Không bổ sung Phó Tổng Thư ký Quốc hội hoạt động chuyên trách
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, hôm nay (ngày 14/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Ban Thư ký.
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, qua tổng kết về tổ chức và hoạt động của Ban Thư ký trong hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết số 1093/2015/NQ-UBTVQH13, ngày 21/12/2015 của UBTVQH về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký cho thấy, hoạt động của Ban Thư ký luôn có nhiều cải tiến, đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Quốc hội, song cũng có nhiều nội dung vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ…
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường , dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung quy định liên quan nhằm cụ thể hóa 14 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thư ký trong tham mưu, giúp việc Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ…
|
“Việc quy định cơ cấu thành phần Ủy viên Ban Thư ký còn chưa phù hợp, chưa bao quát tất cả nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Thư ký Quốc hội theo quy định của pháp luật. Còn thiếu một số trưởng đơn vị đang giúp Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện một số nhiệm vụ được giao. Toàn bộ thành viên Ban Thư ký hoạt động kiêm nhiệm, nên tính chuyên nghiệp chưa cao...”, ông Cường cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị tiếp tục rà soát nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thư ký, để bảo đảm đồng bộ với nhiều nội dung mới được quy định trong các luật liên quan. Chẳng hạn như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi đã giao thêm nhiệm vụ cho Tổng Thư ký khi phải phối hợp với cơ quan thẩm tra, với các cơ quan khác để dự kiến những nội dung lớn của các dự án luật trình Quốc hội để thảo luận khi những vấn đề có ý kiến khác nhau. Ngoài ra, Quy chế làm việc của UBTVQH được thông qua gần đây đã bổ sung thêm nhiều nhiệm vụ như: dự kiến thành phần tham gia phiên họp UBTVQH để báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định; việc thống kê danh sách đại biểu tham dự hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý Ban soạn thảo cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình xin ý kiến UBTVQH bằng văn bản trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành vào đầu tháng 3/2023 tới |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Ban soạn thảo rà soát kỹ chức năng, nhiệm vụ các vụ, đơn vị, đề xuất người đứng đầu tham gia Ủy viên Ban Thư ký cho phù hợp, đảm bảo lực lượng mạnh, chuyên nghiệp, có khả năng tổ chức triển khai các công việc tham mưu giúp việc Tổng Thư ký Quốc hội. |
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, về cơ bản mô hình tổ chức của Ban Thư ký sẽ tiếp tục kế thừa những ưu điểm của mô hình tổ chức quy định tại Nghị quyết số 1093/2015/NQ-UBTVQH13. Tuy nhiên, cần được hoàn thiện hơn theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động; bám sát các yêu cầu, quan điểm lãnh đạo của Đảng, phù hợp với yêu cầu đổi mới, kiện toàn tổ chức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của UBTVQH mới được ban hành.
Theo ông Mẫn, đa số ý kiến thành viên UBTVQH tán thành việc không bổ sung thêm Phó Tổng Thư ký Quốc hội hoạt động chuyên trách, mà Tổng Thư ký Quốc hội phân công Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội làm nhiệm vụ phụ trách Ban Thư ký để giúp điều phối hoạt động của Ban Thư ký thường xuyên, hiệu quả, đảm bảo sự kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên Ban Thư ký. Đồng thời, giao Ủy viên Ban Thư ký, Vụ trưởng Vụ Thư ký làm nhiệm vụ Thường trực Ban Thư ký để đảm bảo đầu mối phối hợp, tham mưu, điều hòa hoạt động của Ban Thư ký; bổ sung thêm thành viên Ban Thư ký là Viện phó Viện Nghiên cứu lập pháp.
Tại phiên họp, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Ban Thư ký với 100% thành viên UBTVQH tham gia biểu quyết tán thành.
“Ngay sau phiên họp, Ban soạn thảo cần tập trung khẩn trương rà soát, nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của UBTVQH, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội…, để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình xin ý kiến UBTVQH bằng văn bản trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành vào đầu tháng 3/2023 tới…”, ông Mẫn lưu ý./.
Bình luận