Khuyến khích các DN sản xuất dược phẩm công nghệ cao của Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam
Đó là thông tin được ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế các doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế đưa ra tại "Hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm" khi nhận định dư địa hợp tác về dược phẩm giữa Việt Nam – Ấn Độ còn rất lớn và mong muốn với những chính sách ưu đãi về thuế nói trên của Việt Nam, các doanh nghiệp dược phẩm của Ấn Độ sẽ đầu tư ngày càng nhiều hơn nữa.
Các diễn giả thảo luận tại Hội nghị
Hội nghị được tổ chức bởi Đại sứ quán Ấn Độ phối hợp với Liên minh Xúc tiến Đầu tư Quốc tế (INVESTGLOBAL), Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào sáng nay, ngày 21/1/2021 với nỗ lực thúc đẩy thương mại và đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam.
Hội nghị nằm trong chuỗi sự kiện sẽ diễn ra trong năm 2021 và những năm tiếp theo để thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư và thương mại giữa các doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực dược và cả các lĩnh vực khác.
Dư địa hợp tác dược phẩm Việt Nam - Ấn Độ còn rất lớn
Phát biểu tại Hội nghị, GS, TSKH. Nguyễn Mại – Chủ tịch VAFIE dẫn số liệu theo thống kê của BMI Research, năm 2018, quy mô thị trường ngành dược Việt Nam đạt 5,9 tỉ USD, tăng 11,5% so với năm trước, trở thành thị trường dược phẩm lớn thứ hai tại Đông Nam Á, thuộc nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất trên thế giới. Ngành dược trong nước đã tăng trưởng mạnh mẽ, hiện có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm và 224 nhà máy trong nước đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc), nhưng mới đáp ứng được khoảng 52,5% nhu cầu thị trường nội địa, số còn lại phải nhập khẩu.
Riêng 10 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu dược phẩm đạt 2,7 tỷ USD, tăng 6,7%, nhập khẩu nguyên liệu dược phẩm đạt 338 triệu USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.
BMI Research đánh giá, dù gặp nhiều khó khăn về sản xuất và công nghệ nhưng với trên 97,7 triệu dân và mối quan tâm của cả Chính phủ và người dân đến vấn đề sức khỏe ngày càng cao, sẽ là động lực cho ngành dược phẩm tiếp tục tăng trưởng nhanh. Trong 5 năm sắp tới, ngành dược Việt Nam dự báo sẽ tăng 11%/năm, thuộc diện ổn định nhất thế giới, đạt 7,7 tỉ USD năm 2021 và 16,1 tỷ USD năm 2026.
“Những số liệu thống kê và dự báo cho thấy tiềm năng to lớn của ngành sản xuất và thị trường dược phẩm Việt Nam, cùng với môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng được cải thiện, Việt Nam đang được nhiều tập đoàn dược phẩm lớn của thế giới quan tâm”, GS. Nguyễn Mại nói.
Trong khi đó, Ấn Độ được mệnh danh là một trong những quốc gia có ngành dược phẩm phát triển nhất thế giới. Ngành dược phẩm của Ấn Độ cung cấp hơn 50% nhu cầu toàn cầu về các loại vaccine khác nhau, 40% nhu cầu chung ở Mỹ và 25% tất cả các loại thuốc ở Anh.
Thuốc của Ấn Độ được xuất khẩu sang hơn 200 quốc gia trên thế giới, trong đó Mỹ là thị trường trọng điểm. Thuốc generic chiếm 20% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu, đưa quốc gia này trở thành nhà cung cấp thuốc generic lớn nhất trên toàn cầu.
Tính đến tháng 10/2020, Ấn Độ đã xuất khẩu 13,87 tỷ USD dược phẩm trong năm tài chính 2021. Trong khi đó, xuất khẩu dược phẩm từ Ấn Độ đạt 16,28 tỷ USD trong năm tài chính 2020 và 2,07 tỷ USD chỉ riêng vào tháng 10/2020.
Hiện nay, hơn 80% thuốc kháng vi rút được sử dụng trên toàn cầu để chống lại bệnh AIDS (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) được cung cấp bởi các công ty dược phẩm Ấn Độ. Ấn Độ cũng là một nước dẫn đầu trong các lĩnh vực điều trị tim mạch (CV) và hệ thần kinh trung ương (CNS), dạ dày-ruột, bệnh tiểu đường, chống nhiễm trùng...
Trong quan hệ thương mại ở lĩnh vực dược phẩm với Việt Nam, ngài Pranay Verma - Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ ở Việt Nam cho biết, trong các năm qua, Ấn Độ là một trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất các sản phẩm dược phẩm vào Việt Nam. Với mức giá rẻ hơn các nguồn nhập khẩu từ Châu Âu và Hoa Kỳ, nguồn dược phẩm nhập khẩu từ Ấn Độ rất quan trọng trong việc ổn định giá cả các sản phẩm dược phẩm nhập khẩu.
Ấn Độ hiện là nhà cung cấp lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Pháp và Đức trong lĩnh vực dược phẩm, với kim ngạch nhập khẩu 9 tháng năm 2020 đạt 198 triệu USD. Trong khi nhu cầu dược phẩm của Việt Nam ngày càng tăng, trung bình mỗi người Việt Nam chi 64 USD/năm cho việc mua dược phẩm. Với những quy định mới đi vào hiệu lực cùng với việc Việt Nam ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp dược phẩm Ấn Độ.
Việt Nam và Ấn Độ có nhiều lợi thế và tiềm năng đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong ngành dược, thiết bị y tế. Việt Nam cũng đang kêu gọi đầu tư phát triển sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Chính vì vậy, dư địa hợp tác và đầu tư trong ngành dược, thiết bị y tế giữa Việt Nam - Ấn Độ rất rộng mở.
Nhiều chính sách ưu đãi của Việt Nam dành cho các nhà đầu tư dược phẩm Ấn Độ
Chia sẻ tại Hội nghị, ngài Phạm Sanh Châu - Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã sửa đổi các quy định để doanh nghiệp Ấn Độ nào đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sẽ được tự do tham gia các gói đấu thầu cung cấp thuốc và dược phẩm cho các cơ sở y tế công lập. Theo đó, tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đấu thầu căn cứ theo chất lượng công nghệ cũng như chất lượng sản phẩm.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ thành lập trung tâm sản xuất dược phẩm tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp này tăng cường kiểm soát chất lượng.
Trong khi đó, GS. Nguyễn Mại – Chủ tịch VAFIE cũng thông tin tới các doanh nghiệp dược phẩm Ấn Độ rằng, Việt Nam đã phòng chống có kết quả với dịch Covid-19. Đồng thời, Việt Nam cũng bắt đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu vừa tiếp tục ứng phó có kết quả với dịch Covid-19, vừa tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao 6,5%- 7,0% và bền vững theo hướng chuyển đổi sang kinh tế số, doanh nghiệp số, xã hội số và chính phủ số.
Việt Nam cũng đang tiếp tục hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, trong đó có việc thực thi nhiều FTAs thế hệ mới, như: CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA. Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế, luật pháp và thực thi để đáp ứng yêu cầu các cam kết quốc tế của Việt Nam tại FTAs thế hệ mới, trong đó có dược phẩm.
Đây chính là cơ hội và môi trường kinh doanh rất tốt dành cho các doanh nghiệp dược phẩm Ấn Độ muốn quan tâm đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế các doanh nghiệp lớn thông tin, là thành viên của ASEAN, Việt Nam có lịch trình giảm thuế với Ấn Độ nhưng với thời gian dài hơn 5 năm so với các nước ASEAN khác.
Ngoài ra, những năm gần đây, Việt Nam thực hiện đơn giản hóa các chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư, đồng thời thực hiện đầy đủ các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo đó, các ưu đãi thuế thu nhập được áp dụng thống nhất, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, giữa các nhà đầu tư trong ước và đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, hiện tại, Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định ưu đãi cho các lĩnh vực đầu tư khuyến khích sản xuất công nghệ cao, dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường với mức ưu đãi cao nhất là: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động, miễn thuế tối đa 04 năm kể từ năm có lãi và giảm thuế tối đa 50% không quá 09 năm tiếp theo.
Như vậy, đây là cơ hội và ưu đãi rất lớn cho các doanh nghiệp FDI nói chung cũng như các doanh nghiệp dược phẩm của Ấn Độ sản xuất công nghệ cao và thân thiện với môi trường muốn đầu tư vào Việt Nam nói riêng.
Đồng thời, ông Phụng cũng lưu ý, để việc đầu tư hiệu quả, doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam cần thiết lập nền tảng kết nối thông tin một cách thường xuyên và chặt chẽ hơn nữa nhằm phát huy tối đa lợi thế của mỗi bên vì mục tiêu phát triển cho cả đôi bên./.
Bình luận