Khoảng 1,7 triệu khách hàng được miễn, giảm, hạ lãi suất vay vốn
Gỡ khó cho Bình Dương phục hồi sản xuất, kinh doanh
Trong diễn biến mới nhất, ngày 22/10/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị trực tuyến về giải pháp của ngành ngân hàng góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19.
|
Đến cuối tháng 9/2021, dư nợ tín dụng của Bình Dương đạt khoảng 241 nghìn tỷ đồng, tăng 5,15% so với cuối năm 2020; tỷ lệ nợ xấu mặc dù được kiểm soát ở mức dưới 1%. |
Bình Dương hiện đứng thứ 2 cả nước về số ca lây nhiễm dịch Covid -19. Trước tác động của dịch bệnh, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ, buôn bán nhỏ lẻ phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, giảm tối đa công suất; các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy…, từ đó ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội nói chung và hoạt động ngân hàng trên địa bàn nói riêng. Đến cuối tháng 9/2021, dư nợ tín dụng của Bình Dương đạt khoảng 241 nghìn tỷ đồng, tăng 5,15% so với cuối năm 2020 (thấp hơn so với mức tăng tín dụng chung toàn quốc là 7,54%); tỷ lệ nợ xấu mặc dù được kiểm soát ở mức dưới 1%, song có xu hướng tăng so với đầu năm và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng doanh nghiệp bị thua lỗ, tạm dừng hoạt động, mất thị trường tiêu thụ, không có khả năng thanh toán nợ vay do ảnh hưởng của dịch.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 4.700 khách hàng với tổng giá trị nợ 10.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi, hạ lãi suất cho gần 69.300 khách hàng với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn, giảm là 1.188 tỷ đồng; Cho vay mới để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 223.000 tỷ đồng với số khách hàng còn dư nợ tại cuối kỳ báo cáo là 13.300 khách hàng. Các kết quả này đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh góp phần quan trọng trong việc ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, doanh nghiệp
|
Trong bức tranh chung toàn ngành, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện trên phương châm là chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng với người dân, doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng. Các tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp và cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, song toàn ngành đã quyết tâm vượt qua khó khăn, điều chỉnh lại kế hoạch, chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Với những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, cũng như sự chủ động đề xuất tháo gỡ khó khăn của người dân, doanh nghiệp, đến nay các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 278 nghìn khách hàng với dư nợ 238 nghìn tỷ đồng; Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khoảng 531 nghìn tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho hơn 800 nghìn khách hàng.
Phó Thống đốc đề nghị các TCTD tiếp tục chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, doanh nghiệp trong và sau khi dịch kết thúc. Đẩy mạnh triển khai cam kết giảm lãi suất dư nợ hiện hữu quy mô trên 20.613 tỷ đồng của 16 ngân hàng thương mại (riêng 04 ngân hàng thương mại Nhà nước dành thêm 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho các khách hàng). Cùng với đó, tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ngân hàng nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19./.
Bình luận