Từ khóa: kinh nghiệm quốc tế, kinh tế GIG, Việt Nam

Summary

Today, with the development of technology platforms, the job search feature has been completely changed with a new look, directly connecting human capital users with human capital owners in a way that has never been done before. The ever-evolving digital technology landscape has fueled the birth and rapid development of the GIG economy. For Vietnam, this economy will bring many development opportunities as well as challenges in management and creating a legal framework to protect workers. This article researches the GIG economic development experience of some countries around the world, focusing mainly on experience in solving labor and employment issues, thereby offering some lessons for Vietnam.

Keywords: international experience, GIG economy, Vietnam

GIỚI THIỆU

Nền kinh tế GIG hay được gọi là nền kinh tế tự do hay nền kinh tế hợp đồng là một hiện tượng mới, là xu thế phát triển của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển. Trong nền kinh tế này, người lao động có thể nhanh chóng tìm được một công việc cụ thể, có khi chỉ mất vài giây (qua các ứng dụng việc làm được cài đặt trên smartphone) và nhận thực hiện công việc đó, được nhận thù lao ngay lập tức sau khi hoàn thành công việc.

Tuy nhiên, nền kinh tế GIG có những mặt trái và nhiều rủi ro. Người lao động tham gia vào nền kinh tế GIG cũng phải cân bằng các nhu cầu cạnh tranh về tính cởi mở với các mối quan tâm cơ bản về an toàn. Họ dễ bị tổn thương trên ít nhất 3 mặt: rủi ro vật lý, rủi ro pháp lý và rủi ro nền tảng. Những người lao động trong nền kinh tế GIG có thể gặp nguy hiểm về thể chất, bị tấn công hoặc bị quấy rối tình dục mà hoàn toàn không được bảo vệ.

Do đó, việc nghiên cứu tổng quan chung về thực trạng và kinh nghiệm phát triển kinh tế GIG tại một quốc gia để từ đó đưa ra những chính sách nhằm quản lý tốt hơn và bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động GIG ở Việt Nam là rất cần thiết.

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KINH TẾ GIG

Ngày nay, sự bùng nổ của kỷ nguyên số đã thúc đẩy và phát triển nhanh chóng nhiều loại hình kinh tế mới trong đó có nền kinh tế GIG. Nền kinh tế GIG ra đời với sự hỗ trợ của công nghệ đã giúp thay đổi cách thức tổ chức công việc và cách thức kết nối giữa người sử dụng lao động và người lao động theo một cách hoàn toàn mới so với trước đây. Tuy nhiên, định nghĩa về kinh tế GIG trên thực tế vẫn còn chưa được thống nhất và có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm này.

Theo Vụ khảo cứu Quốc hội Hoa Kỳ (2016), nền kinh tế GIG là tập hợp các thị trường kết nối các nhà cung cấp dịch vụ hay lao động tự do với người tiêu dùng trên cơ sở hợp đồng thuê (hoặc công việc) để hỗ trợ thương mại theo yêu cầu (on-demand commerce) (dẫn theo [5]).

Cục Thống kê lao động Mỹ (2019) định nghĩa, nền kinh tế GIG hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm tất cả những người làm việc tự do (freelancers) hay theo hợp đồng, bất cứ ai có một công việc trong một khoảng thời gian xác định. Tuy nhiên, đến nay thuật ngữ này tập trung hơn vào nhóm lao động tìm được việc làm và được trả công thông qua nền tảng công nghệ (dẫn theo [5]).

Còn báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung Úc (CSIRO, 2019), nền kinh tế GIG được hiểu là nền kinh tế trong đó các nền tảng số được sử dụng để kết nối các dự án với từng người lao động hoặc một nhóm người lao động. Những nền tảng số này cũng tạo điều kiện thanh toán cho người tiêu dùng và người lao động [9].

Có thể thấy, có rất nhiều quan điểm khác nhau về định nghĩa nền kinh tế GIG, nhưng nhìn chung các khái niệm đều đặc trưng bởi 2 khía cạnh: (1) Tính chất việc làm tự do, linh hoạt, tạm thời, trong khoảng thời gian ngắn hoặc không xác định; và (2) Sử dụng nền tảng kỹ thuật số để kết nối các lao động tự do với khách hàng.

KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN KINH TẾ GIG TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

Mỹ

Tại Mỹ, việc làm tự do khá phổ biến và lao động GIG cũng ngày càng tăng. Theo Reuters²⁶ (trích nguồn từ ILO), năm 2017 có 55 triệu người Mỹ là lao động GIG (tương đương 34% lực lượng lao động) và đến năm 2020 có 57,3 triệu người lao động làm việc tự do ở Mỹ. Ước tính rằng đến năm 2027 sẽ có 86,5 triệu người làm việc tự do. 36% công nhân Mỹ tham gia vào nền kinh tế GIG (theo Gallup) hoặc đối với 44% người lao động, thì công việc trong nền kinh tế GIG là nguồn thu nhập chính của họ (theo Edison Research).

Người lao động trong nền kinh tế GIG được cho là đã đóng góp 1,4 ngàn tỷ USD vào GDP của nước Mỹ năm 2018. Tỷ lệ lớn nhất người lao động tham gia nền kinh tế GIG thuộc về các ngành nghệ thuật, thiết kế, giải trí, thể thao và truyền thông, chiếm 14%. Tiếp theo là nghề bán hàng, chiếm 10% [6].

Việc làm GIG ở Mỹ khá đa dạng bao gồm: xây dựng, lắp đặt, sửa chữa; dịch vụ chăm sóc cá nhân và dịch vụ khác; bán hàng; tài chính và kinh doanh; nghệ thuật và thiết kế; truyền thông… Trong đó, nhóm lao động GIG được quan tâm và đề cập đến nhiều ở Mỹ là là nhóm làm việc theo yêu cầu qua các ứng dụng như Uber, Lyft, Doordash, Grubhub...

Nghiên cứu của PEW (2021) cho thấy, 16% người Mỹ từng làm việc qua nền tảng GIG trực tuyến với các công việc như: lái xe công nghệ; đi chợ hộ hoặc giao thực phẩm cho các hộ gia đình; dọn dẹp nhà cửa; giao đồ ăn; làm các công việc vặt khác… Nghiên cứu cũng chỉ ra một số vấn đề mà lao động GIG gặp phải, đó là việc công ty công nghệ không công bằng về lợi ích đối với họ, cũng tương tự như quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu về nền kinh tế GIG, rằng người lao động GIG không được giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan đến thất nghiệp, chăm sóc sức khỏe, chế độ nghỉ phép… Thậm chí, còn bị quấy rối hoặc cảm thấy không an toàn [6].

Với các tài xế công nghệ, khi bắt đầu làm việc cho công ty kinh doanh mô hình đặt xe công nghệ họ phải ký với công ty “Hợp đồng dịch vụ công nghệ” nêu rõ rằng họ là một nhà thầu độc lập. Khi tài xế ấn “chấp thuận” các điều khoản tức là đã chấp thuận mình với tư cách là nhà thầu độc lập chứ không phải tư cách là người lao động, việc làm này dường như đã và đang xâm phạm đến quyền và lợi ích của những người tài xế khi tham gia vào quan hệ lao động với các công ty kinh doanh mô hình đặt xe công nghệ tại đây.

Tuy nhiên hiện nay, pháp luật lao động tại Mỹ đang có những thay đổi nhằm bảo vệ quyền lợi cho các lái xe công nghệ. Cụ thể, ở một số bang, như: California, New York đã có những phán quyết công nhận quan hệ giữa tài xế và các hãng xe công nghệ, như: Uber, Dynamex, Lyft… là quan hệ lao động.

Bên cạnh đó, từ vụ kiện của Dynamex với Tòa thượng thẩm Los Angeles, dựa trên quy định của Toà án tối cao bang California, Dự luật hợp đồng lao động hay gọi là Dự luật 5 của Quốc hội California (AB5) đã ra đời, nhưng không được thông qua. Dự luật này mở rộng phân loại nhóm lao động; người chủ/công ty thuê phải có test chứng minh người lao động là người lao động có hợp đồng độc lập, không phải NLĐ của công.

Hàn Quốc

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh sự phát triển của nền kinh tế GIG trên toàn thế giới - và Hàn Quốc cũng không ngoại lệ. Nền kinh tế GIG xuất hiện nhiều hơn và ngày càng phát triển ở Hàn Quốc, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch toàn cầu khiến các thị trường trực tuyến, như Kmong, mở rộng nhanh chóng. Hơn nữa, nhu cầu của nhiều công ty về lao động tạm thời được thuê theo dự án cũng ngày càng tăng.

Tính đến năm 2019, tổng số tiền giao dịch tích lũy thông qua thị trường trực tuyến Kmong ở Hàn Quốc đã vượt quá 70 tỷ KRW và 630.000 người đang sử dụng nền tảng này. Nền tảng này đã kết nối nhu cầu của các công ty đang tìm kiếm các chuyên gia lành nghề với những người làm việc tự do có chuyên môn. Các dịch vụ được đăng ký tại Kmong là khoảng 170.000, bao gồm các dịch vụ về: sản xuất nội dung, tiếp thị, phiên dịch và dịch thuật, tư vấn kinh doanh và các bài học với 20.000 người làm việc tự do và 1.050.000 giao dịch [8].

Mặc dù nền kinh tế GIG sẽ ngày càng phát triển ở Hàn Quốc như một biện pháp đối phó với môi trường kinh tế khó khăn và tình trạng thất nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại vì các luật và hệ thống liên quan đến lao động coi nhân viên nền tảng là doanh nghiệp cá nhân chứ không phải người lao động.

Ở Hàn Quốc, từ năm 1994, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết về một số yếu tố khác nhau cần được tập trung xem xét trong mối quan hệ việc làm giữa người lao động và người sử dụng lao động, bao gồm: (i) Liệu người lao động có bị chi phối bởi các quy định về việc làm hoặc các quy định về dịch vụ (nhân sự) khác; (ii) Liệu người lao động, trong khi làm việc, có chịu sự giám sát hoặc hướng dẫn cụ thể và riêng biệt của người sử dụng lao động hay không; (iii) Liệu có bất kỳ mức lương cơ bản hoặc cố định nào được trả cho người lao động để đổi lấy công việc mà người đó đã cung cấp hay không; (iv) Người làm việc có được bảo hiểm việc làm và bảo hiểm y tế chi trả hay không; hoặc (v) Liệu người sử dụng lao động có khấu trừ thuế đối với thu nhập từ tiền lương hay không. Năm 2006, tòa án chỉ thị rằng, những yếu tố mà người sử dụng lao động có thể kiểm soát và có thể sử dụng để tạo ra ấn tượng rằng người lao động không phải là người làm công, chẳng hạn như việc không khấu trừ thuế hoặc không trả bốn khoản bảo hiểm xã hội chính cho người lao động. Lập trường của Tòa án Tối cao phản ánh các hình thức việc làm ngày càng linh hoạt đang phát triển và có thể được coi là sự nhấn mạnh vào tính thực chất trong việc xác định xem người đó là nhân viên hay người lao động tự do.

Sau hàng loạt cái chết của nhân viên giao hàng ở Hàn Quốc cụ thể ít nhất 11 nhân viên giao hàng được phát hiện đã thiệt mạng trong năm 2020, Quốc hội Hàn Quốc cũng đã bỏ phiếu sửa đổi Đạo luật Bảo hiểm Việc làm, Đạo luật Bảo hiểm Tai nạn Lao động hoặc Công nghiệp và luật thứ ba ảnh hưởng đến phúc lợi của người lao động. Những điều này sẽ có hiệu lực từ năm 2021. Các sửa đổi bao gồm các lợi ích dành cho người lao động tự do tương đương với những nhân viên cố định như về thời gian nghỉ thai sản được trả lương. Bên cạnh đó, các sửa đổi cũng trao nhiều quyền hơn cho người lao động GIG trong việc yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp tài liệu để xin các quyền lợi bảo hiểm khác nhau.

Bộ Lao động Hàn Quốc cho biết, dự luật sẽ chi phối các nền tảng như giao đồ ăn, gọi xe và dọn phòng. Đề xuất này cũng sẽ đảm bảo rằng, các nền tảng cung cấp bảo hiểm y tế nghề nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của họ.

Nhật Bản

Ở Nhật Bản, Chính phủ đã chỉ ra rằng họ sẵn sàng đón nhận ý tưởng mở rộng lợi ích an sinh xã hội cho người lao động trong nền kinh tế tự do. Nó cũng hứa sẽ thiết lập các quy định nhằm tiêu chuẩn hóa các điều khoản hợp đồng giữa doanh nghiệp và nhà thầu độc lập. Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ thông qua luật yêu cầu các doanh nghiệp giải thích rõ ràng chi tiết về công việc và số tiền thanh toán để những người làm nghề tự do có thể làm việc mà không phải lo lắng về các vấn đề như đơn phương thay đổi công việc thuê ngoài và khoản hoàn trả không được trả hoặc bị giảm. Chính phủ đã có kế hoạch đưa ra một biện pháp về chủ đề này trong phiên họp Quốc hội đầu tháng 1/2021.

Hành động lập pháp là tích cực, nhưng vẫn còn những trở ngại phải vượt qua trước khi những người làm việc tự do có đủ sự bảo vệ. Một ví dụ về điều này là Uber Eats - một công ty được thành lập tại Nhật Bản vào năm 2016. Trong thời kỳ đỉnh điểm của đợt bùng phát virus Corona, nhu cầu giao hàng tận nhà tăng lên, điều này cũng làm tăng số lượng tài xế giao hàng. Vào năm 2022, Ủy ban Quan hệ Lao động của Chính quyền Thủ đô Tokyo đã yêu cầu Uber Eats tham gia thương lượng tập thể với Liên đoàn Lao động đại diện cho nhân viên giao hàng của mình. Đây là lần đầu tiên một cơ quan chính phủ phân loại hợp pháp những người lao động hợp đồng là những nhân viên được hưởng các biện pháp bảo vệ theo Đạo luật Công đoàn.

Uber Eats không phải là trường hợp duy nhất gặp phải vấn đề này. Các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong nước và nước ngoài, đã cảm nhận được gánh nặng của những thay đổi này. Tác động này vừa mang tính thách thức vừa mang lại lợi ích. Một mặt, các SME được hưởng lợi từ chi phí thấp hơn nhờ tính linh hoạt trong việc thuê nhân công tự do khi cần thay vì duy trì đội ngũ nhân viên toàn thời gian. Nó cho phép các doanh nghiệp thích ứng nhanh chóng với sự biến động của khối lượng công việc, điều này đặc biệt hữu ích cho các công ty khởi nghiệp và công ty làm việc theo dự án. Hơn nữa, nó cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn nhân tài toàn cầu, mở ra cơ hội cho các kỹ năng và kinh nghiệm có thể không có ở địa phương.

BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

Từ kinh nghiệm của một số quốc gia, có thể thấy tình trạng tương tự về lao động việc làm của người lao động trong nền kinh tế GIG. Mặc dù mỗi quốc gia có những động thái cũng như tiến trình ban hành các chính sách bảo vệ cho lao động GIG khác nhau, tuy nhiên nhìn chung, việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động ngày càng được chính phủ các nước quan tâm, thúc đẩy. Cần nhấn mạnh rằng, các quốc gia đều đã có sẵn khung khổ luật pháp và các chính sách có thể làm hệ quy chiếu để xác lập mối quan hệ giữa lao động GIG và các doanh nghiệp công nghệ/doanh nghiệp nền tảng, cũng như thực hiện các biện pháp đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động trong hình thức việc làm mới. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có cách phản ứng và giải quyết vấn đề khác nhau. Một số bài học cho Việt Nam rút ra từ kinh nghiệm của các nước như sau:

Thứ nhất, thận trọng ban hành các quy định xác lập quan hệ việc làm và quan hệ lao động giữa lao động GIG và các doanh nghiệp công nghệ. Trước hết, do việc làm trong nền kinh tế GIG đa dạng về loại hình và có sự khác biệt về tính chất, cơ quan chức năng cần thận trọng tiến hành từng bước để ban hành các quy định nhằm xem xét xác lập các quan hệ việc làm, cũng như quan hệ lao động giữa lao động GIG và các doanh nghiệp công nghệ, cụ thể: (i) Trao đổi về các vấn đề liên quan với các hãng công nghệ, từng bước đưa ra những hướng dẫn, quy định đối với các hãng này để vừa đảm bảo tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của mô hình kinh tế mới cũng như đảm bảo được môi trường, điều kiện lao động cũng như các chế độ an sinh xã hội đối với lao động làm việc cho các ứng dụng nền tảng; (ii) Xác lập các tiêu chí làm căn cứ để xem xét các nhóm lao động GIG là nhà thầu độc lập hay người lao động/nhân viên chính thức của doanh nghiệp công nghệ, hay xem xét mối quan hệ pháp lý giữa doanh nghiệp nền tảng và người lao động có đáp ứng đặc điểm về hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hay không.

Thứ hai, công nhận và luật hóa việc làm trong nền kinh tế GIG, có thể theo 2 cách: (i) Luật hóa quy định các doanh nghiệp công nghệ phải công nhận người lao động sử dụng dịch vụ công nghệ của họ là người lao động chính thức của doanh. Quy định này áp dụng với mọi trường hợp khi các công ty công nghệ có nhiều quyền kiểm soát người lao động (cấu thành quan hệ lao động theo pháp luật lao động); (ii) Ban hành một đạo luật quốc gia về nghề nghiệp và an sinh xã hội cho người lao động trong nền kinh tế GIG hoặc quy định trong các luật chuyên ngành (Luật Việc làm, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội…) nhằm đưa ra các quy định bảo đảm các quyền tối thiểu và lợi ích xã hội nhất định cho người lao động GIG, như: mức lương cố định, được ký hợp đồng không thời hạn; quyền thành lập công đoàn, quy định về một hệ thống chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; hỗ trợ y tế, hỗ trợ bảo hiểm tai nạn lao động; bảo hiểm tử vong…

Thứ ba, tăng cường sự tham gia và tiếng nói của các tổ chức đại diện người lao động, công đoàn ngành, hiệp hội... để bảo vệ quyền lợi cho người lao động GIG.

Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của lao động GIG (nhất là lao động GIG làm việc dựa trên Web). Trên đây là một số bài học từ kinh nghiệm quốc tế cần được chú trọng để nâng cao nhận thức và xác lập các cơ sở pháp lý cho quản lý nhà nước về lao động trong nền kinh tế GIG nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động trong hình thức việc làm GIG ở Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo

1. Business Research (2023), GIG Economy market report, retrieved from https://www.businessresearchinsights.com/market-reports/GIG-economy-market-102503.

2. Cho, Huyn-Jun (2018), The GIG economy: A challegne to conventional labour law, retrieved from https://www.inhousecommunity.com/article/GIG-economy-challenge-conventional-labour-law/.

3. Đào Trung Thành (2020), Kinh tế GIG là xu hướng tất yếu, truy cập từ https://viettimes.vn/kinh-te-GIG-la-xu-huong-tat-yeu-post140903.html.

4. Hiếu Anh (2022), Hơn 7 triệu lao động tham gia nền kinh tế GIG, truy cập từ https://laodong.vn/kinh-doanh/hon-7-trieu-lao-dong-tham-gia-nen-kinh-te-GIG-1092355.ld.

5. ILLSA (2021), Một số vấn đề về việc làm trong nền kinh tế việc làm tự do (nền kinh tế GIG) tại Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp lái xe/ giao hàng công nghệ và giúp việc gia đình.

6. Maciej Duszynski (2021), GIG Economy: Definition, Statistics and Trends, retrieved from https://zety.com/blog/GIG-economy-statistics.

7. Lyra Clavecilla (2023), How GIG Economy is changing the traditional work setup in Japan, retrieved from https://www.smejapan.com/business-news/how-GIG-economy-is-changing-the-traditional-work-setup-in-japan/.

8. SIA (2020), South Korea – Government plans further protection for GIG economy workers, retrieved from https://www2.staffingindustry.com/row/Editorial/Daily-News/South-Korea-Government-plans-further-protection-for-GIG-economy-workers-56206.

9. Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO) và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (2019), Báo cáo về “Kinh tế kỹ thuật số trong tương lai của Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045”.

ThS. Nguyễn Thị Nguyệt, ThS. Lê Trọng Nghĩa

Trường Đại học Thương mại

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 03, tháng 02/2024)