Kinh nghiệm nâng hạng thị trường chứng khoán tại một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ khóa: nâng hạng thị trường chứng khoán, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Xê út, Việt Nam
Summary
Upgrading the stock market plays an important role in attracting capital flows from investors, especially foreign investors, thereby positively affecting equitization, as well as capital mobilization for Vietnam's business community in the economic development process. Despite many reform efforts, to date, Vietnam has not been upgraded from a frontier market to an emerging market. Therefore, experiences from other countries will help Vietnam have a more realistic view in the economic reform process, applying relevant lessons in the process of upgrading its market ranking.
Keywords: stock market upgrade, United Arab Emirates, Saudi Arabia, Vietnam
GIỚI THIỆU
Mặc dù được FTSE Russell (thuộc sở hữu của Sở Giao dịch chứng khoán London và là một trong ba công ty cung cấp chỉ số hàng đầu thế giới bao gồm: MSCI, FTSE Russell và S&P Dow Jones Indices) đưa vào danh sách chờ nâng hạng thị trường từ tháng 9/2018, nhưng tính đến kỳ xét nâng hạng tháng 9/2023 Việt Nam vẫn bị xếp ở thị trường cận biên, nằm trong danh sách theo dõi khả năng nâng lạng lên thị trường mới nổi thứ cấp trong thời gian tới (Trang, 2023).
Hiện nay, việc phân hạng TTCK trên thế giới được thực hiện bởi 3 tổ chức tài chính lớn, đó là FTSE Russell, S&P Down Jones và MSCI, với các bộ chỉ số về TTCK để hỗ trợ các nhà đầu tư trên toàn cầu đánh giá các cơ hội đầu tư tại các quốc gia và khu vực khác nhau. Với mỗi tổ chức xếp hạng, đều có các cơ sở và phương pháp riêng biệt, nhưng nhìn chung đều có một số tiêu chí chung cơ bản, đó là: (1) Quy mô thị trường; (2) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; (3) Khả năng tự do chuyển đổi ngoại tệ; (4) Phương thức thanh toán sau giao dịch; và (5) Giao dịch bán khống và cho vay chứng khoán (Anh và các cộng sự, 2020).
Để đạt được các tiêu chí của các tổ chức trên, Việt Nam cần không ngừng nỗ lực cải cách, thay đổi để tìm cách tháo gỡ các vấn đề còn tồn tại. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được coi là quốc gia đang phát triển, vì thế rất tham khảo kinh nghiệm từ một số quốc gia đã trải qua giai đoạn phát triển tương đồng trong quá khứ, từ đó rút ra kinh nghiệm cho chính mình.
KINH NGHIỆM NÂNG HẠNG THỊ TRƯỜNG TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA
Một số các quốc gia trong khu vực cũng đang trong danh sách thị trường cận biên năm 2023 của FTSE Russell, như: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Ả Rập Xê Út, Philippines, các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UEA), Thái Lan. Tuy nhiên, khi xét ở các điều kiện tương đồng trong giai đoạn xét điều kiện nâng hạng thị trường, có 2 quốc gia tương đối phù hợp với Việt Nam khi so sánh, phù hợp để học hỏi bài học kinh nghiệm đó là Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UEA) và Ả Rập Xê Út.
Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất
Khi nghiên cứu quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt mong muốn nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế với vai trò dẫn vốn đầu tư, UEA luôn cố gắng cải cách, đổi mới nâng cao sức khỏe của nền kinh tế, đồng thời áp dụng các biện pháp thiết thực để nâng hạng TTCK của mình. Trong kỳ xét xếp hạng năm 2014, UEA đã được cả MSCI và S&P Dow Jones nâng hạng cận biên lên thị trường mới nổi. Để đạt được kết quả này, phải kể đến những nỗ lực không ngừng của UEA, đó là:
Thứ nhất, tập trung cải cách kinh tế, nâng cao nội lực quốc gia. Do đặc thù kinh tế UEA phụ thuộc phần lớn vào hoạt động khai thác, sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ, Đạo luật Liên bang 1984 có nhiều quy định hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân, như: quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài không được vượt quá 49% (một số lĩnh vực khác còn có tỷ lệ thấp hơn, lĩnh vực bảo hiểm không được quá 25%, các công ty tài chính không vượt quá 40%…). Tuy nhiên, từ năm 2000, UEA tập trung cải cách, với nỗ lực giảm bớt phụ thuộc kinh tế vào dầu mỏ, tăng cường phát triển kinh tế tư nhân, chú trọng cổ phần hóa, xây dựng các khu thương mại tự do, áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi… chính điều này đã thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn, như: Microsoft, IBM, Cisco...
Thứ hai, tập trung cải cách khung pháp lý để thúc đẩy đầu tư. Với việc ra đời của Luật Liên bang từ năm 2015, rất nhiều cải cách được áp dụng (Bảng).
Bảng: Cải cách khung pháp lý tại UEA để hỗ trợ nâng hạng thị trường
Nội dung | Đạo luật Liên bang 1984 | Luật Liên bang 2015 |
---|---|---|
Mô hình tập đoàn, tổng công ty | Không có | Quy định công ty cổ phần, công ty TNHH có thể được thành lập dưới mô hình tập đoàn để thống nhất các hoạt động của các công ty con |
Chế độ kế toán | Đơn giản, chưa chi tiết, rõ ràng | Nghiệp vụ kế toán của doanh nghiệp phải tuân thủ các chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế. Các doanh nghiệp phải lưu giữ số liệu kế toán tại trụ sở công ty tối thiểu 5 năm |
Các doanh nghiệp hoạt động trong đặc khu kinh tế | Không có | Quy định một số công ty ở trong đặc khu kinh tế có thể được cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài |
Sở hữu trong công ty cổ phần | 1. Quy định 55% cổ phần của công ty đại chúng phải được chào bán ra công chúng trong lần phát hành đầu tiên (IPO). Các hoạt động bảo lãnh phát hành, phương pháp dựng sổ không được cho phép. 2. Công ty đại chúng phải có vốn điều lệ tối thiểu 10 triệu AED; công ty cổ phần phải có vốn điều lệ tối thiểu 2 triệu AED. 3. Tỷ lệ cổ phần điều lệ/cổ phiếu được phép phát hành: Không quy định 4. Chỉ có 1 loại cổ phần phổ thông 5. Không quy định hạn chế về các hoạt động hỗ trợ vốn cho các cổ đông | 1. Quy định chỉ 30% cổ phần của công ty đại chúng phải bán ra trong lần phát hành ra công chúng; hoạt động bảo lãnh phát hành, phương pháp dựng sổ được thực hiện theo quy định từ SCA (Cơ quan quản lý hàng hóa và chứng khoán) của UAE. 2. Công ty đại chúng phải có vốn điều lệ tối thiểu 30 triệu AED; công ty cổ phần phải có vốn điều lệ tối thiểu 5 triệu AED. 3. Tỷ lệ cổ phần điều lệ/cổ phiếu được phép phát hành có thể gấp đôi số lượng cổ phiếu đã phát hành. 4. Công ty có thể có nhiều loại cổ phần. 5. Công ty cổ phần, hoặc các công ty con không được cấp vốn cho các cổ đông để mua chính cổ phiếu, trái phiếu của công ty đó. |
Quyền lợi của cổ đông thiểu số | Đề cập ít, không rõ ràng | + Trừ khi có chấp nhận của đại hội cổ đông, công ty đại chúng không được phép thực hiện các giao dịch mua/bán trên 5% vốn điều lệ của công ty + Các cổ đông lớn của công ty đại chúng (với sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên) cần đăng ký với SCA của UEA với cam kết không làm phương hại đến lợi ích của các cổ đông khác + Đã có điều khoản đảm bảo không có sự phân biệt, đối xử giữa các loại cổ đông, các loại cổ phần trong công ty |
Nguồn: Nguyễn Quang Long (2015)
Thứ ba, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho TTCK. Năm 2000, Chính phủ UEA đã thành lập Ủy ban Chứng khoán và Hàng hóa SCA, Sàn Giao dịch chứng khoán Dubai (DIFM), Sở Giao dịch Chứng khoán Abu Dhabi (ADX). Đồng thời, họ mua công nghệ quản lý và hệ thống cơ sở hạ tầng của Sở Giao dịch Chứng khoán New York nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao tính minh bạch, hỗ trợ phòng ngừa rủi ro, tăng tính thanh khoản của thị trường…
Ả Rập Xê Út
TTCK của Ả Rập Xê Út chính thưc được đưa vào danh sách thị trường mới nổi từ năm 2019, với lộ trình vạch ra rõ ràng, chi tiết (Hình).
Hình: Lộ trình nâng hạng TTCK của Ả Rập Xê Út
Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp |
Để đạt được kết quả trên, Ả Rập Xê Út đã thực hiện một số biện pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, cải cách toàn diện cấu trúc nền kinh tế. Chính phủ nước này rà soát và giảm dần việc hỗ trợ các ngành nghề không hiệu quả, cải cách kinh tế, chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời đánh thuế lên cách sản phẩm hàng hóa để có nguồn thu. Bên cạnh đó, Chính phủ bãi bỏ luật cấm xem phim ngoài rạp, bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe, cho phép trình diễn âm nhạc tại các nhà hàng, địa điểm giải trí, cho phép thúc đẩy du lịch. Chính điều này đã tạo ra nguồn thu không nhỏ để giúp nước này không còn lệ thuộc vào nguồn thu dầu mỏ.
Thứ hai, mở cửa thị trường để tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, nới lỏng dần điều kiện nhà đầu tư tham gia thị trường, như: quy mô vốn đầu tư, từ 5 tỷ USD (năm 2015), xuống 1 tỷ USD (năm 2016) và 500 triệu USD (năm 2018); kinh nghiệm đầu tư ít nhất 5 năm (từ năm 2015) xuống còn bỏ hẳn luôn yêu cầu này (từ năm 2018); hoặc điều kiện sở hữu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài từ tối đa 70%, xuống còn 49% và cuối cùng bỏ luôn quy định này vào năm 2019.
Thứ ba, cải thiện quy trình thanh toán bù trừ lên thành T+2 để giảm rủi ro thanh toán; giảm phí giao dịch chứng khoán; cho phép nhà đầu tư không cần sẵn có tiền vào ngày mua chứng khoán, nhưng phải có đủ tiền trong tài khoản ở ngày T+2; cho phép hoạt động cho vay và bán khống chứng khoán (từ tháng 4/2017); áp dụng mô hình thanh toán bù trừ đa phương của ngân hàng thanh toán quốc tế BIS.
THỰC TRẠNG ĐIỀU KIỆN NÂNG HẠNG TTCK VIỆT NAM
Trong giai đoạn từ 2020 đến nay, TTCK Việt Nam gặp nhiều thách thức, tuy nhiên đã có sự phát triển mạnh mẽ từ quy mô thị trường, mức độ thanh khoản, số lượng các nhà đầu tư tham gia, cũng như sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành có liên quan. Về yếu tố vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng, triển vọng phát triển các lĩnh vực trong nền kinh tế khả quan, đồng thời khung pháp lý ngày càng hoàn thiện, đáp ứng từng bước các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Theo các tiêu chí của FTSE Russell và MSCI, thị trường Việt Nam đang ở phân khúc thị trường cận biên, hiện đã đáp ứng được một số tiêu chí của thị trường mới nổi; tuy nhiên vẫn còn một số tiêu chí cần được cải thiện, bao gồm: (i) Thành lập trung tâm thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), đây được coi là nút thắt chính cần giải quyết để đáp ứng điều kiện nâng hạng thị trường; (ii) Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, bao gồm cả các sản phẩm đầu tư trên thị trường; (iii) Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho thị trường; (iv) Vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài như đối xử công bằng về quy định sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tương tự đối với nhà đầu tư trong nước; (v) Chú trọng hoạt động bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các cổ đông thiểu số; và (vi) Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động của thị trường.
KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM
Thông qua tìm hiểu bài học kinh nghiệm từ UEA và Ả Rập Xê Út, tựu chung lại có một số bài học rút ra như sau:
Một là, cần thiết tập trung cải cách nền kinh tế quốc gia, nhằm nâng cao năng lực của cả nền kinh tế nói chung, tạo ra sức mạnh nội tại của nền kinh tế vững chắc, từ đó các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ có nhiều thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trên TTCK tin tưởng tham gia đầu tư.
Hai là, hoàn thiện cơ sở pháp lý cần thiết trên thị trường tài chính nói chung và đối với TTCK nói riêng. Việc có cơ sở hành lang pháp lý đóng vai trò rất quan trọng, sẽ đảm bảo quyền lợi của các chủ thể tham gia trên thị trường, đồng thời tạo được niềm tin của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia trên TTCK.
Ba là, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp đủ điều kiện cần bắt buộc niêm yết trên TTCK; thông qua điều này sẽ tạo ra được thêm hàng hóa trên thị trường, giúp các nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn hàng hóa đầu tư trên thị trường.
Bốn là, tăng cường nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng cho TTCK, tạo ra các cơ chế giao dịch chứng khoán công bằng, minh bạch, giúp các nhà đầu tư dễ dàng tham gia đầu tư trên thị trường, từ các góc độ tiếp cận thông tin trên thị trường, thuận tiện trong giao dịch, giúp việc luân chuyển dòng vốn vào và ra trên thị trường được nhanh chóng, thuận lợi…/.
Tài liệu tham khảo
1. Kiều Trang (2023), Việt Nam vẫn lỡ hẹn chuyến tàu nâng hạng FTSE, lại chờ tới mùa xuân năm 2024, Vneconomy, truy cập từ https://vneconomy.vn/viet-nam-van-lo-hen-chuyen-tau-nang-hang-ftse-lai-cho-toi-mua-xuan-nam-2024.htm.
2. Nguyễn Quang Long (2015), Xếp hạng TTCK và giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Ủy Ban, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
3. Trần Thị Xuân Anh, Phạm Tiến Mạnh, Ngô Thị Hằng, Trần Anh Tuấn (2020), Giải pháp tăng cường cơ hội nâng hạng TTCK Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Học viện Ngân hàng.
4. Trần Thị Xuân Anh, Phạm Tiến Mạnh, Trần Anh Tuấn (2020), Phân hạng TTCK Việt Nam - Những vấn đề đặt ra trong thời gian tới, Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, 219(8), 36-48.
TS. Phạm Tiến Mạnh - Học viện Ngân hàng
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 03, tháng 02/2024)
Bình luận