Không thể để tình trạng Hiến pháp mở ra, còn các bộ luật, thì đóng lại
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đã bỏ tội "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn đề nghị giữ nguyên điều này.
Theo Bộ trưởng Vinh, trong bản dự thảo Luật Hình sự sửa đổi, các đại biểu đang nói rất nhiều đến ba loại tội là kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; và báo cáo sai trong quản lý kinh tế .
Tuy nhiên, với tội kinh doanh trái phép, thì Luật Đầu tư vừa được Quốc hội thông qua năm 2014 đã quy định rất rõ 6 lĩnh vực ngành nghề cấm, và quy định những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Bộ trưởng cho biết, trong các dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, hầu hết các ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đều đề nghị không ghi danh mục nào vào dự thảo.
Như vậy, hai luật Đầu tư, Doanh nghiệp, và các văn bản hướng dẫn đang có mục tiêu rất rõ ràng là tạo môi trường kinh doanh thông thoáng. Vì vậy, các luật khác cũng cần theo tinh thần này.
Để tăng sức nặng, Bộ trưởng viện dẫn thêm tinh thần sửa đổi của Hiến pháp năm 2013 là đảm bảo tốt hơn quyền tự do công dân, quyền con người, cũng như quyền tự do kinh doanh của các tổ chức và cá nhân, cụ thể trong lĩnh vực kinh tế Điều 33, Hiến pháp 2013 đã quy định rất rõ là mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh: “Khi xem xét các luật ban hành mới hoặc sửa đổi các điều luật, thì phải căn cứ trên tinh thần đổi mới của Hiến pháp năm 2013, không để tình trạng Hiến pháp, thì mở ra còn các bộ luật, các điều luật thì lại đóng lại”.
Còn theo thông lệ của quốc tế là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự.
Theo Bộ trưởng Vinh, đây là vấn đề không mới, nhưng rõ ràng đang là những trở ngại, những rào cản đối với công cuộc đổi mới sáng tạo, làm nản lòng rất nhiều nhà đầu tư, doanh nhân muốn bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Bộ trưởng Vinh lo lắng: “Những luật về kinh tế có thoáng bao nhiêu chăng nữa mà Luật Hình sự bó chặt lại, không rõ ràng, không minh bạch, thì không ai dám bỏ tiền làm ăn. Tôi chắc chắn như vậy và đây là vận mệnh của đất nước”.
“Tôi chắc chắn trong gần 41 (đại diện) doanh nghiệp có mặt trong Quốc hội hôm nay cũng như mấy trăm nghìn các doanh nghiệp khác đều phản ánh và rất lo lắng việc này. Nếu bộ luật của chúng ta khái niệm không minh bạch, rõ ràng thì chắc chắn đang là rào cản rất lớn, khi đầu tư kinh doanh chỉ sơ xảy là có thể bị quy tội hình sự,” Bộ trưởng Vinh nói.
“Trong lĩnh vực kinh tế, mục tiêu của những sai phạm kinh tế có thể là bất chính, nhưng đều nhằm thu lợi nhuận nhiều hơn, không đúng các nguyên tắc quy định, mục tiêu của họ là tiền. Vậy, rõ ràng ở đây chúng ta phải có những giải pháp để xử lý việc này sao cho đúng, trừ những hành vi đó gây ra nguy hiểm cho xã hội ở mức cần thiết, còn hợp lý nhất định mang truy tố hình sự”, Bộ trưởng phân tích.
Còn lại những hành động về mặt kinh tế phải được xử lý bằng các biện pháp kinh tế, để thu hồi lợi nhuận và khoản tiền bị chiếm đoạt phi pháp. Thậm chí có thể phạt nặng hơn rất nhiều những cái mà họ đã chiếm, để ngăn chặn tái diễn trong tương lai. Còn biện pháp hình sự chưa chắc đã đảm bảo được mục tiêu đó
“Đây là mục tiêu chính của chúng ta, thu hồi những cái họ mong muốn đạt được”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Dẫn chứng rằng, rất nhiều vụ án đã xử, vẫn bị thất thoát, không thu hồi được tài sản, theo Bộ trưởng Vinh, lẽ ra để cho họ sống, thì tài sản đó được thu hồi, thậm chí họ còn trở thành anh hùng và đã có nhiều người như vậy.
“Nếu chúng ta không làm rõ được vấn đề này, thì sẽ trở thành một rào cản chúng ta rất lo lắng để phát triển thêm các doanh nghiệp. Có thể động viên mọi người bỏ tiền đầu tư kinh doanh, làm ăn, đóng góp, sáng tạo và đổi mới. Có nhiều đổi mới có thể đi trước và có thể không đúng luật pháp. Nếu chúng ta quy vào những tội không rõ ràng sẽ rất nguy hiểm cho đất nước”, Bộ trưởng Vinh thẳng thắn./.
Bình luận