa thỏa đáng. Doanh nghiệp muốn tối ưu hóa lợi nhuận, nên muốn hạ thấp các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, gây ra những tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.

“Những gì mang tính cơ bản phải kiên quyết bảo vệ, do đó, các doanh nghiệp phải quan tâm vào việc đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy và thoát hiểm, thoát nạn, nhất là các nhà chung cư cao tầng, các công trình tầng hầm, việc chữa cháy ở trên sông, trên biển... Tuy nhiên, đây cũng là những vấn đề rất khó, bởi đang thiếu và yếu về giải pháp, cũng như phương tiện kỹ thuật, nhân lực, cần phải học hỏi thêm kinh nghiệm quốc tế...”, ông Hùng nói./.