Không chấp nhận những dự án luật không bảo đảm chất lượng…

“Việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án là nhiệm vụ chính trị trọng tâm không chỉ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ này, mà còn là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên hàng đầu của tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương...”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, khi phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc Triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, theo Văn phòng Quốc hội

Sau hội nghị, Vương Đình Huệ cho biết, Đảng đoàn Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sớm hoàn thiện để ban hành ngay Kế hoạch của UBTVQH triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị. Đề án của Đảng đoàn Quốc hội đã bám sát chủ trương, đường lối Đại hội XIII và các văn kiện khác của Đảng, đề ra 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể cần thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV nhằm hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo...

Không để xảy ra việc lồng ghép “lợi ích nhóm” trong văn bản luật
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật. Ảnh: QH

“Cần quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra việc lồng ghép ‘lợi ích nhóm’, ‘lợi ích cục bộ’ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản luật; quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, kiên quyết không trình Quốc hội, UBTVQH dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng và tiến độ. Đề nghị siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp gắn với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; gắn trách nhiệm trong từng lĩnh vực, xác định rõ nguyên nhân của từng cơ quan, tổ chức, người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ để báo cáo Quốc hội, cấp có thẩm quyền và coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; là căn cứ để xem xét, đánh giá tín nhiệm khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn...

6 nhiệm vụ trọng tâm

Để thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án, ông Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan, tổ chức cần khẩn trương chỉ đạo triển khai ngay 6 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên UBTVQH và ý kiến của các cơ quan, tổ chức tại Hội nghị này, nhất là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư để hoàn thiện dự thảo Kế hoạch của UBTVQH triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án để trình UBTVQH sớm ban hành. Đây là Kế hoạch chung phân công nhiệm vụ cho tất cả các cơ quan, tổ chức thực hiện, chứ không phải riêng nội bộ các cơ quan của Quốc hội, nên cần ban hành sớm để các cơ quan có cơ sở thực hiện.

Thứ hai, đề nghị các cơ quan, tổ chức căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và phạm vi lĩnh vực phụ trách, khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết của cơ quan, tổ chức mình để triển khai. Trong đó, cần lưu ý việc thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho các cơ quan, đơn vị, đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật, các điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ lập pháp được giao. Kế hoạch của các cơ quan, tổ chức phải được gửi báo cáo UBTVQH để theo dõi, giám sát việc thực hiện. Hàng năm, Đảng đoàn Quốc hội phải báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả triển khai Kết luận số 19-KL/TW.

Thứ ba, theo tiến độ và các nhiệm vụ lập pháp được phân công chủ trì thực hiện, đề nghị các cơ quan khẩn trương bắt tay ngay vào việc tổ chức rà soát, nghiên cứu và báo cáo kết quả với UBTVQH.

Thứ tư, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được phân công theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ lập pháp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện, vừa để tham gia, phối hợp ngay từ đầu, vừa để đôn đốc bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.

Thứ năm, đề nghị Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các vị đại biểu Quốc hội chủ động tổ chức nghiên cứu, quán triệt Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án; phối hợp rà soát, tổng kết, khảo sát thực tiễn khi có yêu cầu của UBTVQH, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương.

Thứ sáu, đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có giải pháp tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát và phản biện xã hội đối với công tác xây dựng pháp luật; phát huy vai trò, trách nhiệm, tham gia có hiệu quả vào quy trình lập pháp.../.