Không còn thời gian để doanh nghiệp mía đường Việt Nam chần chừ!
Nguy cơ tràn ngập đường Thái
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2015-2016, có khoảng 41 nhà máy đường hiện đang hoạt động, diện tích mía các nhà máy ký hợp đồng bao tiêu là 257.546 ha, sản lượng ép là 15,76 triệu tấn và sản lượng đường đạt 1,56 triệu tấn. Tổng nguồn cung đường dự kiến đạt khoảng 1,735 triệu tấn (bao gồm sản xuất 1,5 triệu tấn, tồn kho 0,1 triệu tấn, nhập khẩu 0,135 triệu tấn) và tổng lượng tiêu thụ trong nước khoảng 1,5 triệu tấn.
Thuận lợi trước mắt của các doanh nghiệp mía đường hiện nay là đường tồn kho giảm mạnh (khoảng 50% so với 2015), khiến giá đường trong nước (trước khi vào vụ mới) tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ đường có khả năng sẽ không tốt, vì: sự bất ổn của giá đường thế giới; đường lậu Thái Lan, Lào, Campuchia có chiều hướng gia tăng... Trong đó, vấn đề đáng lo ngại nhất của các doanh nghiệp mía đường hiện nay là tình trạng đường lậu của Thái Lan hiện đang lan tràn trên thị trường nước ta.
Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mỗi năm có khoảng nửa tỷ tấn đường nhập lậu vào Việt Nam, chủ yếu từ Thái Lan, do giá rẻ hơn, mà chất lương lại cao hơn so với đường của các doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, ở Thái Lan, giá mía đưa vào chế biến là 30-35 USD/tấn, giá nguyên liệu mía trong giá thành sản xuất đường khoảng 6.000-7.000 đồng/kg. Trong khi đó, ở Việt Nam, giá mía đưa vào chế biến từ 800.000-1.000.000 đồng/tấn (40-45 USD), giá nguyên liệu mía trong giá thành sản xuất đường là 8.000-10.000 đồng/kg.Như vậy, chỉ riêng về chi phí cho mía nguyên liệu, Việt Nam đã cao hơn Thái Lan khoảng 2.000-3.000 đồng/kg.
Đặc biệt, nguy cơ mất hết thị trường nội địa còn được đẩy lên cao hơn, khi thuế suất nhập khẩu đường từ các nước ASEAN giảm xuống còn 5% vào năm 2018. Khi đó, hàng rào bảo hộ dần được xóa bỏ, đường và sản phẩm sau đường của các nước ASEAN, nhất là của Thái Lan sẽ không còn phải nhập lậu nữa, mà có thể đường hoàng vào thị trường của chúng ta. Lúc bấy giờ, ắt hẳn đường Việt sẽ bị chèn ép nặng nề, thậm chí bị phá sản do hàng loạt yếu kém nội tại về giống, công nghệ, thị trường tiêu thụ, chất lượng...
Muốn tồn tại, phải thay đổi!
Trước nguy cơ đường Thái Lan xâm chiếm thị trường Việt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, hiện nay, đường Việt Nam vẫn còn được bảo hộ, nên giá đường trong nước khá cao. Tuy nhiên, khi hàng rào bảo hộ dần được gỡ bỏ, các doanh nghiệp đường Việt Nam muốn phát triển, thì phải lấy đường Thái Lan ra làm định lượng so sánh cả về chất lượng và giá cả. Từ đó, suy xét xem nên co lại sản xuất hay mở rộng, nếu mở rộng thì phải nâng cao năng lực cạnh tranh trước những ưu thế của đường Thái Lan, có như vậy mới hy vọng ngành mía đường của Việt Nam phát triển bền vững (Bảo Hân, 2016).
“Không còn thời gian chần chừ, phải tìm ngay ra điểm mấu chốt để từ đó thay đổi vận mệnh ngành mía đường trong vòng 3 năm tới”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Để ngành mía đường có thể trụ vững, theo ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch Ủy ban Mía đường thuộc Tập đoàn TTC, chỉ có đầu tư vào khoa học kỹ thuật, công nghệ chế biến để giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh. Đặc biệt các doanh nghiệp phải liên kết với nông dân tạo thành những vùng nguyên liệu lớn.
“Bên cạnh đó đầu tư sản xuất điện, phân bón sinh học từ bã mía, tận dụng các phụ phẩm khi sản xuất đường, để giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận”, ông Dương nói.
Cũng đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Nhà máy đường Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) cho biết, ở thị trường nội địa, hiện đa số các công ty chỉ sản xuất đường RS và chất lượng không ổn định, giảm nhanh trong quá trình bảo quản, đặc biệt ít được sử dụng trong các ngành công nghiệp và chế biến thực phẩm. Hơn nữa, thực tế sản lượng đường tinh luyện sản xuất trong nước không đủ cung cho ngành công nghiệp thực phẩm. Chính vì vậy, muốn cạnh tranh thì doanh nghiệp trong nước phải nhanh chóng nâng cao chất lượng sản phẩm (Thanh Trà, 2016).
“Đây là xu hướng tất yếu mà doanh nghiệp ngành mía đường trong nước hướng tới để không bất lợi và yếu thế khi hội nhập vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN”, ông Vinh cho biết./.
Tham khảo từ các nguồn:
Bảo Hân (2016). Thua đứt Thái Lan, lo Lào, Campuchia vượt mặt, truy cập từ http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/238266/thua-dut-thai-lan-lo-lao-campuchia-vuot-mat.html
Quang Huy (2016). Đường Thái giết chết đường Việt, truy cập từ http://plo.vn/kinh-te/duong-thai-giet-chet-duong-viet-613718.html
Thanh Trà (2016). Ngành mía đường vấn chưa hết lo, truy cập từ http://thoibaonganhang.vn/nganh-mia-duong-van-chua-het-lo-45502.html
Bình luận