Không có con số thống kê đẹp hay xấu, mà chỉ có con số chính xác, trung thực
Đó là ý kiến của đại diện Tổng cục Thống kê tại tọa đàm "Dữ liệu thống kê và truyền thông chính sách", diễn ra sáng 19/6. Sự kiện do Tổng cục Thống kê phối hợp với Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương khẳng định: Ngành Thống kê luôn xác định việc đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin thống kê là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. |
Nâng cao chất lượng thông tin thống kê là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài
Tại buổi Tọa đàm, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, thời gian qua, ngành Thống kê đã rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê và tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê với nhiều hình thức đa dạng, phong phú tới đông đảo đối tượng dùng tin trong nước và quốc tế.
“Sự tin tưởng, sử dụng số liệu thống kê một cách trách nhiệm trong mỗi con chữ, dòng tin, bài viết của các nhà báo sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Tổng cục Thống kê tiếp tục nghiên cứu, tìm ra cách thức, phương pháp để thông tin thống kê ngày càng chất lượng”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương chia sẻ.
Thời gian qua, Tổng cục Thống kê đã xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, cập nhật Danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phù hợp với quốc tế và thực tiễn của Việt Nam; xây dựng Khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đây là căn cứ để định kỳ 5 năm và hằng năm, Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tạo thuận lợi cho lãnh đạo các cấp trong việc sử dụng thống nhất, đồng bộ các chỉ tiêu từ Trung ương đến địa phương nhằm theo dõi, giám sát, đánh giá, quản lý, điều hành tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.
Bên cạnh đó, ngành Thống kê đã đẩy mạnh đổi mới cách thức thu thập thông tin thống kê, sử dụng phiếu điện tử thay thế phiếu giấy nhằm có được thông tin chính xác, kịp thời; nghiên cứu xây dựng đề án về Tư liệu hóa và chuyển đổi số trong Ngành; tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ của người làm công tác thống kê. Đặc biệt, đã có nhiều chuyên gia từ các tổ chức quốc tế tham gia hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, giám sát các cuộc điều tra, tổng điều tra hoặc các nghiệp vụ chuyên sâu của Tổng cục Thống kê, như các chuyên gia đến từ ILO, UNFPA trong Tổng điều tra dân số và nhà ở, Điều tra Lao động việc làm; chuyên gia IMF trong Đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam, trong điều tra giá…
Đến nay, Tổng cục Thống kê đã thay đổi cách thức thu thập, có đến 85% chỉ tiêu thống kê là sử dụng điện tử website thay vì dùng giấy như trước.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá: “Một nguyên tắc được nhiều thế hệ Tổng cục Thống kê kiên định đến ngày hôm nay là không có con số thống kê đẹp, không có con số thống kê xấu mà chỉ có con số chính xác, trung thực và rõ ràng". |
Đặc biệt, Tổng cục Thống kê đã tham vấn nghiệp vụ chuyên sâu của các chuyên gia đến từ ILO, UNFPA, IMF, ADB… để có những hỗ trợ kỹ thuật hiện đại, tiên tiến tương đồng với cơ quan thống kê thế giới.
Trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, cơ quan này sẽ công bố thống kê về nhiều chỉ tiêu mới như kinh tế số, logistics, kinh tế xanh, việc làm xanh… Qua đó, chất lượng thông tin thống kê của Việt Nam ngày càng được nâng lên, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dùng tin trong nước và quốc tế.
Cần có những dữ liệu, căn cứ xác thực để biến những con số khô khan thành những “con số biết nói.”
Người đứng đầu Tổng cục Thống kê chia sẻ với các phóng viên, nhà báo tham gia Tọa đàm rằng, công việc của ngành cũng giống như viết một bài báo, cơ quan thống kê cũng cần có những dữ liệu, căn cứ xác thực để biến những con số khô khan thành những “con số biết nói.”
Lý giải ý kiến “Vì sao chỉ số giá thời gian qua ổn định trong khi thực tế giá lương thực, thực phẩm tăng liên tục?”, bà Nguyễn Thu Oanh cho biết, số liệu CPI thời gian qua luôn phản ánh đúng xu hướng biến động giá tiêu dùng trên thị trường.
Phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng được áp dụng từ năm 1995 đến nay theo đúng hướng dẫn của các tổ chức quốc tế. Đây cũng là chuẩn mực được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng và hiện nay thực hiện theo Tài liệu hướng dẫn biên soạn Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của các tổ chức quốc tế ban hành năm 2020.
"Do đó, phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực", bà Oanh chỉ rõ.
Bà Oanh cho biết, về phương pháp luận, Tổng cục Thống kê khi thống kê về giá đều có sự đồng hành của các tổ chức thế giới như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), đảm bảo tính so sánh của thông lệ quốc tế.
Hiện nay, để tính CPI của Việt Nam, có 752 mặt hàng không bao gồm vàng và USD. Căn cứ vào danh mục hàng hóa đại diện cả nước, Tổng cục Thống kê xây dựng danh mục hàng hóa từng địa phương và mạng lưới điều tra gồm: Cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, điểm bán lẻ.
“Sau đó, Tổng cục Thống kê xác định cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình tương ứng với các nhóm danh mục hàng hóa. Hàng tháng, tại 63 địa phương, hơn 2.000 điều tra viên sẽ tiến hành điều tra tại hơn 40.000 điểm điều tra giá. Quy trình này được tiến hành rộng khắp 63 tỉnh/thành, 3 lần/tháng”, bà Nguyễn Thu Oanh cho biết thêm.
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thường ngang bằng Thái Lan và cao hơn Lào, Campuchia. |
Về tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động chia sẻ, số liệu lao động việc làm hoàn toàn căn cứ vào cuộc điều tra lao động việc làm được thực hiện hàng tháng từ mùng 1 đến mùng 7.
Điều tra được tiến hành trên 18.000 hộ/tháng, 1 năm sẽ điều tra trên 200.000 hộ. Cuộc điều tra này đã được tiến hành trong 20 năm, với sự đồng hành của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) với bảng hỏi hơn 70 câu chặt chẽ.
Đối tượng điều tra là những người lao động từ 15 tuổi trở lên và sẵn sàng làm việc trong thời gian tham chiếu (từ mùng 1-7). “Nếu người được hỏi trả lời không muốn làm việc trong thời gian tham chiếu thì không coi đó là thất nghiệp”, ông Nam giải thích.
Theo ông Phạm Hoài Nam, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thường ngang bằng Thái Lan và cao hơn Lào, Campuchia. Đây là những nước đều được ILO đồng hành trong điều tra lao động, việc làm.
Chỉ rõ đặc điểm của lao động Việt Nam, trong đó, lao động phi chính thức chiếm đến 65%, ông Nam nêu rõ: “Chúng ta nhìn thấy nhiều công nhân mất việc, giảm việc làm nhưng đây là khu vực chính thức. Không thể thống kê nguyên khu vực này, mà cần tính cả khu vực phi chính thức”.
Điều này cũng diễn ra tương tự với các địa phương tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, công nhân mất việc nhiều nhưng những khu vực khác thì không. Do đó, thống kê cần rộng khắp cả nước chứ không riêng những phần chiếm số lớn./.
Các đại biểu tham gia Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm |
Bình luận