Các đối tượng miễn đăng ký kinh doanh theo quy định

Theo quy định hiện hành, một cá nhân muốn thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tự mình hoặc tham gia cùng các cá nhân khác tổ chức các mô hình kinh doanh theo một trong các hình thức sau: doanh nghiệp (được thành lập theo Luật Doanh nghiệp); các loại hình kinh doanh (được thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành); tổ hợp tác; hợp tác xã; liên hiệp hợp tác xã (được thành lập theo Luật Hợp tác xã); hộ kinh doanh. Tuy nhiên, có một số trường hợp cá nhân hoạt động thương mại là đối tượng không phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, không phải thực hiện một số nghĩa vụ thuế, phí liên quan như thương nhân, không có sự quản lý về số lượng người lao động, quy mô, địa điểm hoạt động

Khung pháp lý quy định về miễn đăng ký kinh doanh tại Việt Nam
Người buôn bán rong là một trong các đối tượng miễn đăng ký kinh doanh theo quy định

Cụ thể, chuyên gia Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo quy định tại Điều 6, Luật Thương mại 2005, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập cũng có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm. Hoạt động thương mại được hiểu là hoạt động kinh tế nhằm mục tiêu sinh lời của chủ thể kinh doanh trên thị trường. Cùng với các chủ thể khác như: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cũng là đối tượng được quy định như là một chủ thể kinh doanh, thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại. Tất cả các thương nhân khi thực hiện hoạt động kinh doanh đều phải đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không phải chủ thể hoạt động kinh doanh nào cũng được coi là thương nhân và cũng bắt buộc phải đăng ký kinh doanh.

Theo Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, ngày 16/3/2007 của Chính phủ về hoạt động thương mại một cách động lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh, thì cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại.

Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau: Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong; Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định; Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định; Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ; Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định; Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

Tuy vậy, trên thực tế, các cá nhân không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh này vẫn thực hiện đăng ký với cơ quan thuế để thực hiện các nghĩa vụ về thuế, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế với cơ quan Nhà nước và không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn có thể tiến hành hoạt động kinh doanh bình thường (do pháp luật về đăng ký kinh doanh hiện nay chỉ quy định quyền được đăng ký kinh doanh, không quy định nghĩa vụ bắt buộc phải đăng ký kinh doanh). Theo số liệu của Tổng cục Thuế, hiện tại cơ quan thuế đang quản lý 2,3 triệu cá nhân kinh doanh, có đăng ký thuế nhưng không đăng ký kinh doanh. Đối với trường hợp cá nhân không đăng ký kinh doanh, chỉ có cơ quan thuế nắm được số lượng, thông tin về chủ thể kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh không có thông tin về các chủ thể này.

Bên cạnh đó, Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 04/01/2021 đã bổ sung thêm đối tượng không cần đăng ký kinh doanh. Cụ thể, khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: “Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương”. Như vậy, quy định mới đã bổ sung thêm đối tượng không cần phải đăng ký kinh doanh là “những người kinh doanh thời vụ trừ truờng hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”. Đáng chú ý, dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện đã đưa ra đề xuất đối tượng làm dịch vụ có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống sẽ không phải đăng ký hộ kinh doanh. Như vậy, nếu Nghị định này ban hành, thì đây cũng sẽ là đối tượng không phải đăng ký kinh doanh.

Vẫn khó khăn trong quản lý

Theo chuyên gia của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, có thể thấy, bản chất các cá nhân hoạt động thương mại không phải đăng ký kinh doanh này vẫn phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước để tiến hành hoạt động kinh doanh. Việc miễn đăng ký ở đây dường như chưa được quy định chính xác và đầy đủ. Bên cạnh đó, với việc phát triển của quá trình chuyển đổi số, mô hình cá nhân kinh doanh đã mở rộng thêm các đối tượng như người kinh doanh trực tuyến, người lao động chuyên môn và tự do như freelancers, nghệ sỹ làm việc trên môi trường trực tuyến… Quy phạm pháp lý hiện nay chưa có quy định rõ ràng để các đối tượng này xác định quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào khu vực kinh tế chính thức, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.

Thực tế hiện nay, nhiều cá nhân tận dụng trang cá nhân để bán hàng online, livestream (phát trực tiếp) trên các tài khoản cá nhân như: Tiktok, Facebook, Zalo… ngày càng nở rộ. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng được rao bán là hàng giả, hàng nhái khiến người tiêu dùng bất an. Riêng trong tháng 10/2023, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra, phát hiện 166 vụ vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tiếp đến là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với 154 vụ, và hàng nhập lậu 106 vụ. Hàng giả, hàng lậu được các đối tượng cất giữ tại kho, một phần đưa vào các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại... chủ yếu để trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Hoạt động chính vẫn là bán trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử (TMĐT), livestream bán hàng trên Tiktok Shop. Với thương mại truyền thống, việc xác minh địa điểm mua bán, kho chứa hàng, giao kết hợp đồng dễ dàng hơn. Nhưng với bán hàng online, lực lượng chức năng khó xác định địa điểm mua bán, người bán, kho hàng, thời điểm giao kết hợp đồng và chứng cứ cũng dễ dàng bị thay đổi.

Đặc biệt, tại các địa phương, tình hình quản lý hoạt động của cá nhân hoạt động thương mại vô cùng khó khăn và phức tạp. Ở các thành phố lớn, những khu vực cấm cá nhân hoạt động thương mại gồm: sân ga, bến tàu, bến xe, trường học, bệnh viện, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, khu vực tạm dừng, đỗ của các phương tiện tham gia giao thông…, là những điểm tập trung rất nhiều người bán rong. Chính vì khó khăn trong việc quản lý, các địa phương đã ban hành văn bản theo hướng cấm, hạn chế hoạt động của cá nhân hoạt động thương mại trái với quy định của Luật Thương mại và pháp luật liên quan hoặc quy định những nội dung quản lý thiếu rõ ràng. Cá biệt, có những cá nhân hoạt động thương mại thực tế đang thực hiện kinh doanh một số mặt hàng kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh không chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là do sự chồng lấn giữa Nghị định số 39/2007/NĐ-CP với các Nghị định chuyên ngành kinh doanh có điều kiện.

Cần quy định rõ phạm vi đối tượng được miễn đăng ký kinh doanh

Để đảm bảo công tác quản lý nhà nước, cũng như tạo thuận lợi trong kinh doanh thương mại cho các đối tượng được miễn đăng ký kinh doanh theo quy định, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh khuyến nghị cần nghiên cứu để làm rõ phạm vi các nhóm đối tượng không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cá nhân kinh doanh nhằm định vị để xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển đối tượng này. Đồng thời, xem xét bổ sung hoặc rà soát các trường hợp/đối tượng không phải đăng ký kinh doanh tại Điều 3 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất giữa các quy định của pháp luật, sự phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội.

Trong trường hợp không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh, nhưng vẫn phải tiến hành đăng ký với cơ quản lý nhà nước khác, các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế quản lý, chia sẻ thông tin về tình hình đăng ký giữa các cơ quan quản lý nhà nước như: cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, ngân hàng, bảo hiểm. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được bức tranh toàn cảnh, đầy đủ và thống nhất về các chủ thể kinh doanh, từ đó nắm bắt được nhu cầu, tình hình hoạt động, đưa ra được những chính sách khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển của các chủ thể này, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với các đối tượng này, cũng như tạo thuận lợi cho họ trong sản xuất, kinh doanh đóng góp cho nền kinh tế trong thời gian tới./.