Ngày 28/3, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016).

Đất nước đang kém an toàn hơn rất nhiều

“Nếu như chúng ta làm dân thường một vài ngày, một vài giờ chúng ta sẽ thấy tính mạng, nhân phẩm, tài sản của người dân dễ bị xâm phạm và dễ bị xúc phạm như thế nào”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) chua xót.

Vị đại biểu này nhận định, hiện nay, đất nước ta kém an toàn hơn rất nhiều so với 10 năm trước đây.

Theo đại biểu Nghĩa, ở nước ta, tội phạm không cần tinh vi, rất trắng trợn, rất công khai kéo dài.

Ví dụ, vấn đề khai thác cát, phá rừng không phải là chuyện qua đêm, xây những tòa nhà này, tòa nhà kia, xây những khu biệt thự mấy chục căn, tầng suất rất thường xuyên và quy mô ngày càng lớn.

“Chúng tôi cho rằng công tác phòng, chống tội phạm vừa rồi của chúng ta phải xem lại. Người ta vi phạm pháp luật, người ta không còn sợ”, đại biểu Nghĩa chỉ rõ.

Từ thực tế đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, nhiệm vụ của Quốc hội không chỉ làm luật mà còn giám sát thi hành pháp luật.

“Quốc hội khóa XIV phải tăng gấp đôi hoạt động giám sát thi hành pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm sự hạnh phúc và sự an toàn của người dân”, đại biểu Nghĩa đề nghị.

Có độ chênh giữa tinh thần Hiến pháp đối với các đạo luật

Trong thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp bên cạnh Hiến pháp, theo thống kê, Quốc hội khóa XIII đã thông qua 100 bộ luật.

Song đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, độ chênh giữa tinh thần, nội dung của Hiến pháp đối với các đạo luật, thậm chí có trường hợp Hiến pháp quy định còn chi tiết hơn làm luật. Hay có trường hợp khi làm luật Hiến pháp quy định quyền công dân, quyền con người có 3 điểm, khi làm luật lấy 2 điểm, còn bỏ bớt 1 điểm.

“Ở nước ta không có Tòa án Hiến pháp. Do đó, Quốc hội phải là cơ quan giám sát việc thi hành Hiến pháp thông qua giám sát việc soạn thảo các đạo luật”, vị đại biểu này đề xuất.

Đại biểu Nghĩa cũng chỉ ra rằng, việc soạn thảo luật hiện nay chủ yếu giao cho hành pháp, trong không ít trường hợp việc soạn thảo thể hiện và nhiều khi rất tinh vi lợi ích và sự thuận lợi cho hành pháp và cho quản lý hành chính.

“Có những trường hợp do không giám sát kỹ nên trong một số luật đã có kẽ hở, những vùng xám rất tiện lợi cho sự tùy tiện, nhũng nhiễu của các cán bộ công chức quản lý hành chính, gây cho nhân dân, cho doanh nghiệp rất nhiều bất bình và bức xúc”, đại biểu Nghĩa thẳng thắn.

Có những trường hợp, sau khi Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường đã nhất trí, lẽ ra chỉ cần chỉnh sửa về ngữ pháp, chính tả, nhưng khi đưa ra bấm nút, thì lại thấy có những thay đổi về ý tứ và nội dung.

Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, việc lấy ý kiến của Quốc hội về những vấn đề còn khác nhau trong dự thảo luật thường theo ý kiến, chính kiến riêng của Ban soạn thảo. Ví dụ, ở Luật giáo dục nghề nghiệp, khi mà các đại biểu có ý kiến khác nhau về cơ quan quản lý là Bộ Giáo dục hay Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì khi lấy thăm dò ý kiến đại biểu lại đưa ra là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hay là Chính phủ.

Đại biểu Phạm Đức Châu - Quảng Trị thì đề xuất trước khi thông qua dự thảo luật, nên bố trí một khoảng thời gian để một số chuyên gia hiểu biết luật pháp trình bày về những vấn đề chưa an tâm nêu trước Quốc hội, sau đó có thể cần phải tranh luận trước khi biểu quyết, qua đó sẽ hạn chế được những vấn đề thiếu sót, những vấn đề hạn chế của các điều luật được thông qua và tạo được sự đồng thuận cao hơn.

Cần có chế tài xử lý trách nhiệm

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, chúng ta xây dựng được nhiều luật pháp có thể nói một rừng luật nhưng vì sao tình hình vẫn phức tạp, khó khăn điều đó chứng tỏ vẫn còn rất nhiều luật không đi vào cuộc sống, không gắn bó với thực tiễn.

Theo đại biểu Thuyền đó là trách nhiệm của cơ quan soạn thảo; trách nhiệm của Quốc hội; trách nhiệm của những người soạn thảo gửi tài liệu.

Phê công tác làm luật là chức năng cơ bản của Quốc hội, nhưng thiếu tập trung, còn chắp vá, Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP. Đà Nẵng) chỉ rõ, chương trình xây dựng pháp luật còn chưa khoa học, một số dự án luật thiếu tính ổn định, chưa đi vào thực tế, có biểu hiện lợi ích cục bộ trong quá trình xây dựng luật. Quốc hội thông qua rồi, dự luật không chấp nhận phải sửa lại vấn đề bức xúc là không có ai chịu trách nhiệm.

“Do đó, tôi đề nghị Quốc hội cần có chế tài xử lý trách nhiệm những người đứng đầu cơ quan soạn thảo và thẩm tra. Làm một luật đã khó, tốn kém tiền bạc của nhân dân, nhưng luật không đi vào cuộc sống, không có tính khả thi thì làm luật để làm gì”, đại biểu Huỳnh Nghĩa đề xuất.

Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) thì chỉ rõ, trong 100 đạo luật được thông qua nhiệm kỳ thì, phần lớn là luật sửa đổi, bổ sung của luật pháp. Vì vậy, Quốc hội khóa XIV cần quan tâm khắc phục nhược điểm này để đảm bảo tính ổn định lâu dài của luật pháp.

Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng lưu ý, không phải vì đảm bảo tính ổn định của luật pháp, mà chậm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện luật pháp cho phù hợp với thực tiễn sinh động của cuộc sống hiện nay lại là cấp thiết.

Điển hình như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Mặc dù, đến ngày 1/7/2016 tội phạm này sẽ được xử nặng hơn nhưng thời gian vậy cử tri vẫn nói còn quá chậm.

Vì thế, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần quan tâm hơn các đối tượng bị tác động bởi luật sẽ được ban hành. Cần có những nghiên cứu xã hội học trước khi chúng ta soạn thảo và ban hành.

Về quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, theo đại biểu Thuyền cũng rất hình thức.

“Quyết định về ngân sách là những vấn đề hết sức quan trọng, hệ trọng nhưng chúng ta rất đơn giản khi quyết định những vấn đề này, có thể năm nay chúng ta quyết định giới hạn bội chi ngân sách không quá 5%, nhưng khi quyết toán trên 6% mà Quốc hội vẫn biểu quyết thông qua điều đó chứng tỏ chúng ta làm rất hình thức không phải thực chất”, đại biểu Thuyền dẫn chứng.

Về tình trạng tài liệu đến chậm với đại biểu Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) dí dỏm: “Tôi không biết có ai cân chưa, xem mỗi lần Quốc hội họp, mỗi kỳ họp này chúng nhận được bao nhiêu cân giấy. Tất nhiên thao tác kiểu như thế thì nó chậm là phải thôi, trong khi đó chúng ta chỉ cần kích một cái như thế là mọi người có thể biết được”./.