Khởi động Chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo
Trung tâm đặt tại Đại học Bách khoa Hà Nội, kết nối các đơn vị nghiên cứu về AI trong nước, thế giới để nghiên cứu và tạo công nghệ lõi "Made in Vietnam".
Khát vọng đưa công nghệ giải quyết mọi vấn đề cuộc sống
Phát biểu tại lễ ra mắt Trung tâm được tổ chức sáng 31/3, Thứ trưởng Bùi Thế Duy kỳ vọng Trung tâm sẽ góp phần hiện thực hóa các mục tiêu Chiến lược đặt ra, kết nối nghiên cứu và đào tạo, đưa AI vào giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống, góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động… Đồng thời, Thứ trưởng cũng gợi ý những lĩnh vực trước mắt cần đưa AI vào ứng dụng như: an ninh quốc phòng, chăm sóc sức khoẻ người dân và quản lý tài nguyên môi trường.
PGS.TS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, mục tiêu dài hạn, Trung tâm sẽ là nơi kết nối các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực AI trong nước và thế giới để triển khai các nghiên cứu cơ bản, tạo ra các công nghệ lõi "made in Vietnam". Trung tâm cũng chú trọng phát triển ứng dụng AI trong các ngành, các lĩnh vực khác nhau để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và phát triển Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Theo Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Việt Nam xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; phát triển 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ AI.
Trung tâm thành lập theo mô hình trung tâm nghiên cứu quốc tế hỗn hợp, Đại học Bách khoa Hà Nội và đơn vị đối tác, Tập đoàn NAVER (Hàn Quốc), sẽ cùng đầu tư xây dựng, vận hành vì mục đích phát triển nghiên cứu nền tảng chuyên sâu và đào tạo nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực AI.
Hiện Trung tâm có hơn 50 nhà khoa học của Đại học Bách khoa Hà Nội và một số chuyên gia đến từ các trường, viện và tập đoàn công nghệ trong các lĩnh vực liên quan đến AI và ứng dụng. GS Hồ Tú Bảo làm Giám đốc Khoa học của Trung tâm. Theo GS Hồ Tú Bảo, môi trường số đang tạo ra cơ hội vô giá để đất nước phát triển, nơi cần những trung tâm khoa học giỏi, làm chủ được các công nghệ quan trọng và có khát vọng cống hiến. "Trung tâm AI này là như vậy", ông nói.
Việt Nam, nên chọn toán và phát triển công nghệ phần mềm
Liên quan đến tư duy thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, chuyên gia khoa học công nghệ quốc tế, TS. Cung Vu, ngày 01/04/2021 đã có cuộc chia sẻ với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và một số doanh nghiệp Việt Nam về cách mà các quốc gia đã và đang làm. Ông cho biết, trên toàn cầu, nếu năm 1996, tổng giá trị đầu tư cho nghiên cứu khoa học khoảng 500 tỷ USD, thì đến năm 2010, con số này là 1,15 nghìn tỷ USD. Năm 1996, nước Mỹ chiếm tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong tổng ngân sách này, với 38%, còn Trung Quốc khi đó chỉ có 4%. Đến năm 2010, tỷ trọng của nước Mỹ còn 34% và Trung Quốc thì tăng lên 13% trong ngân sách đầu tư cho khoa học, công nghệ toàn cầu. Chính sự đầu tư rất lớn cho nghiên cứu khoa học, công nghệ tại Mỹ, khiến các nhà khoa học có môi trường phát triển trí tuệ và mang đến những đóng góp lớn hơn cho cuộc sống. Ông Cung Vu cho biết, từ năm 1950 đến 2010, trong số các nhà khoa học nhận sự hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ cho nghiên cứu khoa học, có 62 người được giải Nobel.
TS. Cung Vu cho biết, người trong Silicon quan niệm rằng, thất bại là vinh dự vì họ học được từ thất bại nhiều hơn là học từ thành công.
Chia sẻ về việc người Mỹ thành công trong tạo dựng thung lũng Silicon, ông Cung Vu cho biết, Silicon là một hệ sinh thái gắn kết được các nhà khoa học, các trường đại học danh tiếng, các quỹ đầu tư mạo hiểm và đặc biệt là ở đó có văn hóa không sợ thất bại. Thậm chí, những người trong Silicon quan niệm rằng, thất bại là vinh dự vì họ học được từ thất bại nhiều hơn là học từ thành công. Tại đây, hàng năm có hội nghị chia sẻ về thất bại và bài học từ thất bại, để tất cả người quan tâm đều có thể học được.
Đối với Việt Nam, ông Cung Vu khuyên rằng, bên cạnh các nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới, sáng tạo, cần phát triển văn hóa không sợ thất bại. Văn hóa này cần lan tỏa ra toàn xã hội, bắt đầu từ cấp độ gia đình. Cùng với đó, ông Cung Vu cũng cho rằng, hãy chọn ra một số lĩnh vực người Việt Nam có thể làm tốt nhất và cung cấp giáo dục, đào tạo trong các lĩnh vực có khả năng vượt trội đó. “Người Isarel tập trung vào an ninh mạng; người Thâm Quyến tập trung vào phần cứng; Luân Đôn tập trung vào Fintech; Los Angeles tập trung vào giải trí… Người Việt Nam cũng nên chọn cho mình một lĩnh vực để tập trung đào tạo, phát triển, có thể là toán học và công nghệ phần mềm”, ông khuyến nghị.
Bình luận